Tạm giữ hàng chục tấn hàng không rõ nguồn gốc ở Bình Phước, Kiên Giang

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước và Kiên Giang đã tạm giữ hàng chục tấn hàng không rõ nguồn gốc, để chờ xử lý theo quy định pháp luật.
Tạm giữ hàng chục tấn hàng không rõ nguồn gốc ở Bình Phước, Kiên Giang ảnh 1Số hàng hóa là đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc được phát hiện tại các kho hàng ở Bình Phước. (Ảnh: TTXVN phát)

Hàng chục tấn hàng không rõ nguồn gốc vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước, Kiên Giang tạm giữ.

Tại Bình Phước, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh, phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa bất ngờ đột kích hàng loạt kho hàng chuyên bán đồ ăn vặt qua mạng (online) trên địa bàn huyện Bù Đăng và thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước), tạm giữ hơn 13 tấn hàng không rõ nguồn gốc để điều tra, làm rõ theo quy định.

Các kho hàng trên của 4 hộ kinh doanh Trần Thị Anh Đào (40 tuổi, ngụ tại phường Sơn Giang, thị xã Phước Long); Diệp Thị Châu (36 tuổi, ngụ tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng); Đặng Thị Minh Thìn (44 tuổi) và Nguyễn Thị Thanh Hằng (44 tuổi) cùng ở xã Đường 10, huyện Bù Đăng.

Tại thời điểm kiểm tra các kho hàng của các hộ kinh doanh, công nhân đang đóng gói thực phẩm: Bánh, trái cây sấy, điều rang tỏi, nui sấy, khoai sấy... để giao cho khách hàng trong và ngoài tỉnh Bình Phước thông qua phương thức bán hàng qua mạng (online). Địa chỉ giao hàng được chốt theo đơn do khách đặt trên mạng thông qua hình thức phát trực tiếp trên trang Facebook. Mỗi ngày có tới ngàn đơn hàng được đặt online.

Theo lời khai của các chủ cơ sở, các mặt hàng trên được nhập từ Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng về, sau đó phân phối cho các điểm bán hàng online trên mạng xã hội Facebook.

[Triệt phá điểm trung chuyển hàng hóa lớn, thu giữ hơn 10 tấn hàng]

Tại thời điểm kiểm tra, các sản phẩm thực phẩm được bảo quản trong bao bì, thùng carton, bao tải, bao nylon, đóng hộp; không thực hiện thông báo, đăng tải, niêm yết bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.

Tạm giữ hàng chục tấn hàng không rõ nguồn gốc ở Bình Phước, Kiên Giang ảnh 2Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại các kho chứa. (Ảnh: TTXVN phát)

Nguyên liệu đóng hộp, thực phẩm tại cơ sở chưa có hóa đơn, hồ sơ an toàn vệ sinh thực phẩm... Tại mỗi kho hàng có hàng chục mặt hàng, sản phẩm thực phẩm đã được chế biến sẵn với tổng trọng lượng lên đến hàng chục tấn. Đồng thời, tất cả các hộ kinh doanh đều chưa cung cấp được giấy tờ có liên quan đến các mặt hàng, sản phẩm đang kinh doanh và hồ sơ an toàn vệ sinh thực phẩm số hàng này.

Vì vậy, Phòng Cảnh sát môi trường đã tiến hành niêm phong toàn bộ hơn 13 tấn hàng theo quy định, để tiếp tục xác minh điều tra làm rõ.

Trong khi đó, ngày 6/1, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang Nguyễn Trung Tiến cho biết, đơn vị vừa phát hiện, tạm giữ số lượng lớn thịt heo, bò nhập lậu trên địa bàn thành phố Phú Quốc.

Cụ thể, ngày 4/1, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 4 (đóng tại Phú Quốc) phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Kiên Giang, tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh vựa cá Ba Ca trên đường Trần Phú thuộc khu phố 3, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc.

Qua kiểm tra tại cơ sở, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa tại địa điểm kinh doanh là thực phẩm nhập khẩu gồm thịt heo, thịt bò có xuất xứ từ Nga, Ấn Độ với số lượng gần 900kg.

Chủ cơ sở Ba Ca không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng và khai nhận số hàng này được mua từ Thành phố Hồ Chí Minh, mua nhiều lần nên không có hóa đơn chứng từ theo quy định.

Đoàn kiểm tra đã xác định hành vi vi phạm của chủ cơ sở và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời tạm giữ toàn bộ số lượng hàng vi phạm nói trên chờ xử lý theo quy định pháp luật.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang Nguyễn Trung Tiến cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và đội quản lý thị trường các huyện, thành phố trong tỉnh kiểm tra, kiểm soát thị trường và sẽ xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục