Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau trong việc cấm hay không cấm sử dụng sợi amiăng trắng, nhưng do tính năng vượt trội cũng như chưa có bằng chứng thuyết phục về việc amiăng trắng gây ung thư, nên hiện nay vật liệu này vẫn đang được sử dụng có kiểm soát tại 147 quốc gia trên thế giới.
Sử dụng amiăng trắng có kiểm soát trên thế giới
Amiăng trắng được sử dụng tại Ấn Độ từ năm 1940, đây là một trong những quốc gia đứng đầu trên thế giới về khai thác và sử dụng amiăng trắng với trữ lượng lên đến 22.17 triệu tấn vào năm 2010.
Không những vậy, nhu cầu sử dụng amiăng trắng tại nước này là rất lớn, Cục Khai thác Mỏ Ấn Độ ước tính, quốc gia này đã nhập khẩu 396.493 tấn trong giai đoạn 2014-2015, nhu cầu nội địa nước này dự kiến sẽ chạm tới 605.000 tấn giai đoạn 2016-2017.
Theo tiến sỹ Vivek Chandra Rao, Phó Giám đốc Sức khỏe Nghề nghiệp của Tập đoàn có uy tín nhất trong ngành công nghiệp giải pháp vật liệu xây dựng tại Ấn Độ - Hyderabad (HIL Limited), thành viên của ban Sức khỏe Nghề nghiệp thuộc Hiệp hội Y học Hoàng gia Vương Quốc Anh, thành viên của Uỷ ban Quốc tế về Sức khỏe Nghề nghiệp (Geneva), cho biết năm 2011, Chính phủ Ấn Độ đã bác bỏ đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng bởi các tổ chức phi chính phủ do ngành công nghiệp amiăng ở Ấn Độ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động đồng thời không có bằng chứng thuyết phục nào được tìm thấy về ảnh hưởng của amiăng trắng đến sức khỏe người dân Ấn Độ.
Pháp luật Ấn Độ cũng quy định việc giám sát không khí trong môi trường lao động với nồng độ cho phép tối đa là 1,0 sợi/cc đồng thời các nhà máy phải tiến hành kiểm tra, lưu trữ và theo dõi tình hình sức khỏe của công nhân trong suốt quá trình làm việc và nghỉ hưu. Thực tế, công nghệ sản xuất khép kín ở Ấn Độ đã cho phép duy trì nồng độ bụi sợi amiăng trắng ở mức từ 0,05 sợi/cc đến mức cao nhất là 0,1 sợi/cc so với mức quy định 1,0 sợi/cc.
Kết quả khám bệnh ở nhà máy HIL Limited cho thấy, với nồng độ phơi nhiễm sợi amiăng trắng được duy trì ở mức cho phép, không có trường hợp công nhân nào bị bệnh liên quan đến amiăng trắng, trong đó hơn 50% công nhân có tuổi nghề trên 30 năm.
Kết quả theo dõi sức khỏe nghề nghiệp công nhân từ những năm 1980 đến nay cũng cho kết quả tương tự. Năm 2011, một nghiên cứu đã được thực hiện bởi Viện Sức khỏe Nghề nghiệp Quốc gia thuộc Bộ Y tế theo chỉ đạo của Bộ Hóa chất và Phân bón Ấn Độ nhằm điều tra công nhân ngành amiăng xi măng, dân cư xung quanh cơ sở sản xuất và người dân sống dưới mái nhà lợp phibro xi măng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ sợi ở nơi làm việc thấp hơn nồng độ cho phép quốc gia, ở nồng độ phơi nhiễm này, và không có trường hợp nào bị xơ hóa mô phổi.
Tại Mỹ, ngành công nghiệp amiăng phát triển từ năm 1858, đặc biệt amiăng nâu và xanh từng được sử dụng một cách ồ ạt và không kiểm soát tại Mỹ, thậm chí phun trực tiếp lên bề mặt của các tòa nhà mà không có biện pháp bảo hộ nào. Kết quả là hàng ngàn bệnh nhân đã bị ung thư do phơi nhiễm với amiăng nâu và xanh.
Do hậu quả bệnh tật, amiăng bị cấm sử dụng vào năm 1989. Nhưng đến năm 1991, Tòa thượng thẩm Hoa Kỳ đã hủy bỏ lệnh cấm và lệnh loại bỏ dần dần amiăng trắng vì không có chứng cứ rõ ràng về tác động của amiăng trắng đồng thời loại sợi này vẫn là nguyên liệu không thể thay thế trong nhiều sản phẩm, đặc biệt là trong công nghiệp ô tô, vũ trụ và quốc phòng.
Bên cạnh các việc ban hành các quy định chặt chẽ trong nhập khẩu, vận chuyển, sản xuất, sử dụng, xử lý chất thải và tháo dỡ các công trình chứa amiăng trắng, cơ quan Quản lý về các điều kiện lao động của Mỹ (Standard of the Occupational Safety and Health Administration - OSHA) cũng đã ban hành tiêu chuẩn chung về amiăng gồm các quy định về giới hạn tiếp xúc tối đa đối với bụi amiăng là 0,1 sợi/cc không khí trong 8 giờ làm việc, giám sát điều hành, đào tạo lao động, dán nhãn, môi trường không khí và các chất thải amiăng, đồng thời cũng ban hành Tiêu chuẩn về amiăng trong xây dựng, đào tạo và nâng cao nhận thức người lao động và quy định khám sức khoẻ người lao động 1 lần/năm.
Brazil là một quốc gia sản xuất và tiêu thụ amiăng hàng đầu thế giới với mỏ lớn nhất khai thác trung bình 300.000 tấn năm vào năm 2012. Hiện có khoảng 3.000 nhà sản xuất các sản phẩm chứa amiăng, chủ yếu được sử dụng trong amiăng xi măng, vật liệu ma sát, công nghiệp dệt, nhựa, hóa chất và nội thất. Người dân Brazil vẫn sinh hoạt bình thường dù có đến hơn 60% dân số nước này vẫn uống nước từ các ống nước và bình chứa nước được làm từ amiăng.
Cũng như các quốc gia khác, Brazil có hệ thống pháp lý hoàn thiện với các quy định để đảm bảo an toàn sản xuất và sức khoẻ người lao động như kiểm tra sức khoẻ người lao động và chất lượng môi trường định kỳ, các báo cáo về kết quả phải được lưu trữ trong thời hạn 30 năm.
Tại khu vực mỏ Cana Brava với diện tích 4.500 ha trong đó chỉ có 20% diện tích khu vực là dành cho khai thác mỏ, 60% (2.500 ha) là rừng tự nhiên với các loài động vật phong phú và 20% diện tích còn lại là khu vực dân cư sinh sống.
Việc khai thác mỏ được tiến hành theo lịch trình cố định 4 ngày/tuần, chu trình làm ẩm đất đá là yếu tố bắt buộc như: phun nước làm ẩm trong 24h trước khi cho đá quặng lên các xe tải để đưa về khu vực nghiền khép kín nằm cạnh khu mỏ, cách xa khu dân cư; toàn bộ đường xe tải đi và khu vực miệng thiết bị nghiền quặng đá đều được phun nước liên tục nhằm tránh phát tán bụi đá có chứa sợi amiăng trắng vào không khí.
Khu vực lọc không khí của nhà máy được trang bị với tổng cộng 8.400 ống lọc khí (6 phòng lọc khí lớn trong toàn khu mỏ có tổng cộng 17.000 ống lọc khí). Tất cả sợi amiăng trắng trong không khí sẽ được giữ lại trong ống lọc và không khí sạch được thải ra môi trường.
Một nghiên cứu đã được tiến sỹ-bác sĩ Ericson Bagatin tiến hành trên các đối tượng ở 6 thành phố khác nhau tại Brazil và những người này sống tối thiểu 15 năm dưới mái nhà fibro xi măng. Kết quả trên 6.000 đối tượng cho thấy, chỉ có 0,5% biến đổi màng phổi được tìm thấy trong hình ảnh chụp X-quang lồng ngực. Những biến đổi này là các bệnh không liên quan đến amiăng như các nốt không rõ ràng, lao phổi, giãn phế quản…
Thực tiễn tại Việt Nam
Việt Nam chỉ sử dụng amiang trắng. Loại sợi này được sử dụng từ năm 1963, nhiều nhất trong ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng với tỷ lệ phối trộn là 6 - 10% sợi amiang, và hơn 90% còn lại là xi măng, bột giấy và các loại phụ gia khác. Tại nhà máy tấm lợp Đồng Nai, công nghệ Hatcheck là công nghệ xeo ướt được áp dụng và toàn bộ các khâu đã được khép kín nhằm hạn chế sự phát tán bụi ra không khí.
Chính phủ Việt Nam cũng xây dựng khung pháp lý để bảo vệ sức khỏe người lao động và môi trường như đặt ra giới hạn về nồng độ bụi trong không khí tối đa là 1,0 sợi/cc và yêu cầu thực kiện khám bệnh nghề nghiệp hằng năm cùng với việc quan trắc môi trường lao động. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, hầu hết các nhà máy đã đầu tư hàng tỷ đồng để nghiên cứu và trang bị dây chuyền sản xuất khép kín, tự động các phôi xé bao và phối trộn để hạn chế tối đa nguy cơ phơi nhiễm.
Từ năm 2008, Chương trình khám bệnh nghề nghiệp hằng năm đã được triển khai cho công nhân ngành tấm lợp do bệnh viện Xây dựng và các chuyên gia đầu ngành thực hiện. Kết quả khám bệnh 9 năm liên tiếp (2008-2016) được công bố bởi Hội đồng đọc phim uy tín đều không cho thấy bất kỳ trường hợp nào mắc các bệnh ung thư liên quan đến amiăng trắng.
Đặc biệt, nghiên cứu từ năm 2010 đến 2014 của Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) với điều tra về tình hình sức khỏe người dân tại xã Tân Trịnh và các xã thuộc huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang (tổng số 1.046 hộ, và 4.565 nhân khẩu), nơi có tới 70% số hộ gia đình sống nhiều năm dưới mái nhà lợp tấm lợp fibro xi măng, thì kết quả điều tra cho thấy tỷ suất tử vong của các xã này thấp hơn so với toàn huyện.
Đặc điểm và tỷ suất tử vong do ung thư ở xã Tân Trịnh cũng chỉ đứng hàng thứ 5 trong 13 xã thuộc huyện Quang Bình (0.858%) nhưng vẫn trong giới hạn bình thường và chiếm tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn huyện. Phân tích mẫu không khí trong nhà người dân lợp mái bằng tấm lợp amiăng xi măng không tìm thấy sợi amiăng.
Phát biểu tại Hội nghị về sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam và thế giới do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức ngày 28/07/2017, phó Giáo sư-tiến sỹ Trần Thị Ngọc Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) nhận định, trong số 27.000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam, có 20.000 trường hợp do tiếp xúc với bụi nhưng chỉ ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bụi phổi thể nhẹ do tiếp xúc với amiăng trắng.
Thực tế hiện nay, việc cấm amiăng trắng cần được tính toán kỹ và có những bằng chứng khoa học về bệnh tật do amiăng trắng gây ra tại Việt Nam. Kinh nghiệm sử dụng của các quốc gia lớn trên thế giới cho thấy, amiăng trắng có thể sử dụng an toàn và có kiểm soát với khung pháp lý hoàn thiện và công nghệ hiện đại.
Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cần một cơ chế ổn định để yên tâm sản xuất và đầu tư lâu dài vào việc xây dựng nhà xưởng cũng như lắp đặt dây chuyền tiên tiến để nâng cao chất lượng môi trường làm việc. /.