Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 5/9 công bố kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, sự thiếu hụt nguồn tài trợ cho thương mại toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 2.500 tỷ USD vào năm 2022, so với mức 1.700 tỷ USD vào năm 2021, do những hạn chế tiếp tục kéo dài làm giảm nguồn lực của các ngân hàng.
Tổng Giám đốc phụ trách khu vực tư nhân của ADB, Suzanne Gaboury, cho biết sự thiếu hụt gia tăng do kinh tế toàn cầu vẫn đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch.
Khảo sát trên là đáng tin cậy hàng đầu thế giới về tài trợ thương mại, dựa trên số liệu đến của 137 ngân hàng và 185 công ty từ khoảng 50 nền kinh tế.
Những người tham gia khảo sát cho biết họ tiếp tục phải đối mặt với những hạn chế trong tiếp cận tài chính trong năm ngoái do lãi suất tăng và những bất ổn trên thị trường tài chính, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và bất ổn địa chính trị.
[Kinh tế Trung Quốc suy giảm, gióng hồi chuông cảnh báo toàn cầu]
Theo khảo sát, đà phục hồi kinh tế mạnh sau đại dịch COVID-19 khiến lượng hàng hóa xuất khẩu toàn cầu tăng trưởng lần lượt ở mức 26,6% và 11,5% trong năm 2021 và 2022, và dẫn tới nhu cầu về tài trợ thương mại tăng cao, đi kèm là rủi ro kinh tế lớn hơn.
Cuộc khảo sát mới nhất lần đầu tiên tập trung vào các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị cũng như số hóa để đánh giá tác động đối với các chuỗi cung ứng liên quan và mức độ thiếu hụt về tài trợ thương mại.
Hầu hết các ngân hàng và công ty tham gia cuộc khảo sát đều tin rằng việc liên kết vấn đề quản trị và xã hội có thể giúp giảm khoảng cách tài chính thương mại.
Thách thức hàng đầu về chuỗi cung ứng được các công ty khảo sát nêu ra là không đủ sự hỗ trợ tài chính. Họ xác định khả năng tiếp cận nguồn tài chính đầy đủ, hậu cần đáng tin cậy và sử dụng công nghệ kỹ thuật số là ba thành phần quan trọng nhất của chuỗi cung ứng linh hoạt./.