Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ chiều 14/3, khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu cảnh bị bán tháo do lo ngại về “hiệu ứng domino” trong lĩnh vực này sau sự sụp đổ của hai ngân hàng tại Mỹ.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa với mức giảm mạnh, do các nhà đầu tư vẫn không thích rủi ro bất chấp những nỗ lực xoa dịu của Chính phủ Mỹ sau sự sụp đổ bất ngờ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Chỉ số Nikkei 225 giảm 2,19% (610,92 điểm) và đóng cửa ở mức 27.222,04 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm hơn 2,5% trong phiên 14/3, với chỉ số Kospi giảm 2,56% (61,63 điểm) xuống 2.348,97 điểm.
Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong đóng cửa giảm mạnh cùng với các thị trường châu Á khác vì những lo ngại về tình hình ngành ngân hàng Mỹ. Chỉ số Hang Seng sụt tới 2,27% (tương đương 448,01 điểm) xuống 19.247,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,72% (23,38 điểm) xuống 3.245,31 điểm.
Các thị trường Sydney, Taipei, Manila, Jakarta và Bangkok đều giảm hơn 1%. Mumbai, Singapore và Wellington cũng trong vùng giảm điểm.
[Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt chìm trong sắc đỏ]
Sự sụp đổ nhanh chóng của ngân hàng SVB vào ngày 10/3, rồi ngân hàng Signature Bank vài ngày sau đó đã buộc Chính phủ Mỹ phải ngay lập tức cam kết hỗ trợ cho những bên cho vay và người gửi tiền.
Các hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Bộ Tài chính và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang phần nào trấn an các nhà đầu tư. Nhưng cổ phiếu của một số ngân hàng Mỹ vẫn bị ảnh hưởng do lo ngại khả năng khách hàng tháo chạy.
Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực châu Á cũng chịu tác động từ “làn sóng” bán tháo. Tại Nhật Bản, cổ phiếu của Mitsubishi UFJ Financial giảm hơn 8% và Sumitomo Mitsui Financial Group giảm hơn 7%. Cổ phiếu HSBC niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng giảm gần 5%.
Cổ phiếu ngân hàng National Australia Bank cũng giảm hơn 1%, trong khi cổ phiếu KB Financial Group của Hàn Quốc mất hơn 3%.
Hãng tin Bloomberg ước tính giá trị thị trường của các cổ phiếu tài chính toàn cầu trong ba phiên giao dịch qua đã bị thổi bay khoảng 465 tỷ USD.
Sự sụp đổ của SVB - chuyên cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ - phần lớn là kết quả của việc Fed tăng lãi suất mạnh nhằm kiểm soát lạm phát.
Giờ đây, một số nhà bình luận và các ngân hàng hàng đầu cho rằng Fed có thể cần phải tạm dừng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để mang lại sự ổn định cho thị trường tài chính. Thậm chí một số còn gợi ý rằng Fed có thể cắt giảm chi phí đi vay.
Dù vậy, giới đầu tư vẫn lo lắng về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến ban đầu tại cuộc họp tuần tới, do nền kinh tế vẫn trong tình trạng tốt và thị trường việc làm thắt chặt.
Thị trường hiện đang hồi hộp chờ đợi số liệu lạm phát tiêu dùng của Mỹ dự kiến được công bố trong tuần này. Một con số vượt dự báo đồng nghĩa với việc Fed sẽ rất đau đầu khi cuộc khủng hoảng SVB dường như chưa kết thúc.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 14/3, chỉ số VN-Index giảm 12,67 điểm (1,2%) xuống 1.040,13 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng để mất 3,3 điểm (1,6%) xuống 202,55 điểm./.