Taliban quay trở lại: Điều gì sẽ xảy ra tại Afghanistan?

Câu hỏi đặt ra là nếu Taliban tiếp quản quyền lực, liệu lực lượng này có đủ năng lực để điều hành và duy trì quyền kiểm soát thống nhất hay không?
Các tay súng Taliban canh gác một con đường ở thủ đô Kabul, Afghanistan. (Ảnh: AFP)

Theo eurasiareview.com/aspistrategist.org.au, tình hình ở thủ đô Kabul của Afghanistan đã thay đổi nhanh chóng khi Taliban tiến vào thành phố này và tiếp quản các khu vực, bao gồm cả Phủ tổng thống.

Điều này xảy ra khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani chạy trốn khỏi đất nước và các lực lượng an ninh trong thành phố đã tan rã.

Mặc dù còn nhiều điều chưa rõ, nhưng dưới đây là một số câu hỏi quan trọng đối với quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này khi lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.

Ai nắm quyền?

Các lực lượng an ninh của Afghanistan dường như vẫn kiểm soát một phần của Kabul vào cuối ngày 15/8 nhưng sau đó đã nhanh chóng phải bỏ lại thành phố này cho các tay súng Taliban.

Sau khi ban đầu cam kết không tiến vào thành phố, Taliban đã cử các chiến binh của mình vào "một số khu vực" của Kabul, được cho là để duy trì trật tự và ngăn chặn nạn cướp bóc.

Có một số thông tin cho biết đã có tiếng súng lẻ tẻ vang lên xung quanh thành phố, nhưng dường như không có giao tranh lớn.

Một số binh sỹ và sỹ quan cảnh sát Afghanistan đã từ bỏ vị trí của họ, cởi bỏ quân phục và mang theo vũ khí chạy trốn. Các tay súng Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát các tòa nhà quan trọng của chính phủ và tiếp quản Kabul.

[Taliban thảo luận tương lai với lực lượng an ninh Afghanistan]

Sân bay quốc tế của Kabul vẫn được kiểm soát bởi vài nghìn lính Mỹ, họ đang đảm bảo cho các nhà ngoại giao nước ngoài, người nước ngoài và cả người Afghanistan từng làm việc cho các cơ quan nước ngoài ở Kabul rời đi một cách an toàn.

Omar Samad, một cựu quan chức ngoại giao Afghanistan ở châu Âu, nói rằng “có các đơn vị an ninh ở khắp nơi nhưng không có tổng tư lệnh nào đứng đầu sau khi lãnh đạo cấp cao nhất bỏ trốn khỏi đất nước.”

Hamid Karzai, cựu Tổng thống có ảnh hưởng của Afghanistan, đã tuyên bố thành lập một “hội đồng điều phối” vào ngày 15/8. Ông nói rằng cơ quan này sẽ giám sát quá trình chuyển đổi quyền lực một cách hòa bình.

Hội đồng 3 người này có Abdullah Abdullah - quan chức chính phủ đứng thứ hai ở Kabul và Hekmatyar Gulbuddin - một trong những cựu lãnh chúa khét tiếng nhất tại Afghanistan và một cựu lãnh đạo dân quân.

Ali Adili, một nhà nghiên cứu làm việc cho Mạng lưới các nhà phân tích Afghanistan - một tổ chức tư vấn độc lập ở Kabul, cho biết: “Có vẻ như hội đồng này chịu trách nhiệm chính. Nhưng không rõ ai đã ủy quyền cho một hội đồng như vậy;” "Việc thành lập hội đồng này vẫn chưa thể trấn an được người dân Kabul."

Chính phủ nào có khả năng sẽ nổi lên?

Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan, Abdul Sattar Mirzakawal, cho biết quyền lực sẽ được giao cho một chính quyền chuyển tiếp. Tuy nhiên, Taliban đã bác bỏ những tuyên bố đó, nhấn mạnh rằng nhóm này mong đợi một sự bàn giao quyền lực hoàn toàn.

Haroun Rahimi, một trợ lý giáo sư luật tại Đại học Afghanistan của Mỹ ở thủ đô Kabul, cho biết: “Tôi lo sợ rằng Taliban sẽ trực tiếp tiếp quản hoặc chúng tôi sẽ có một chính phủ lâm thời mà về cơ bản sẽ là chính phủ ủy nhiệm của Taliban. Trong trường hợp đó, hệ thống chính trị trong tương lai chắc chắn sẽ không có tính bao trùm, khiến nhiều người Afghanistan cho rằng đó là hệ thống chính trị áp đặt và bất hợp pháp.”

Các quan chức Mỹ từng nói rằng Washington sẽ không công nhận một chính phủ của Taliban nếu lực lượng này cưỡng đoạt quyền lực. Taliban trước đây từng tuyên bố họ ủng sẽ ủng hộ một chính phủ chuyển tiếp nếu ông Ghani từ chức.

Tuy nhiên, không rõ liệu lực lượng này có thực hiện đúng cam kết hay không. Cựu quan chức ngoại giao Samad nói: "Bây giờ Tổng thống Ghani đã bỏ trốn, trong một hoặc hai ngày tới, chúng tôi sẽ biết liệu chúng tôi sẽ có một hệ thống được xây dựng trên trên cơ sở rộng lớn hay một hệ thống độc đảng, cho dù các dấu hiệu đều cho thấy sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp mang tính bao trùm hơn."

Torek Farhadi, một cựu cố vấn của chính phủ Afghanistan, cho rằng nếu có một giai đoạn chuyển tiếp có tính bao trùm hơn, Taliban chắc chắn sẽ chiếm ưu thế nhưng có thể vẫn còn có chỗ cho các chủ thể chính trị khác.

Mặc dù vậy, Farhadi hy vọng đó sẽ là những nhân vật và các bên liên quan ít được biết đến hơn chứ không phải là các nhân vật từ giới tinh hoa chính trị hiện tại ở Kabul.

Ông nói: “Taliban có thể sẽ thành lập một chính phủ do họ lựa chọn, với các đại diện đến từ tất cả các tỉnh và các nhóm sắc tộc, nhưng không nhất thiết phải từ những nhân vật chính trị mà chúng ta đã biết."

Câu hỏi đặt ra là nếu Taliban tiếp quản quyền lực, liệu lực lượng này có đủ năng lực để điều hành và duy trì quyền kiểm soát thống nhất hay không?

Trang mạng aspistrategist.org.au trích dẫn nhận định về vấn đề này của ông David Kilcullen, Giáo sư nghiên cứu quốc tế và chính trị tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Australia, trong đó cho rằng Taliban đã thành thạo hơn trong việc nắm quyền quản lý nhưng tương lai là điều không thể chắc chắn.

Ông nói: “Taliban đã huấn luyện các lực lượng nòng cốt cách nắm quyền điều hành và họ đã có các kỹ năng giao tiếp và truyền tải thông điệp tốt hơn. Taliban cũng điều hành một chính phủ bóng tối ở hầu hết các tỉnh và một loại chính phủ của quân du kích ở các thành phố lớn."

Giáo sư Kilcullen cũng cho biết Taliban có một nguồn thu quan trọng từ hệ thống thuế địa phương khá hiệu quả và nguồn thu từ việc sản xuất ma túy, làm lâm-nông nghiệp.

Nhưng một khi nguồn lực lớn này không còn nữa, việc đạt được sự thống nhất có thể trở thành vấn đề. Đã có một lịch sử bất đồng lâu dài giữa các shura (hội đồng lãnh đạo) Quetta, Peshawar và Miran Shah - những thể chế chỉ đạo các hoạt động của Taliban.

Giáo sư Kilcullen lưu ý rằng chiến lược chống Taliban luôn tập trung vào việc thúc đẩy bất đồng này. Tuy nhiên, thủ lĩnh tối cao hiện tại của Taliban, Hibatullah Akhundzada, đã chứng tỏ là người có khả năng hơn nhiều so với người tiền nhiệm trong việc gắn kết các phe phái.

Còn trong dài hạn?

Giới phân tích nhận định rằng một chính phủ do Taliban thống trị ở Kabul có thể sẽ xuất hiện. Trong thời kỳ Taliban từng nắm quyền cai trị, quyền lực được tập trung vào tay của một “Amir ul-Momineen” (người lãnh đạo những tin đồ ngoan đạo). Lãnh đạo tối cao này là nguyên thủ quốc gia và có quyền tối cao. Mullah Omar là người sáng lập và là lãnh đạo tinh thần của Taliban.

Taliban đã bác bỏ nền dân chủ và các cuộc bầu cử, gọi đó là “hàng nhập khẩu nước ngoài.” Hiện vẫn chưa rõ liệu Taliban có tái lập chế độ tàn bạo trước đây hay không. Khi lực lượng này cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, những người theo Hồi giáo chính thống đã áp bức phụ nữ, tàn sát các sắc tộc và tôn giáo thiểu số, đồng thời cấm âm nhạc và truyền hình.

Các dấu hiệu ban đầu cho thấy Taliban sẽ áp dụng lại nhiều luật lệ đàn áp và các chính sách trái ngược với hiện nay ở Kabul - như họ đã làm ở các thành phố và thị trấn bị chiếm đóng khác trên khắp Afghanistan.

Taliban đã cấm phụ nữ ra ngoài làm việc, khắt khe hạn chế việc cho các bé gái đi học và yêu cầu phụ nữ phải đi cùng với một người thân là nam giới nếu họ muốn ra khỏi nhà. Cũng có một số thông tin về việc phụ nữ trẻ bị ép kết hôn với các tay súng Taliban.

Tuy nhiên, các tay súng Taliban đã tìm cách thể hiện một bộ mặt ôn hòa hơn, hứa sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ và bảo vệ cả người nước ngoài và người Afghanistan. Phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen phát biểu hôm 15/8: “Chúng tôi đảm bảo với người dân, đặc biệt là ở thành phố Kabul, rằng tài sản và tính mạng của họ được an toàn.”

Các thế lực bên ngoài sẽ có ảnh hưởng như thế nào?

Các cường quốc phương Tây trước đó đã cam kết tiếp tục can dự vào Afghanistan ngay cả sau khi tất cả các lực lượng nước ngoài rời khỏi nước này vào ngày 31/8.

Theo giới phân tích, Mỹ và các cường quốc nước ngoài khác có thể tác động đến hành vi của Taliban bằng cách cung cấp viện trợ quốc tế cho Afghanistan và chính thức công nhận lực lượng này. Một số người nói rằng Washington đang đánh cược Taliban sẽ miễn cưỡng cầm quyền như một chủ thể bị cộng đồng quốc tế xa lánh như đã từng làm vào những năm 1990.

Còn đối với Trung Quốc thì sao? Giáo sư Kilcullen cho rằng rõ ràng Trung Quốc "đã chỉ định Taliban là lực lượng nắm quyền cai trị tiếp theo tại Afghanistan," ý ông muốn nói tới cuộc gặp công khai hồi tháng 7 vừa qua giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Mullah Barader - người đứng đầu ủy ban chính trị của Taliban. Tuy nhiên, tại cuộc họp gần đây nhất của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng vào tháng 7, ông Vương Nghị đã phát tín hiệu rằng sự ủng hộ của Trung Quốc có thể phụ thuộc vào việc Taliban có giúp Trung Quốc chống lại các nhóm của người Duy Ngô Nhĩ, IS-K và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan hay không.

Nói rộng hơn, Trung Quốc đang có ý định duy trì các khoản đầu tư tài nguyên của mình ở Afghanistan. Và mặc dù Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của nước này không bao gồm Afghanistan, nhưng đây là một tuyến đường trung chuyển quan trọng xuyên qua Trung Á để đến các quốc gia khác như Iran, nơi mà Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận kinh tế và an ninh kéo dài 25 năm.

Nhưng liệu Taliban có thể là đối tác đáng tin cậy của Bắc Kinh? Giáo sư Kilcullen cho biết nhiều tay súng Duy Ngô Nhĩ đang chiến đấu ở Syria đã trở về Afghanistan, "vì vậy, cách Taliban đối xử với những nhóm đó sẽ là một chỉ báo. Taliban sẽ giao nộp các nhóm này cho Trung Quốc hay giữ các nhóm này để làm đòn bẩy?"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục