Đại diện liên Chi đoàn Báo Điện tử VietnamPlus, Báo Việt Nam News, Ban biên tập tin Đối ngoại trao quà tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tái thiết sau bão lũ: Gieo mầm thiện cho vùng cao sạt lở A Lù sớm “nở hoa”

A Lù - một trong những địa danh vừa trải qua mất mát, đau thương do thiệt hại khủng khiếp bởi hoàn lưu của bão bão Yagi (bão số 3) ở tỉnh Lào Cai, đang được tái thiết, chữa lành từng ngày.

Cơn bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu của bão vừa qua đã khiến Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng, A Lù ở tỉnh Lào Cai thiệt hại khủng khiếp về người và kinh tế. Chỉ riêng tại xã A Lù, vụ sạt lở đất vào ngày 9/9 vừa qua đã vùi lấp 4 ngôi nhà khiến 7 người thiệt mạng sau 5 ngày mới tìm thấy thi thể (trong đó có 2 em nhỏ đang học mầm non, một học sinh lớp 9). Đây cũng là xã chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và kinh tế ở huyện Bát Xát trong thời gian qua.

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều,” góp phần chữa lành vết thương từ những đổ nát do chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ - ngày 23/9, liên Chi đoàn Báo Điện tử VietnamPlus, Báo Việt Nam News, Ban biên tập tin Đối ngoại Thông tấn xã Việt Nam đã trao tặng 50 suất quà, 300 bộ quần áo trẻ em, 1.600 vở ô ly và 600 chiếc bút cho các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu, xã A Lù.

Ngoài ra, đoàn đã trao 30 triệu đồng tiền mặt cho ban giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu, để sửa chữa khu nhà ăn cho các em học sinh bán trú, đảm bảo an toàn trước mưa lũ.

Nỗ lực tái thiết cuộc sống từ đổ nát

Ngày 22/9, xe ôtô chở đoàn thanh niên chúng tôi xuất phát từ số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Di chuyển từ lúc 11 giờ song đến hơn 18 giờ chiều, chúng tôi mới đến được xã Mường Hum (huyện Bát Xát), cách xã A Lù khoảng 40km.

Do trời sương mù, đường xấu nên đoàn phải nghỉ lại ở một homestay (tại xã Mường Hum) - điểm hỗ trợ chỗ nghỉ miễn phí cho các đoàn thiện nguyện.

Ở vùng cao này, tháng Chín trời đã lạnh tê tái như mùa Đông. Tranh thủ nghỉ ngơi sau nhiều giờ di chuyển, tới sáng sớm 23/9, chúng tôi tiếp tục di chuyển tới xã A Lù. Sau 2 tuần kể từ trận sạt lở đất và lũ quét trên, thời tiết đã nắng ráo trở lại, những cung đường từ xã Mường Hum đến xã A Lù vẫn còn rất nhiều điểm bị sạt lở, khiến phương tiện giao thông di chuyển khó khăn.

Việc di chuyển của đoàn thiện nguyện gặp nhiều khó khăn do nhiều đoạn đường ở huyện Bát Xát bị hư hỏng nặng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ đánh vật với quãng đường hơn 40km, đoàn chúng tôi mới tới được điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu. Dọc đường đi, thi thoảng đoàn lại bắt gặp những tốp người với máy xúc đang san gạt, dọn dẹp tại các điểm, vị trí sạt lở; những em học sinh dìu dắt nhau tới trường...

Đón chúng tôi, thầy Tạ Duy Tình - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu, ánh mắt vẫn đỏ hoe vì nỗi đau mất đi cô học trò giỏi, trong vụ sạt lở đất kinh hoàng vừa qua.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, thầy Tình nhớ lại do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, ngày 8/9, khu vực xã A Lù có mưa to kéo dài suốt từ sáng tới đêm. Đến khoảng hơn 2 giờ sáng 9/9, ở thôn Phìn Chải 2 (vị trí gần trường) ở xã A Lù đã xảy ra vụ sạt lở đất, đá khiến 4 ngôi nhà của người dân trong thôn này sập đổ hoàn toàn và bị bùn đất vùi lấp.

Điều đau xót là vụ sạt lở đất vùi lấp trên đã khiến 7 người mất tích, sau 5 ngày tìm kiếm mới tìm thấy thi thể. Có gia đình mất một lúc 5 người thân (trong đó có em Sùng Thị Lỳ - học sinh lớp 9 của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu, và 2 em nhỏ đang học trường mầm non trên địa bàn).

“Khi nghe tin người dân, đặc biệt là em Lỳ bị mất, cá nhân tôi cũng như tất cả các thầy, cô trong trường rất buồn, bởi Lỳ là một trong số những em học sinh học rất tốt, có thành tích cao trong học tập. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, các thầy, cô trong trường cũng đã cùng lực lượng chức năng của xã đi tìm kiếm, sau đó đưa thi thể em về gần nhà,” thầy Tình buồn rầu chia sẻ.

Các thùng quà do liên Chi đoàn Báo Điện tử VietnamPlus, Báo Việt Nam News, Ban biên tập tin Đối ngoại trao tặng cho các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trước những thiệt hại nặng nề đó, các cấp chính quyền của tỉnh Lào Cai, huyện Bát Xát, xã A Lù đã nhanh chóng hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất. Các gia đình bị sạt lở vùi lấp nhà cửa, sẽ được chính quyền hỗ trợ, tìm địa điểm để xây dựng chỗ ở mới, đảm bảo an toàn, sớm ổn định cuộc sống.

Trong những ngày qua, nhiều đoàn cứu trợ cũng đã tìm đến hỗ trợ lương thực (từ gạo, bánh đến các loại nhu yếu phẩm khác), thuốc men và vật chất, với hy vọng góp phần tái thiết lại cuộc sống cho người dân xã A Lù.

Chia sẻ tình cảm với A Lù, trong ngày 23/9, liên Chi đoàn Báo Điện tử VietnamPlus, Báo Việt Nam News, Ban biên tập tin Đối ngoại (Thông tấn xã Việt Nam) cũng đã trao tặng 50 suất quà, 300 bộ quần áo trẻ em, 1.600 vở ô ly và 600 chiếc bút cho các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu. Ngoài ra, đoàn đã trao 30 triệu đồng tiền mặt cho ban giám hiệu nhà trường để sớm gia cố, sửa chữa lại khu nhà ăn cho các em học sinh bán trú, do bị sạt lở.

Nhiều nơi chưa an toàn

Ghi nhận tình cảm các đoàn thiện nguyện, đặc biệt là sự hỗ trợ của liên Chi đoàn Báo Điện tử VietnamPlus, Báo Việt Nam News, Ban biên tập tin Đối ngoại, thầy Tình cho biết nhà trường sẽ sử dụng kinh phí vào đúng mục đích, trước mắt là gia cố lại nhà ăn cho các em học sinh bán trú của trường.

Đại diện Chi đoàn Báo Điện tử VietnamPlus trao vở cho các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Theo thầy Tình, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu có tổng số 491 học sinh (bao gồm 290 học sinh tiểu học, 201 học sinh trung học), trong đó có 230 học sinh ở bán trú ăn, ở tại trường. Tuy nhiên do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 vừa qua, một góc khu vực nhà ăn của trường đã bị sạt lở chân kè và sập mái tôn, không đảm bảo an toàn.

Thầy Tình cũng bày tỏ nỗi lo khi mỗi lần mưa to, sạt lở lại cuốn trôi mất rất nhiều đất ruộng, nương của người dân. Điều này khiến cuộc sống của người dân ở xã vùng cao A Lù vốn khó khăn càng trở nên chật vật hơn.

Thực tế trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 vừa qua, cho thấy trên địa bàn xã này có trên 30 ngôi nhà bị hỏng, 7 người chết, 7 thôn bị cô lập, nhiều thôn bị chia cắt với thôn lân cận; một số công trình trường học có nguy cơ sạt lở và trên 240 hộ dân tại các thôn có nguy cơ sạt lở phải di dời.

Thầy Tạ Duy Tình - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu cho biết hoàn lưu của cơn bão số 3 gây mưa lớn đã làm sạt lở một góc nhà ăn cho các học sinh ở bán trú của trường. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Vì thế nếu như có điều ước, tôi ước xã A Lù sẽ luôn được an toàn, bởi rất nhiều khu vực ở xã này, đặc biệt là các thôn Phìn Chải 1, Phìn Chải 2 đang nằm trong tình trạng không an toàn do nguy cơ sạt lở,” thầy Tình chia sẻ.

Thầy Tình cũng bày tỏ mong muốn Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu cần được di chuyển đến điểm khác để đảm bảo an toàn hơn, bởi hiện nay một số vị trí ở xuanh quanh trường đã và đang có dấu hiệu sạt lở, khiến các thầy, cô giáo trong trường lo lắng.

“Hiện nay 100% học sinh đang theo học tại trường là dân tộc Mông. Tôi mong muốn các em sẽ có điều kiện tốt nhất để đi học và đến trường phải được đảm bảo an toàn. Sau khi học xong trung học cơ sở, các em có thể đi học cấp 3, học nghề, đi làm công nhân để sau này có cuộc sống tốt hơn, đóng góp cho sự phát triển của A Lù, cho quê hương, đất nước,” thầy Tình nói.

100% học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu là dân tộc Mông. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Chia tay A Lù để trở về Hà Nội, nhìn nụ cười tươi vui của những em học sinh và trân trọng khi nhận phần quà thiện nguyện, nghe thầy hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu chia sẻ về điều ước giản dị cho tương lai những cô, cậu học trò của mình - các thành viên trong đoàn chúng tôi mong rằng nỗi đau ở A Lù sẽ sớm được chữa lành như những vệt nắng chiếu sáng chân trời sau những ngày bão lũ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục