'Tầm nhìn 2030' liệu có đưa Saudi Arabia vượt qua sa mạc?

Ít nhất 25 thỏa thuận đã được ký kết trị giá hơn 50 tỷ USD tại Diễn đàn FII đã phần nào cho thấy “sức hút” của nền kinh tế Saudi Arabia đang chuyển mình nhanh chóng từ dự án cải cách “Tầm nhìn 2030.”
'Tầm nhìn 2030' liệu có đưa Saudi Arabia vượt qua sa mạc? ảnh 1Thái tử Saudi Arabia Muhammad Bin Salman (phải) và các quan chức dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (FII) diễn ra tại thủ đô Riyadh ngày 24/10/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nếu nhìn vào giá trị những thỏa thuận đạt được tại Diễn đàn Sáng kiến đầu tư tương lai (FII), còn gọi là “Davos trên sa mạc” diễn ra từ ngày 23-25/10 tại Riyadh, có thể nói Saudi Arabia đã đạt được mục tiêu đặt ra.

Bất chấp việc bị nhiều chính trị gia phương Tây và lãnh đạo các tổ chức kinh tế hàng đầu tẩy chay sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul tại FII năm nay, ít nhất 25 thỏa thuận đã được ký kết trị giá hơn 50 tỷ USD, bao gồm 12 “siêu thỏa thuận.” 

Điều này phần nào cho thấy “sức hút” của nền kinh tế Saudi Arabia đang chuyển mình nhanh chóng từ dự án cải cách “Tầm nhìn 2030.”

Tuy nhiên, việc hơn 40 quan chức hủy chương trình tham dự FII, như Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde và lãnh đạo các công ty JPMorgan Chase, Blackstone, Blackrock, Thrive Global, Credit Suisse, Standard Chartered, Ford, Siemens… hay Bộ trưởng Tài chính Mỹ hủy bài phát biểu tại hội nghị, cũng phần nào gây quan ngại, bởi FII được xem là một trong những sự kiện kinh tế và tài chính quan trọng nhất năm nay của Saudi Arabia.

Đây là diễn đàn thu hút các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư vào quốc gia Trung Đông này, nằm trong mục tiêu thúc đẩy thực hiện chương trình “Tầm nhìn 2030” đầy tham vọng nhằm cải cách và hiện đại hóa nền kinh tế của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

FII được ví như cầu nối để Saudi Arabia đưa "Tầm nhìn 2030" vượt qua sa mạc trong nước để tiến ra thế giới.

Có thể nói hàng loạt những thay đổi lớn về kinh tế-xã hội đã diễn ra tại Saudi Arabia trong suốt 2 năm nay như minh chứng cho sự chuyển mình mang tính bước ngoặt của đất nước vùng hoang mạc khô cằn này.

Cùng với việc Hoàng tử trẻ tuổi Mohammed bin Salman được lựa chọn cho vị trí Thái tử, “Tầm nhìn 2030” đặt mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, mở đường cho hàng loạt những thay đổi và cải cách táo bạo.

[Infographics] Căng thẳng ngoại giao Saudi Arabia-phương Tây

Từ việc dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe, đưa Saudi Arabia trở thành quốc gia cuối cùng trên thế giới cho phép nữ giới ngồi sau vôlăng, hay phụ nữ được phép đến xem các trận đấu thể thao tại sân vận động, tới việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim bị đóng cửa đồng loạt vào những năm 80 của thế kỷ trước, thậm chí tạo điều kiện cho các hoạt động dành cho người song tính.

Với một loạt cải cách như vậy, Riyadh đã tạo ra một hình ảnh khác biệt, ôn hòa và cởi mở hơn, điều được cho là nhằm thu hút lượng đầu tư nước ngoài mà Saudi Arabia đang rất cần hiện nay.

'Tầm nhìn 2030' liệu có đưa Saudi Arabia vượt qua sa mạc? ảnh 2Thái tử Saudi Arabia Muhammad Bin Salman (thứ 3, trái) tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (FII) diễn ra tại thủ đô Riyadh ngày 24/10/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội nghị FII năm 2017 đã chứng kiến Saudi Arabia công bố dự án xây dựng thành phố thương mại trên sa mạc NEOM trị giá 500 tỷ USD.

Với vị trí chiến lược trên một trong những huyết mạch kinh tế sôi động nhất và quan trọng nhất thế giới, nằm kề Biển Đỏ, Vịnh Aqaba và gần các tuyến thương mại đường biển như Kênh đào Suez của Ai Cập, NEOM được kỳ vọng sẽ giúp tạo đà phát triển nhanh của khu vực, trở thành một trung tâm toàn cầu kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi.

Tiếp đó là dự án du lịch “thiên đường của Trung Đông” ở vùng biển Tây Bắc nước này. Thông qua liên tiếp đưa ra những sáng kiến và các dự án mới, Saudi Arabia đang thể hiện một hình ảnh năng động với hy vọng có thể thu hút được đầu tư nước ngoài. FII năm nay cũng nằm trong kế hoạch này.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, đầu tư vào Saudi Arabia vẫn chưa khởi sắc. Theo Liên hợp quốc, đầu tư nước ngoài vào Saudi Arabia chỉ đạt 1,4 tỷ USD năm năm ngoái, giảm từ 12,2 tỷ USD năm 2012.

Điều đó cho thấy các nhà đầu tư phương Tây còn nhiều quan ngại về môi trường đầu tư của Saudi Arabia, cũng chưa thực sự đặt niềm tin vào Thái tử Mohammed bin Salman và chương trình cải cách đầy tham vọng của ông.

Vụ nhà báo Jamal bị sát hại rõ ràng cũng cản trở nỗ lực của Riyadh chứng minh Saudi Arabia có môi trường đầu tư thân thiện.

[Hội nghị đầu tư Saudi Arabia thu hút 50 tỷ USD bất chấp bị tẩy chay]

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng nhưng tác động này là ngắn hạn. Một loạt lãnh đạo các công ty của Mỹ và phương Tây đã hủy kế hoạch đến Saudi Arabia tham dự FII, nhưng vẫn cử đại diện đến tham dự, trong khi các đại diện từ châu Á, Trung Đông và châu Phi tăng so với năm 2017, điều đó cho thấy sức hấp dẫn từ thị trường đầu tư của Saudi Arabia là rất lớn.

Bên cạnh đó, bất chấp khả năng Mỹ có thể áp đặt một số biện pháp trừng phạt Saudi Arabia do vụ nhà báo Jamal, nhưng quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai nước khó đổ vỡ.

Riyadh hiện là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ (110 tỷ USD, chiếm 18% tổng xuất khẩu vũ khí của Mỹ), có khả năng giúp Washington ổn định giá dầu thô thế giới, duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông và xử lý các vấn đề nóng tại thế giới Arab.

'Tầm nhìn 2030' liệu có đưa Saudi Arabia vượt qua sa mạc? ảnh 3Thái tử Saudi Arabia Muhammad Bin Salman phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (FII) diễn ra ở thủ đô Riyadh ngày 24/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục ủng hộ Thái tử Mohammed bin Salman vì trong bối cảnh tình hình tại Trung Đông hiện nay, Thái tử kế vị tại Saudi Arabia là nhân vật chính trị có khả năng tập hợp lực lượng Arab kiềm chế Iran, thực hiện chính sách tích cực với Israel, tác động vào việc thiết lập lại trật tự Trung Đông phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Ngoài ra, Thái tử Mohammed bin Salman là người đã cam kết đầu tư hàng trăm tỷ USD vào thị trường Mỹ, mở cửa cho công ty Mỹ vào đầu tư tại Saudi Arabia…

Điều các nhà đầu tư Mỹ và phương Tây quan tâm lúc này là liệu Thái tử Mohammed bin Salman có thực sự và đủ khả năng đưa đến những thay đổi cho Saudi Arabia theo hướng xã hội rộng mở hơn, nền kinh tế hiện đại hơn hay không.

Do đó, nếu Saudi Arabia xem tác động của vụ việc nhà báo Jamal và phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp từ Mỹ và phương Tây liên quan đến vụ việc là động lực để thúc đẩy cải cách đất nước, hiện đại hóa nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, thì về dài hạn, Saudi Arabia sẽ không khó để thu hút làn sóng đầu tư trở lại, thậm chí còn lớn hơn thời gian qua.

Với nguồn lực tài chính khổng lồ từ dầu mỏ và tham vọng đa dạng hóa nền kinh tế, Saudi Arabia vẫn là “miền đất hứa” đối với nhà đầu tư nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục