Tám lý do khiến cuộc gặp Hoa Kỳ-Việt Nam mang tính lịch sử

Theo Giáo sư Carl Thayer, có 8 lý do để đánh giá chuyến thăm ​Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là mang tính lịch sử.
Tám lý do khiến cuộc gặp Hoa Kỳ-Việt Nam mang tính lịch sử ảnh 1Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia kỳ cựu về chính trị Việt Nam và hiện làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia, thuộc trường Đại học New South Wales - mới đây đã có bài viết đăng trên trang mạng The Diplomat, trong đó ông nhận định rằng có 8 lý do để đánh giá chuyến thăm ​Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là mang tính lịch sử.

Thứ nhất, việc Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng đã chứng tỏ rằng trên thực tế, ​Hoa Kỳ công nhận vai trò của Đảng Cộng sản trong nhà nước một đảng ở Việt Nam và tầm quan trọng của chức vụ Tổng Bí thư trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Nếu Tổng thống Obama thăm Hà Nội trước khi mãn nhiệm, điều này sẽ càng chứng tỏ Mỹ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam. Chuyến thăm ​Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng cũng đặt tiền lệ cho các chuyến thăm sau này của những người nắm giữ vị trí lãnh đạo Đảng.

Thứ hai, tuyên bố chung cho biết “cả hai nước khẳng định tiếp tục theo đuổi một mối quan hệ sâu sắc, lâu bền và thực chất trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau.”

Theo Giáo sư Carl Thayer, một số nhân vật ở Việt Nam lâu nay vẫn nghi ngờ Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Tổng thống Obama đón tiếp tại Phòng Bầu dục và ​Hoa Kỳ khẳng định tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam, thì sự hoài nghi này dường như sẽ dần được xóa bỏ.

Thứ ba, hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thúc đẩy Thỏa thuận Quan hệ Đối tác Toàn diện được ký kết năm 2013 bằng việc tăng cường các chuyến thăm cấp cao, thiết lập cơ chế thực hiện hợp tác trong 9 lĩnh vực đã đề ra hồi năm 2013.

Ngày 7/7, Việt Nam và ​Hoa Kỳ đã ký 4 thỏa thuận, bao gồm: 1/Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; 2/ Thỏa thuận hỗ trợ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; 3/ Thỏa thuận hợp tác giải quyết các mối đe dọa đại dịch; 4/ Thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật cho vấn đề an toàn hàng không. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn Murphy Oil cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chung.

Trường Đại học Harvard được nhận quyền thiết lập trường Fulbright ở Việt Nam, và Việt Nam nhận chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner đầu tiên.

Thứ tư, hai bên cam kết hợp tác với các quốc gia khác để hoàn tất các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thực thi các cải cách cần thiết để đạt được thỏa thuận.

Thứ năm, hai bên cam kết cùng hợp tác để đóng góp vào hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cả trên bình diện song phương lẫn đa phương, thông qua các tổ chức khu vực như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Thứ sáu, hai bên đã đặt ra cơ sở để giải quyết vấn đề căng thẳng trên Biển Đông. Tuyên bố chung giữa hai nước nhắc lại lập trường của hai bên rằng tranh chấp hàng hải cần phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và hòa bình.

Tuy vậy, lãnh đạo hai nước cho biết cả ​Hoa Kỳ và Việt Nam “đều quan ngại về những diễn biến mới đây ở Biển Đông vì những diễn biến này đã làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa phá hoại hòa bình, an ninh cũng như sự ổn định trong khu vực. Hai bên công nhận sự cấp bách của việc duy trì các quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển được quốc tế công nhận; đảm bảo thương mại hợp pháp không bị cản trở; kiềm chế các hành động làm gia tăng căng thẳng; bảo đảm mọi hành động và hoạt động được tiến hành theo đúng luật pháp quốc tế; bác bỏ sự cưỡng ép, đe dọa, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.”

Theo Giáo sư Carl Thayer, điều này chứng tỏ “sự trùng hợp lợi ích chiến lược đáng kể giữa Mỹ và Việt Nam liên quan đến Biển Đông.”

Thứ bảy, Tổng thống Obama và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhất trí tăng cường mối quan hệ hợp tác về an ninh và quốc tế trên phương diện an ninh hàng hải, nhận thức về an ninh hàng hải, thương mại quốc phòng và trao đổi công nghệ quốc phòng. Việt Nam chưa nói rõ nước này quan tâm đến loại vũ khí và công nghệ nào của ​Hoa Kỳ. Tuy vậy, ​Hoa Kỳ khẳng định sẽ chỉ tập trung nâng cao an ninh hàng hải cho Việt Nam và năng lực của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Thứ tám, hai nhà lãnh đạo cũng trực tiếp đề cập đến những khó khăn và thách thức trong mối quan hệ song phương, đồng thời cam kết đối thoại tích cực, thẳng thắn trên cơ sở xây dựng để giảm bớt sự khác biệt và xây dựng lòng tin. Nói tóm lại, hai bên đã vạch ra đường hướng phát triển mối quan hệ song phương một cách rõ ràng, đồng thời cũng thừa nhận rằng sẽ phải mất khá nhiều thời gian để xây dựng hoàn chỉnh một mối quan hệ đối tác toàn diện.

Giáo sư Carl Thayer kết luận: Cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt nền móng cho sự phát triển các mối quan hệ song phương trong những năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục