Tám biện pháp để tránh nguy cơ suy thoái kinh tế

Nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế-tài chính, hiện không chỉ liên quan đến khu vực tư nhân mà còn tới cả các quốc gia gần vỡ nợ, là rất lớn.
Dẫn các số liệu mới nhất cho thấy sự suy giảm trở lại của các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới, tờ Thư tín địa cầu của Canada số ra ngày 22/9 nhận định những nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính, hiện không chỉ liên quan đến khu vực tư nhân mà còn tới cả các quốc gia gần vỡ nợ, là rất lớn.

Báo trên đã nêu 8 biện pháp giúp tránh nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế và tái khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thứ nhất, các nước như Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản nên có những chương trình kích thích kinh tế ngắn hạn và trì hoãn những nỗ lực khắc khổ của mình. Đây là biện pháp nhằm hạn chế hậu quả giảm sản lượng do chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà nhiều nền kinh tế khác đang áp dụng.

Thứ hai, trong lúc chính sách tiền tệ chỉ có ảnh hưởng hạn chế khi vấn đề là khả năng vỡ nợ chứ không phải thiếu tiền mặt, thì việc nới lỏng tín dụng, chứ không chỉ in thêm tiền, có thể có ích. Sức ép giảm phát chứ không phải lạm phát sẽ là vấn đề mà các ngân hàng trung ương cần giải quyết.

Thứ ba, để khôi phục mức tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng và hệ thống ngân hàng khu vực đồng euro đang bị thiếu vốn nên củng cố bằng việc phát hành trái phiếu chính phủ trong một chương trình toàn Liên minh châu Âu (EU).

Do các hệ thống ngân hàng Mỹ và EU vẫn chưa thể cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nên các chính phủ nên cung cấp tín dụng trực tiếp cho các SME có khả năng trả nợ nhưng bị thiếu tiền mặt.

Thứ tư, việc cung cấp lượng lớn tiền mặt cho các chính phủ có khả năng trả nợ là cần thiết để tránh nguy cơ mất đường vào thị trường vốn, có thể biến các nước thiếu tiền mặt thành các nước bị vỡ nợ. Cho dù có thay đổi chính sách, nhưng các chính phủ cũng cần có thời gian để khôi phục tín nhiệm của họ.

Thứ năm là cần xử lý nợ một cách bền vững thông qua việc tái cơ cấu nợ, giảm nợ và biến nợ thành cổ phiếu. Thứ sáu là khôi phục sức cạnh tranh và tăng trưởng nhanh chóng trong khu vực đồng euro để tránh nguy cơ vỡ nợ và bất ổn xã hội.

Tuy nhiên, do hầu như không có cách nào để khôi phục sự cạnh tranh của khu vực đồng euro, nên phương án lựa chọn duy nhất là Hy Lạp và một số thành viên khác phải ra khỏi liên minh tiền tệ này.

Thứ bảy là cần một kế hoạch trung hạn nhằm khôi phục sức cạnh tranh và tạo việc làm thông qua các khoản đầu tư mới vào giáo dục chất lượng cao, đào tạo nghề và những cải thiện vốn nhân lực, cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo.

Cuối cùng, các nền kinh tế đang nổi nên nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục