Tấm khiên bảo vệ nhiều lớp của Singpore trước dịch COVID-19

Mô hình bảo vệ của Singapore hoàn toàn có thể áp dụng hiệu quả cho các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, như các khu công nghiệp, các khu ổ chuột ở các nước đang phát triển và nước nghèo.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không ít người vẫn còn ám ảnh về những tháng kinh hoàng trong làn sóng dịch COVID-19 ở Singapore giữa năm ngoái, khi có tới một nửa số lao động nhập cư nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại các khu nhà tập thể dành riêng cho họ.

Chuyện gì đã xảy ra và Singapore đã áp dụng các biện pháp chống dịch hiệu quả như thế nào đối với nhóm có mức độ lây lan cộng đồng rất cao này?

Ở giai đoạn đầu đại dịch năm 2019, dường như Singapore đã kiểm soát được dịch bệnh bằng các biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới, xét nghiệm và truy vết tiếp xúc.

Tuy nhiên, ổ dịch bùng phát tại các khu nhà tập thể dành cho lao động nhập cư từ tháng 4/2020 đã nhanh chóng khiến số ca bệnh trên cả nước tăng gấp đôi.

[Singapore phê duyệt xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 qua hơi thở]

Từ tỷ lệ nhiễm hằng tuần cực thấp trong các khu ký túc dành cho lao động nhập cư, ở mức chỉ 1,2/100.000 người vào tháng 3/2020, con số này đã tăng nhanh chóng lên 1.049/100.000 người vào tháng 4 và đạt đỉnh là 1.424/100.000 người vào tháng 5.

Đây là nhóm chiếm tới 93% trong tổng số 58.000 ca nhiễm được chính thức ghi nhận tại “quốc đảo sư tử” tính đến cuối năm 2020.

Theo Bộ Nhân lực Singapore, tỷ lệ lây lan COVID-19 ở các ký túc xá vào thời điểm đó là 47%, trong khi tỷ lệ lây lan trong cộng đồng chỉ ở mức 0,25%.

Không ngạc nhiên khi dịch bùng phát tại các khu ký túc chật chội với mật độ cư trú cao như ở Singapore, nơi chủ yếu dành cho lao động nước ngoài thu nhập thấp đến từ Nam Á.

Những ký túc nhỏ có tới hàng trăm người ở, khu vực nấu ăn, tắm giặt và vệ sinh đều dùng chung. Bên cạnh các khu ký túc đông đúc, những nơi làm việc như công trình xây dựng cũng được xác định là ổ dịch COVID-19 tại Singapore.

Trước khi bùng phát dịch, lĩnh vực xây dựng chưa hề ưu tiên chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng ứng phó, mà chủ yếu tập trung bảo vệ trước những sự cố về thân thể như bị ngã từ trên cao, bị thương vào đầu, hay sự cố liên quan đến phương tiện.

Khi dịch COVID-19 lên đến cao trào, từ tháng 4-6/2020, Singapore đã thực hiện chính sách gọi là “ngắt cầu dao,” theo đó đóng cửa các cơ sở sản xuất không chính yếu, bao gồm gần như toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên cả nước, để ngăn chặn virus lây lan.

Tấm khiên bảo vệ nhiều lớp của Singpore trước dịch COVID-19 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bên cạnh đó, các khu ký túc của lao động nhập cư cũng phải cách ly với bên ngoài, đồng thời tiến hành khẩn trương xét nghiệm, phát hiện và cách ly người nhiễm cũng như những người có tiếp xúc gần.

Các biện pháp quyết liệt này đã góp phần giảm số ca nhiễm hằng tuần tại các khu ký túc xuống còn 702/100.000 ca vào tháng 6/2020, và xuống mức 3,7/100.000 ca khi kết thúc giai đoạn “ngắt cầu dao” vào tháng 10/2020.

Vì ổ dịch bất ngờ bùng phát và tại ký túc xá công nhân, một môi trường có điều kiện dễ lây lan virus, việc dập dịch không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác tuân thủ quy định của từng cá nhân, nên nhà chức trách đã chủ trương áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc cả ở môi trường ký túc xá lẫn công trường xây dựng.

Tuy nhiên, chính sách mạnh tay nói trên đã dẫn tới hậu quả là làm đứt quãng hoạt động sản xuất, tác động không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế.

Các biện pháp giảm nhẹ để duy trì hoạt động trong chừng mực nào đó, như giãn cách tại nơi làm việc, giám sát sức khỏe người lao động và xét nghiệm virus... đã không được áp dụng.

Sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng dịch, nhà chức trách Singapore đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp quản lý an toàn mới, nhằm từng bước mở lại các công trình xây dựng từ tháng 7/2020.

Đó là mô hình quản lý nguy cơ đa tầng, bao gồm sự can thiệp của chính phủ, ngành, cơ quan giám sát và của chính người lao động để phát hiện và kiềm chế dịch. Đây là chiến lược kiểm soát nguy cơ đã được chứng tỏ hiệu quả cao tại Singapore, đảm bảo sự trở lại an toàn của hoạt động trong lĩnh vực đầy nguy cơ dịch tễ này.

Ở cấp độ nhà nước, đạo luật Các biện pháp tạm thời chống dịch 2020 đã được thông qua nhằm thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng trên diện rộng.

Giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, bao gồm cả tại nơi làm việc, đều được luật hóa.

Chính phủ cũng thành lập một lực lượng phản ứng nhanh để ứng phó với dịch trong cộng đồng lao động nhập cư. Nguyên tắc chung là xét nghiệm trên diện rộng và có hệ thống đối với mọi lao động trong các khu ký túc để kịp thời xác định và cách ly người nhiễm.

Ở cấp độ ngành, với sự hỗ trợ từ chính phủ, ngành xây dựng đã được đảm bảo sử dụng các khách sạn, nhà nghỉ, các tòa chung cư chưa có người ở và các doanh trại quân đội để tạm thời tách các nhóm lao động không mắc COVID-19 với các nhóm phải cách ly do đã nhiễm hoặc nghi nhiễm.

Việc này đã giúp giảm mật độ dân cư tại các khu ký túc, tiến hành khử trùng và tạo ra những “các khu nhà sạch” dành cho những người không nhiễm hoặc đã khỏi bệnh. Bên cạnh đó, chăm sóc y tế được thực hiện với mọi khu ký túc và cơ sở tạm trú.

Các dịch vụ y tế từ xa cũng được cung cấp cho những người cần tư vấn của bác sỹ. Thuốc men được gửi tới để điều trị các bệnh thông thường trong ký túc.

Ở tầng bảo vệ thứ ba, tất cả các công trường bắt đầu áp dụng một hệ thống biện pháp quản lý an toàn.

Công nhân được chia làm việc theo nhóm nhỏ để đảm bảo giãn cách xã hội, mỗi nhóm chỉ làm việc ở một khu vực duy nhất và được khoanh vùng nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc.

Việc sử dụng các khu sinh hoạt chung như nhà ăn và khu vệ sinh được quy định theo thời gian. Có các nhân viên giám sát an toàn để đảm bảo các quy định trên được tuân thủ.

Trong khi đó, người lao động cũng được yêu cầu tải ứng dụng SGWorkPass, trong đó so sánh dữ liệu của người lao động với các tiêu chí nối lại hoạt động sản xuất như kết quả xét nghiệm mới nhất, thân nhiệt hằng ngày, nồng độ ôxy trong máu và khai báo các triệu chứng, có nằm trong danh sách "Yêu cầu cách ly" hay không, đã kích hoạt ứng dụng truy vết tiếp xúc toàn quốc (FWMOMCare) chưa...

Tất cả các tiêu chí phải được đáp ứng trước khi người lao động được phép đến nơi làm việc.

“Tấm khiên” bảo vệ đa tầng của Singapore đã cho phép lĩnh vực xây dựng tái khởi động một cách an toàn sau giai đoạn “ngắt cầu dao.”

Đến nay, đã có thêm một tầng bảo vệ mới, từ bên trong, đó là vaccine. Từ ngày 12/3, Singapore bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đợt đầu cho khoảng 10.000 lao động nhập cư đang sống trong 5 khu ký túc lớn nhất gồm Sungei Tengah Lodge, Tuas View Dormitory, CDPL Tuas Dormitory, PPT Lodge 1B, và Kranji Lodge 1.

Bộ Nhân lực nước này cũng đã lên kế hoạch tiêm phòng cho tất cả các lao động nhập cư trong các khu ký túc trên cả nước sau đợt tiêm đầu tiên nói trên.

Kinh nghiệm của Singapore đã cho thấy tính chất dễ bị tổn thương mà người lao động nhập cư phải đối mặt.

Cách thức tổ chức lao động và đời sống của người lao động trong lĩnh vực xây dựng, và các lĩnh vực sản xuất tập thể nói chung, sẽ phải thay đổi để giảm nhẹ, hoặt tốt hơn, ngăn chặn nguy cơ lây lan mạnh khi dịch bệnh xảy ra.

Mô hình bảo vệ của Singapore hoàn toàn có thể áp dụng hiệu quả cho các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, như các khu công nghiệp, các khu ổ chuột ở các nước đang phát triển và nước nghèo nói chung.

Đa tầng, đồng bộ, toàn diện và quyết liệt, đó là cách tiếp cận hiệu quả để phòng chống đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục