Tài trợ dành cho khu vực Thái Bình Dương tăng trong đại dịch COVID-19

Với việc cam kết cung cấp các khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 600 triệu đôla Australia kể từ năm 2019, Australia trở thành nước cho vay chính tại khu vực Thái Bình Dương.
Tài trợ dành cho khu vực Thái Bình Dương tăng trong đại dịch COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hỗ trợ tài chính cho các đảo Thái Bình Dương tăng lên mức kỷ lục 3,3 tỷ USD năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, tăng 33% so với năm trước đó.

Theo số liệu của Viện Lowy chuyên nghiên cứu chính sách, đại dịch bùng phát dẫn đến việc đóng cửa biên giới, ảnh hưởng đến các quốc gia phụ thuộc vào du lịch. Đại dịch cũng làm thay đổi cách thức tài trợ, theo đó số khoản vay nhiều hơn các khoản viên trợ, và tài trợ trực tiếp cho các dịch vụ quan trọng cũng gia tăng.

Bản đồ tài trợ Thái Bình Dương do Viện Lowy công bố hàng năm cho thấy tài trợ của Trung Quốc cho khu vực này trong năm 2020 giảm xuống còn 187 triệu USD, mức thấp nhất kể từ khi viện này bắt đầu thống kê số liệu về tài trợ quốc tế năm 2008. Trong khi đó, Australia và New Zealand cung cấp 30% tất cả các khoản tài trợ trong năm 2020.

[Ngân hàng Thế giới giải ngân thêm 500 triệu USD cho Ukraine]

Kể từ năm 2008, Australia cung cấp 40% trong tổng số các khoản tài trợ cho khu vực, tiếp đó là New Zealand với 8,6%, Nhật Bản với 8,5% và Trung Quốc với 8,5%. Tài trợ của Trung Quốc, chủ yếu là các khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng, đạt đỉnh điểm vào năm 2016.

Với việc cam kết cung cấp các khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 600 triệu đôla Australia kể từ năm 2019, Australia trở thành nước cho vay chính tại khu vực Thái Bình Dương. Tuần trước, nước này cho biết có thể tăng viện trợ cho khu vực này thêm 900 triệu đôla Australia (576,99 triệu USD). Trong khi đó, Mỹ cũng cam kết tài trợ thêm 800 triệu USD sau khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Thái Bình Dương hồi tháng Chín vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục