Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan là bi kịch hay hài kịch?

Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì, và người ta chỉ có thể hy vọng rằng Taliban sẽ tìm ra cách khác để ghi dấu ấn của họ vì lợi ích của người dân Afghanistan.
Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan là bi kịch hay hài kịch? ảnh 1Các lực lượng Taliban tuần tra tại tỉnh Badghis, Afghanistan ngày 17/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org cho biết thời kỳ cầm quyền đầu tiên của Taliban từ năm 1996-2001 là một thảm kịch không đáng có đối với Afghanistan và phần còn lại của thế giới.

Thời kỳ này đã chứng kiến hàng nghìn người thiệt mạng, sự tàn phá trên diện rộng và những cảnh bạo lực dã man, trước khi mở ra cuộc chiến “kéo dài vô tận” đầu tiên của thế kỷ này.

Liệu sự trở lại của Taliban sẽ mang lại nhiều bi kịch hơn hay là màn hài kịch nực cười?

Trong những năm 1990, Taliban đã phải chiến đấu với các lãnh chúa và tay súng đối địch trong hơn hai năm trước khi họ có thể chiếm được Kabul.

Cuộc đấu tranh cuối cùng chỉ thành công với sự hỗ trợ về hậu cần và quân sự từ Pakistan.

Lần này, trớ trêu thay, sự chiếm đóng kéo dài của Mỹ và các nỗ lực “xây dựng quốc gia” đã loại bỏ bất kỳ nhóm vũ trang nào có thể chống lại Taliban.

[Afghanistan: Taliban nhận định về chương mới trong quan hệ với Mỹ]

Các quan chức chính phủ, giống như phần còn lại của đất nước, từ lâu đã chuẩn bị cho sự rút lui của Mỹ bằng cách đào tẩu sang phe của các nhà cầm quyền tương lai.

Afghanistan không còn là một quốc gia bị chiến tranh tàn phá phụ thuộc vào nguồn thu từ thuốc phiện và các nhà tài chính của Saudi Arabia.

Hai thập kỷ đầu tư của Mỹ vào cơ sở hạ tầng và xây dựng thể chế dân sự cũng như vận chuyển vũ khí chiến tranh qua Pakistan đã tạo ra một nền kinh tế phi chính thức xuyên biên giới đang bùng nổ, vốn thường bị hiểu sai là “tham nhũng.”

Hầu hết những người tham gia vào lĩnh vực này đều đang trả tiền “bảo kê” cho Taliban, cũng như các công nhân và các doanh nghiệp nhỏ khác.

Cơ sở kinh tế lớn này có thể mang lại cho chế độ quyền tự chủ quốc tế nhiều hơn, nhưng cũng hạn chế các liên minh và chính sách trong nước của họ. Sau khi tích lũy được các kinh nghiệm đàm phán, Taliban sẽ khôn ngoan hơn khi can dự với các cường quốc khác trong khu vực.

Ẩn số lớn nhất về chế độ Taliban thứ hai là liệu họ có tiếp tục những vi phạm nhân quyền vốn là đặc trưng của chế độ thứ nhất hay không.

Taliban trước đây đã áp dụng những biện pháp quản lý hà khắc đối với phụ nữ, đàn áp tôn giáo và dân tộc thiểu số, công khai hành hạ, cắt chân, chặt đầu và phá hủy các di tích Phật giáo.

Một mặt, những chính sách này có thể không còn khả thi bởi chế độ hiện tại đang cần các liên minh lớn.

Mặt khác, chính những tuyên bố công khai về uy tín Hồi giáo của họ đã khiến Taliban trở nên nổi bật và khiến họ được các tổ chức cực đoan ở Trung Đông tôn trọng.

Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì, và người ta chỉ có thể hy vọng rằng Taliban sẽ tìm ra cách khác để ghi dấu ấn của họ vì lợi ích của người dân Afghanistan.

Trong bối cảnh không còn sự lựa chọn tốt đẹp nào, Mỹ đã quyết định ngừng ủng hộ một chế độ thất bại. Mặc dù đây là điều đã được dự đoán, nhưng sự vui mừng ở Pakistan đã diễn ra quá sớm.

Thời gian qua, sự cô lập quốc tế của Taliban, sự yếu kém về quân sự và sự phụ thuộc kinh tế vào hoạt động buôn bán thuốc phiện qua biên giới Afghanistan-Pakistan đã mang lại cho Pakistan ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là trong việc xử lý các vấn đề quốc tế chính thức và không chính thức.

Các nhà báo nước ngoài được mời phỏng vấn Osama bin Laden phải xin thị thực từ Islamabad và các nhà báo địa phương thân cận với quân đội Pakistan được đặc cách tiếp cận “ngôi sao đang nổi” của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Tuy nhiên, những yếu tố đó không còn phù hợp nữa, Pakistan không thể sử dụng Afghanistan để huấn luyện dân quân và không có khả năng gây ảnh hưởng với chế độ này.

Pakistan đã chọn tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố bằng cách giao một số thủ lĩnh của al-Qaeda cho Mỹ và tạo điều kiện cho Taliban ở Afghanistan tập hợp lại trong lãnh thổ của mình và chờ đợi.

Chiến lược này có tác dụng chống lại Mỹ, nhưng lại tạo điều kiện cho nhóm Taliban ở Pakistan, được gọi là Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), nổi lên và phát động một cuộc nổi dậy khiến hàng trăm nghìn người thương vong. TTP cũng giúp đỡ củng cố quân đội ở khu vực biên giới Pakistan.

Kể từ đó, khu vực đã chứng kiến một phong trào dân tộc chủ nghĩa mới, Phong trào Pashtun Tahaffuz (PTM), cáo buộc quân đội hợp tác trực tiếp với TTP.

Một trật tự Hồi giáo ở Afghanistan sẽ bao gồm các mạng lưới Taliban bám rễ sâu và các nhóm Hồi giáo khác trên khắp Pakistan, mà chính phủ sẽ phải đối đầu sớm hay muộn ngoài PTM.

Vậy Taliban lên nắm quyền là bi kịch hay tình huống trớ trêu? Tình hình là hết sức tồi tệ đối với cả Mỹ và Pakistan nếu xét tới bất kỳ mục tiêu chiến lược hoặc địa chính trị nào mà họ hy vọng đạt được. Điều không kém phần nực cười là những câu chuyện được lãng mạn hóa về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc của người dân Afghanistan.

Thất bại cuối cùng của một cường quốc đã đẩy Afghanistan vào nhiều năm đổ máu và tàn phá, sau đó là một cuộc chiếm đóng khác và thậm chí còn nhiều bạo lực hơn.

Giai đoạn tiếp theo diễn ra bi thảm như thế nào giờ đây sẽ phụ thuộc vào chính người dân Afghanistan.

Họ có thể tổ chức chống lại các chính sách áp bức nhất của Taliban, cũng như các nhóm tay súng cực đoan, dù là địa phương hay nước ngoài, các nhóm đã bắt đầu nhắm vào người thiểu số, người nước ngoài và những nơi công cộng.

Hoặc họ có thể phục tùng cả hai, như trong những năm 1990, điều báo hiệu sự khởi đầu của một bi kịch khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục