Ngày 20/4, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã ký văn bản số 1003/UBND-KNT yêu cầu tạm ngưng toàn bộ hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh cát trong hồ Dầu Tiếng kể từ ngày 24/4, để phục vụ công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trong lòng hồ.
Khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kết thúc đợt kiểm tra, có báo cáo đề xuất xử lý, khắc phục, chấn chỉnh các sai phạm, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ có thông báo cụ thể đối từng doanh nghiệp về thời gian được tiếp tục hoạt động trở lại.
Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng ký Quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do bà Nguyễn Thị Hiếu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh làm trưởng đoàn, kiểm tra toàn diện về việc chấp hành pháp luật nhà nước đối với 11 doanh nghiệp được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.
[Nhiều vó cá xuất hiện bất thường trên lòng hồ Dầu Tiếng]
Thời hạn kiểm tra trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày đoàn liên ngành công bố Quyết định kiểm tra. Các nội dung kiểm tra gồm: Về cấp phép khai thác, đất đai, môi trường; hoạt động bến thủy nội địa, hồ sơ đóng tàu khai thác; hóa đơn, chứng từ mua bán sản phẩm sau khai thác; nghĩa vụ tài chính; về quy định hoạt động khai thác trong phạm vi bảo vệ an toàn công trình thủy lợi.
Do giá cát xây dựng trong những tháng gần đây tăng đột biến, từ 300.000 đồng/m3 tăng lên 450.000 đồng/m3, nên nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng đua nhau đóng tàu (không có giấy phép), mở rộng khai trường, nâng công suất và tầng suất khai thác quá mức thiết kế... để tranh thủ bán cho thương lái đưa về các địa phương khác tiêu thụ.
Bên cạnh đó việc vận chuyển cát trong hồ Dầu Tiếng với lưu lượng xe lớn, cường độ cao, thường xuyên quá tải trọng trên bờ hồ như hiện nay, gây nguy cơ gây mất an toàn hồ đập, hư hỏng hạ tầng giao thông, đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân ở địa phương./.