Lũ chồng lũ, bão chồng bão, sạt lở đất và lũ quét xảy ra liên tiếp ở Quảng Trị đã khiến hệ thống đường giao thông, nhất là những tuyến đường huyết mạch độc đạo, cùng với công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, đê kè bị phá hủy nghiêm trọng gây ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn và khôi phục sản xuất.
Cần phá thế độc đạo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây - tuyến đường độc đạo nối Quốc lộ 9 với các xã vùng biên giới gồm: Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh của huyện miền núi Hướng Hóa, đã bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều vị trí, gây tắc đường hoàn toàn từ giữa tháng 10 đến nay.
Đặc biệt, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở đã khiến hai xã Hướng Việt và Hướng Lập có khoảng 3.400 người, phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều bị cô lập hoàn toàn và mất liên lạc suốt nhiều ngày liền.
Hai xã này cần được hỗ trợ khẩn cấp từng ngày, từng giờ do lũ quét, sạt lở núi khiến điện nước bị mất, nhà ở và trường học bị vùi lấp trong lớp đất đá từ 0,3-1m, đặc biệt là có nhiều người bị chết, mất tích và bị thương cần được tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn và cấp cứu khẩn cấp.
Do là tuyến đường độc đạo nên khi đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng đã khiến công tác cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực cho người dân vùng bị cô lập gặp vô vàn khó khăn.
Trong tháng 10, máy bay trực thăng của quân đội đã hai lần hạ cánh ở xã Hướng Việt để cấp phát hàng cứu trợ cho người dân bị cô lập và đưa người bị thương nặng đi điều trị.
Lực lượng Biên phòng Quảng Trị đã phải đi bộ băng rừng 30km mới tiếp cận được hai xã Hướng Việt, Hướng Lập để cấp phát nhu yếu phẩm thiết yếu, nước uống và chữa bệnh cho người dân.
[Huy động 40 triệu USD thực hiện kế hoạch ứng phó với lũ lụt ở Việt Nam]
Từ cuối tháng 10 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phải đi đến địa phận tỉnh Quảng Bình, sau đó đi vòng trở lại đường Hồ Chí Minh nhánh Tây mới có thể đến được hai xã Hướng Việt và Hướng Lập, với điều kiện không có mưa.
Nếu có mưa, tuyến đường này đi từ phía tỉnh Quảng Bình cũng bị tắc hoàn toàn do sạt lở đất xảy ra bất cứ lúc nào.
Đến ngày 6/11, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua tỉnh Quảng Trị vẫn chưa thể thông xe.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị Trần Hữu Hùng cho biết thiệt hại của ngành giao thông do lũ lụt là rất lớn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưu thông, cứu hộ cứu nạn và tiếp tế cho người dân vùng bị cô lập; trong đó, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây có đến hơn 20 điểm sạt lở rất lớn do lũ lụt vừa qua, trong khi tình trạng sạt lở vẫn thường xuyên tiếp diễn khi có mưa. Để thông xe tuyến đường này phải mất từ 10-15 ngày nữa với điều kiện trời không mưa.
Các đơn vị của tỉnh đã và đang phối với lực lượng khác, dồn tổng lực khắc phục các điểm sạt lở để thông đường tạm thời, trong điều kiện thi công vô cùng khó khăn và nguy hiểm.
Đại diện Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng Giao thông 494, một trong những đơn vị thi công khắc phục sạt lở đất đá trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, cho biết bên cạnh giải tỏa hàng triệu khối đất đá bị sạt lở tràn lấp mặt đường, đơn vị còn dùng lượng lớn đá hộc, vật tư khác để khắc phục các vị trí bị sụt lún, mặt đường bị đứt gãy.
Khó khăn nhất là có mưa liên tục làm sạt lở đất đá tiếp tục xảy ra, nhưng đơn vị vẫn thi công cả ngày lẫn đêm nhằm thông đường trong thời gian sớm nhất, để việc cứu trợ cho người dân hai xã bị cô lập là Hướng Việt và Hướng Lập được thuận lợi hơn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết tỉnh đã đề xuất với Trung ương sớm bố trí vốn đầu tư xây dựng tuyến đường dài trên 23km nối 2 xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh với xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa để phá thế độc đạo của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nối với vùng miền Tây Bắc của Quảng Trị.
Đây là tuyến giao thông huyết mạch, có vai trò chiến lược quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh. Đặc biệt là phục vụ tốt cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Hướng Hóa gồm: Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Linh và 2 xã miền núi của huyện Vĩnh Linh là Vĩnh Hà và Vĩnh Ô. Tổng mức đầu tư tuyến đường này là 365 tỷ đồng.
Khẩn trương tu sửa hệ thống giao thông, tái thiết hạ tầng
Quốc lộ 9 là con đường trọng yếu huyết mạch dài hơn 80km nối thành phố Đông Hà với các huyện Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.
Các trận lũ lụt lịch sử đặc biệt lớn vừa qua, khiến Quốc lộ 9 thường xuyên bị sạt lở ở nhiều điểm dẫn đến tắc đường và nguy cơ mất an toàn cho người, phương tiện lưu thông.
Anh Trần Văn Hào, ở phường 5, thành phố Đông Hà, thường xuyên lái xe chở khách đi trên Quốc lộ 9, cho biết tuyến đường này thường xuyên bị sạt lở khi có mưa lớn dài ngày, nhưng chưa bao giờ sạt lở gây tắc đường và đặc biệt nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông như các đợt lũ lụt vừa qua, nhất là đoạn qua huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa.
Lực lượng chức năng đã và đang huy động nhiều phương tiện, máy móc để khắc phục các vị trí bị sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 9; trong đó, tập trung khắc phục tại Km 45+720 và Km 50+150 đoạn qua huyện miền núi Đakrông. Ngoài sạt lở khiến lượng lớn đất đá từ đồi, núi tràn lấp mặt đường; Quốc lộ 9 còn bị xói lở nghiêm trọng ở bên phía sông Đakrông.
Nghiêm trọng nhất là tại Km 45+720, sạt lở từ phía bờ sông Đakrông đã ăn sâu vào gần 1/2 mặt đường, khiến mặt đường Quốc lộ 9 nứt toác, sụt lún. Tại vị trí này các đơn vị thi công khắc phục bằng cách đào móng để kè bằng rọ đá.
Đồng thời, lực lượng chức năng phải phân luồng giao thông một chiều ở những vị trí sạt lở trên Quốc lộ 9, để các phương tiện, máy móc thiết bị tập trung khắc phục sự cố.
Ngoài ra, Quốc lộ 49C bị hư hỏng mặt đường nhiều vị trí, nhất là đoạn Km 33+500 và Km 41+076. Cầu Lệ Xuyên 1 trên tuyến đường này, bị xói lở hai đầu cầu gây tắc giao thông. Quốc lộ 15D đoạn qua cầu La Hót 1 ở Km 1+094 toàn bộ nền, mặt đường bị cuốn trôi dài 5m; đoạn Km10+943 và Km11+350 bị xói lở sâu vào mặt đường.
Đến nay, ngoại trừ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, các tuyến đường Quốc lộ qua địa bàn Quảng Trị đã cơ bản được khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để sạt lở, sụt lún trên các Quốc lộ đoạn qua Quảng Trị thì cần thêm nhiều thời gian và kinh phí.
Trong khi đó, các Tỉnh lộ và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, nhất là ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa bị lũ lụt làm xói lở, hư hỏng nghiêm trọng cũng đang cần nguồn kinh phí để khắc phục.
Điển hình là tại huyện Hướng Hóa có 48 tuyến đường và cầu tràn bị hư hỏng, tập trung ở các xã như Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Lập, Hướng Sơn, Ba Tầng và xã Húc. Để sửa chữa, khắc phục những tuyến đường và cầu tràn bị lũ cuốn trôi, huyện Hướng Hóa cần hơn 355 tỷ đồng. Tương tự, huyện Đakrông cũng cần đến 320 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục tuyến đường giao thông nông thôn và cầu tràn bị lũ cuốn trôi, làm xói lở.
Thị sát các tuyến đường ở tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại do lũ lụt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đề nghị địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, sớm thống kê đầy đủ thiệt hại và có đề xuất với Trung ương, để có sự hỗ trợ kịp thời nhằm khắc phục triệt để một số đoạn, tuyến xung yếu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh trước mắt, bằng mọi giá phải khắc phục nhanh nhất để thông tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, giúp người dân trên tuyến biên giới an toàn, thuận lợi khi lưu thông. Về lâu dài, tỉnh cần xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả lũ lụt một cách triệt để, thông qua đó Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn.
Ngay sau lũ rút, chính quyền các địa phương ở Quảng Trị cũng tập trung khắc phục hệ thống kênh mương thủy lợi, đê kè và hệ thống cấp nước sinh hoạt ở nông thôn bị đất đá vùi lấp, cuốn trôi và hư hỏng nặng.
Là địa phương ở vùng thấp trũng nên khi lũ chồng lũ xảy ra đã khiến trên 26km kênh mương thủy lợi ở huyện Triệu Phong bị hư hỏng.
Ngay sau lũ lụt, hệ thống kênh mương có vai trò rất quan trọng khi làm nhiệm vụ dẫn nước vào đồng ruộng, để bà con nông dân trồng trọt khôi phục sản xuất.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Triệu Phong Trần Văn Nhuận, ngoài đề xuất với cấp trên hỗ trợ kinh phí sửa chữa, khắc phục sớm các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, địa phương còn tổ chức nạo vét kênh mương dẫn nước, để bà con nông dân có nước vệ sinh đồng ruộng và trồng trọt, chăn nuôi ngay sau lũ.
Trong khi đó, ở các huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa cần sớm được hỗ trợ về nguồn lực để khôi phục hệ thống cấp nước sinh hoạt đã bị lũ cuốn trôi. Ở các địa phương vùng ven biển, đồng bằng cũng đang rất cần kinh phí, phương tiện để khắc phục đê kè bờ sông bờ biển, cống, trạm bơm bị hư hỏng do bão lũ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, tỉnh có 25 đập thủy lợi, 90 trạm bơm, 80km kênh nội đồng, trên 55km kênh chính, 38km đê, 3,5km kè bờ sông bờ biển, bị hư hỏng, sạt lở do bão lũ./.
Tái thiết sau lũ ở Quảng Trị: Khôi phục sản xuất nông-ngư nghiệp