Tam Đảo sau 10 năm với ngành "công nghiệp không khói"

Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu xây dựng để năm 2015 Tam Đảo trở thành nơi du lịch và trở thành huyện du lịch trọng điểm của các tỉnh phía Bắc.
Tam Đảo sau 10 năm với ngành "công nghiệp không khói" ảnh 1Du khách tấp nập đổ về Khu danh thắng Tây Thiên. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/Vietnam+)

Ngày 1/1/2004 huyện Tam Đảo được thành lập theo Quyết định của Chính phủ. Sau 10 năm, từ một huyện nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, Tam Đảo hôm nay đã khang trang, tạo tiền đề cho sự phát triển.

Hàng loạt cơ sở lưu trú, các nhà hàng, khách sạn được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng được tu bổ, xây dựng tạo bước đột phá cho du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh.

Ông Phạm Quang Nguyên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đảo, nhớ lại: Ngày mới thành lập, Tam Đảo còn nghèo lắm. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tiềm năng du lịch chưa được khai thác hiệu quả.

Nhận thấy điều này chính quyền huyện Tam Đảo và tỉnh Vĩnh Phúc đã có các Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.

Niềm vui của người dân Tam Đảo giờ đây như được nhân đôi vì ngành "công nghiệp không khói" ấp ủ bao năm giờ đây thành công thực sự.

Thêm vào đó, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai qua địa bàn tỉnh vừa hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn hơn đoạn đường và thời gian di chuyển của du khách khi đến với Tam Đảo.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Ðảo khung cảnh đẹp với khí hậu mát mẻ, trong lành. Trong dãy núi Tam Đảo có trên 20 đỉnh cao từ 1.000m trở lên so với mặt nước biển. Tam Đảo có nhiều lợi thế phát triển du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng.

Nhận thấy điều này, đầu thế kỷ 20, người Pháp đã lên Tam Đảo xây dựng làm nơi nghỉ mát cho các quan chức của chính quyền đô hộ. Người Pháp xây dựng 163 ngôi biệt thự, khách sạn, nhà hàng, bể bơi, sân thể thao, sàn nhảy biến nơi này thành nơi xa hoa, tráng lệ bậc nhất Đông Dương lúc đó.

Thời gian, sự tàn phá của chiến tranh và thiên nhiên đã khiến những ngôi biệt thự, khách sạn do người Pháp xây dựng trở nên hoang tàn, đổ nát... Song, điều đó lại tạo dấu ấn riêng cho Tam Đảo, ẩn chứa những kỷ niệm và dấu ấn lịch sử khiến du khách tò mò, thích khám phá.

Nhiều năm qua, các tổ chức, cơ quan Nhà nước và nhân dân đã đầu tư các khách sạn, nhà nghỉ, mở đường lên núi khang trang hơn.

Đến nay, Tam Đảo có 85 cơ sở kinh doanh lưu trú (tăng 2,8 lần so với năm 2004 khi thành lập) với 1.415 phòng nghỉ mà các cơ sở chủ yếu tọa lạc trên phố núi Tam Đảo (thị trấn Tam Đảo).

Để "giữ chân" du khách ở lại Tam Đảo dài ngày hơn, những năm qua bên cạnh triển khai các hoạt động thu hút du lịch nghỉ dưỡng, tỉnh Vĩnh Phúc còn phát triển du lịch tâm linh để du khách có nhiều địa điểm thăm quan, vui chơi hấp dẫn.

Tỉnh thống nhất quan điểm phấn đấu xây dựng để năm 2015 Tam Đảo trở thành nơi du lịch và trở thành huyện du lịch trọng điểm của các tỉnh phía Bắc.

Tỉnh kêu gọi các dự án, nhà đầu tư cùng với ngân sách tỉnh xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng với số vốn hàng nghìn tỷ đồng, bước đầu tôn tạo các khu danh thắng, công trình tôn giáo, tín ngưỡng điển hình.

Tam Đảo đã hình thành khu danh thắng Tây Thiên nằm trong phạm vi Vườn Quốc gia Tam Đảo, có hệ thống 19 đền chùa, nhiều phong cảnh tự nhiên phân bổ trên diện tích khoảng 15km2.

Tỉnh lập phương án bảo vệ, tu sửa và phát huy giá trị lịch sử như xây dựng tour du lịch "Hoài niệm chiến trường xưa," gắn với du lịch văn hóa tâm linh, góp phần đa dạng các loại hình du lịch trên địa bàn.

Công trình Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, nằm trong khu di tích danh thắng Tây Thiên, là một trong những thiền viện lớn nhất của Việt Nam.

Tây Thiên là một quần thể di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng, bao gồm hệ thống các đền chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ đã được trùng tu tôn tạo, từng bước khẳng định vị trí của một trung tâm tín ngưỡng giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tam Đảo sau 10 năm với ngành "công nghiệp không khói" ảnh 2Lễ khai hội Tây Thiên 2013. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/Vietnam+)

Bên cạnh đó tỉnh còn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo, nghỉ dưỡng cao cấp...

Nhờ phát triển du lịch-dịch vụ và thương mại mà giá trị sản xuất tăng mạnh. Nếu như năm 2004 giá trị sản xuất huyện Tam Đảo chỉ đạt hơn 70 tỷ đồng thì năm 2013 đạt hơn 400 tỷ đồng.

Thương mại-dịch vụ từ 34,02% năm 2004 tăng lên 48,51% năm 2013. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện tăng trung bình trên 14%/năm. Hàng ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổn định từ các loại hình dịch vụ du lịch.

Tam Đảo đang tiếp tục đầu tư chiều sâu trong ngành "công nghiệp không khói" để thu hút thêm du khách./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục