Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, sáng 10/11, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit 2017) tiếp tục phiên đối thoại về vai trò của chính phủ và doanh nghiệp trong thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn lực, công nghệ như một động lực của cơ hội kinh tế, Tầm nhìn APEC sau năm 2020, đối thoại với các nền kinh tế chủ nhà APEC tương lai.
Hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ tài nguyên
Nhận định về nguồn tài nguyên trong phát triển bền vững, ông Robert S. Franklin, Chủ tịch Công ty Tiếp thị Khí và Năng lượng Exxon Mobil, Phó Chủ tịch Exxon Mobil Corporation (Mỹ), cho rằng thế giới đang được dẫn dắt bởi khu vực APEC, do đó cần phải đưa ra những lựa chọn căn bản cho khu vực này. Các nền kinh tế khu vực này cần tìm ra những giải pháp cung cấp năng lượng, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Hiện nay, trong khu vực còn rất nhiều người chưa được sử dụng điện. Bên cạnh đó, cần đảm bảo giá năng lượng ở mức hợp lý với người tiêu dùng; đồng thời có giải pháp đưa nguồn năng lượng đó về nhóm dân cư đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Ông Robert S. Franklin cho rằng không chỉ xã hội, các chính phủ, chính quyền mà doanh nghiệp cần có hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ tài nguyên hiệu quả.
Bàn về biến đổi khí hậu, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern cho rằng các nền kinh tế thành viên APEC cần kêu gọi các nhà lãnh đạo, các tổ chức phải có hành động cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng New Zealand cho rằng các nền kinh tế cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục về biến đổi khí hậu. Tại New Zealand, những thách thức về biến đổi khí hậu được đưa vào chương trình học của các bậc tiểu học.
Công nghệ như một động lực của cơ hội kinh tế
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho rằng đây là chủ đề quan trọng, kết nối cộng đồng và công nghệ hiện nay rất bền chặt, nhiều công nghệ để nắm bắt. Để nắm bắt được xu thế này, thương mại tự do quốc tế đang phát triển mạnh.
Nhấn mạnh công nghệ là một trong những động lực của cơ hội kinh tế, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết đó là cơ hội về xuất khẩu. Internet và facebook đã tạo ra khuôn khổ lớn, tạo nên bước đột phá cho thương mại toàn cầu. Đây là điều hết sức mới mẻ, dường như không tưởng, thì bây giờ đã có thể thực hiện vì công nghệ diễn ra khắp mọi nơi.
Bên cạnh đó, người dân cần tiếp cận với công nghệ, trao quyền cho họ để có thể phát triển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hơn nữa nhằm tạo đột phá về phát triển kinh tế, tăng trưởng thương mại. Australia cũng đang tạo nhiều điều kiện hơn để các em gái tham gia nhiều hơn vào các chương trình khoa học, hãy dạy các em gái khoa học máy tính để nữ giới tham gia được nhiều hơn vào hoạt động này.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình phát triển công nghệ, Chủ tịch-Giám đốc điều hành của Facebook cho biết mọi người cần kỹ năng về số và họ cần tham gia vào bức tranh tăng trưởng về kinh tế. Nhiều người lo lắng công nghệ sẽ cướp đi công việc nhưng không phải vậy, có rất nhiều công việc sẽ được tạo ra nhờ công nghệ. Nhiều doanh nghiệp có mối quan hệ ngoài khu vực, quốc gia của mình nhờ công nghệ và đã kết nối hợp tác cùng nhau. Trong các lĩnh vực phát triển cộng đồng, nếu các doanh nghiệp địa phương tiếp cận được khả năng về số, sẽ mở ra rất nhiều công ăn việc làm mới.
Đối thoại với các nền kinh tế chủ nhà APEC tương lai
Là Chủ nhà của APEC 2018, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill cho biết sẽ chú trọng mục tiêu Bogor. Nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Papua New Guinea có cơ hội để tạo ra làn sóng đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực như việc làm, kinh doanh. Vì thế, Papua New Guinea sẽ chú trọng mục tiêu Bogor.
Để thúc đẩy hóa vai trò tự do thương mại và đầu tư, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng APEC đã có những thành tựu rất lớn và đang có nỗ lực giảm rào cản thương mại về thuế, giảm những hàng rào phi thuế quan. Hiện nay, APEC đã tạo ra nền thương mại tự do hơn để nâng cao mức sống của người dân trong khu vực. Malaysia là chủ nhà của APEC vào năm 2020, mục tiêu của Malaysia vẫn là tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của APEC.
Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill cho rằng trong tương lai, các thành viên sẽ cần nhiều hơn nữa vốn, công nghệ... Điều quan trọng là phải phổ biến lợi ích của toàn cầu hóa đối với người dân. Papua New Guinea luôn kêu gọi các nhà đầu tư toàn cầu.
Đánh giá vai trò của hợp tác toàn cầu, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết toàn cầu hóa là điều tốt cho thế giới nhưng không nên để toàn cầu hóa vượt ra ngoài khuôn khổ. Sau khi toàn cầu hóa diễn ra, hàng hóa có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau và giá trị đã gia tăng lên rất nhiều. Đây là điều dễ thấy được tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa. Vì thế cần phải có tác động để thay đổi tư duy của mọi người về toàn cầu hóa. “Hy vọng chúng ta có thể gửi được thông điệp đúng đắn tới người dân rằng toàn cầu hóa là tốt,” ông Najib Razak nói.
Liên quan đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Peter O'Neill chia sẻ điều này mang đến nhiều thác thức. Papua New Guinea chưa đủ hạ tầng công nghệ để tham gia thị trường toàn cầu. Đó chính là thách thức đối với Papua New Guinea. Nhưng đây cũng là cơ hội để Papua New Guinea tiếp tục thay đổi, tham gia về kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế số trong thời gian tới.
Về nội dung này, Thủ tướng Najib Razak cho biết cơ sở hạ tầng và kết nối đóng vai trò then chốt. Con người, khoa học- kỹ thuật, cũng như tin học và lập trình là những kỹ năng cần phải có. Không thể tự mình thay đổi hay cải tiến, vì thế tính kết nối sẽ giúp có thêm tính cạnh tranh.
Hợp tác hướng đến tương lai tươi sáng hơn
Phát biểu tại Hội nghị Thương đỉnh doanh nghiệp APEC 2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ vui mừng có mặt tại Đà Nẵng, một thành phố tươi đẹp.
Khẳng định khu vực châu Á-Thái Bình Dương nắm phần lớn nhất trong nền kinh tế toàn cầu và là một động lực quan trọng nhất của tăng trưởng toàn cầu, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng cộng đồng doanh nghiệp đóng góp quan trọng đối với phát triển. Đó là lý do trong cuộc họp các nhà lãnh đạo APEC những năm gần đây, ông luôn dành thời gian gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhằm thảo luận biện pháp và cách tiếp cận để đối mặt với các thách thức.
Tầm nhìn về phát triển sáng tạo, hợp tác, phát triển xanh và mở đang ngày càng giành được sự ủng hộ của công chúng để có thể đạt được mục tiêu bền vững hơn, chất lượng hơn. Đây đã trở thành một mục tiêu chung của cộng đồng toàn cầu để thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu cũng như những thách thức khác mang tính toàn cầu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, các nền kinh tế đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc trong toàn cầu hóa kinh tế. Trong vài thập kỷ trở lại đây, toàn cầu hóa kinh tế đã có những đóng góp rất lớn cho tăng trưởng toàn cầu. Đây thực sự trở thành một xu thế lịch sử không thể đảo ngược. Trong bối cảnh phát triển toàn cầu đang đối mặt với thay đổi như vậy, toàn cầu hóa kinh tế cũng phải đối mặt với những điều chỉnh mới cả về dạng thức cũng như bản chất. Theo đó, các nền kinh tế phải làm sao để quá trình này mở rộng hơn, bao trùm, cân bằng, công bằng hơn và có lợi cho tất cả mọi người.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, đối mặt những thay đổi sâu sắc trong môi trường kinh tế toàn cầu, những nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương phải đi cùng thời đại, đáp ứng trách nhiệm của mình, phải hợp tác với nhau để hướng đến tương lai tươi sáng hơn.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cần làm cho quá trình toàn cầu hóa kinh tế mở rộng hơn, bao trùm và cân bằng hơn để mang lại lợi ích cho các quốc gia khác nhau và người dân các tầng lớp. Các nền kinh tế APEC cũng cần chủ động thích nghi với việc phân chia lao động toàn cầu và tích cực định hình lại cho chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cấp nền kinh tế của chúng ta, xây dựng sức mạnh mới; ủng hộ hệ thống thương mại đa biên và tiến hành chủ nghĩa khu vực mở để giúp các nước đang phát triển được hưởng lợi từ thương mại và đầu tư toàn cầu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh việc xây dựng khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương là giấc mơ các nền kinh tế APEC cùng nuôi dưỡng đối với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực này. Chính việc trả lời lại lời kêu gọi của cộng đồng doanh nghiệp mà các nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên đã khởi đầu quá trình này vào Năm APEC 2006. Đến Năm APEC 2014, quá trình của khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) đã được mở màn tại Bắc Kinh. Các nền kinh tế thành viên APEC phải cùng nhau hành động thực hiện lộ trình Bắc Kinh, hướng tới FTAAP và tạo ra một khuôn khổ về thể chế để tạo dựng một nền kinh tế mở cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thương mại cùng có lợi
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chia sẻ với người dân miền Trung Việt Nam về những thiệt hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của cơn bão Damrey (bão số 12). Tổng thống Donald Trump mong người dân sớm khôi phục cuộc sống trong thời gian tới; khẳng định nhân dân Hoa Kỳ luôn đoàn kết với nhân dân Việt Nam đang phải chịu đựng hậu quả của cơn bão khủng khiếp này.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Donald Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ xử lý các vấn đề trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. "Chúng tôi sẽ cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng và công bằng," ông nói.
“Chúng tôi sẽ tôn trọng độc lập và chủ quyền của các bạn. Chúng tôi muốn các bạn mạnh mẽ, thịnh vượng và tự tin, giữ vững bản sắc lịch sử và vươn tới tương lai. Đó là cách chúng ta cùng thịnh vượng và tăng trưởng, trong mối quan hệ đối tác với giá trị thực tế và lâu bền.”
Theo Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với các nhà lãnh đạo khác trong khu vực để đạt được một cơ chế thương mại cùng có lợi. Hoa Kỳ sẽ ký kết hiệp định thương mại song phương với bất kỳ nền kinh tế nào trong khu vực muốn trở thành đối tác với nước này và tuân thủ các nguyên tắc thương mại công bằng và tương trợ lẫn nhau.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng cho biết ông sẽ khuyến khích tất cả các nền kinh tế lên tiếng mạnh mẽ khi các nguyên tắc này bị vi phạm. Hoa Kỳ sẽ tái tập trung vào những nỗ lực phát triển đang có và cam kết cải cách các thể chế tài chính phát triển để chúng có thể khích lệ tốt hơn các khoản đầu tư từ lĩnh vực tư nhân vào các nền kinh tế. “Chúng tôi cũng biết rằng sẽ không thể duy trì sự thịnh vượng mãi mãi nếu không dám đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh, chủ quyền và sự ổn định mà thế giới hiện nay đang đối diện,” ông nhấn mạnh.
“Chúng ta phải tôn trọng các nguyên tắc đã đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta, như tôn trọng thượng tôn pháp luật, các quyền cá nhân, tự do hàng hải và trên không, bao gồm các tuyến vận chuyển mở.” Ông cho biết, thêm ba nguyên tắc này tạo ra sự ổn định và xây dựng lòng tin, an ninh và thịnh vượng giữa các nền kinh tế./.