Theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố, Hà Nội hiện có 9 danh mục nhà, đất phải di dời trong đợt một theo quy hoạch. Số này gồm 4 nhà máy, 2 cơ sở sản xuất, 2 kho chứa và 1 viện nghiên cứu hóa học.
Sau khi di dời, những nơi này sẽ được quy hoạch theo mục đích mới như phục vụ an ninh-quốc phòng, đường giao thông, trường học, đất cây xanh, đất hỗn hợp… Tuy nhiên trước khi biến đổi thì còn đó những tàn dư công trình mà có thể lưu trữ nhiều giá trị quý giá về lịch sử, ghi dấu quá trình biến đổi về kinh tế xã hội, công nghiệp hóa tại Thủ đô, nhưng chưa được đánh giá đúng mức.
Trên thế giới, có nhiều cách ứng xử với một công trình cũ được di dời. Công trình cũ có thể bị phá để xây mới, phục vụ mục đích mới, song có công trình được đánh giá là di sản, di tích, chỉ tái tạo một phần để cân bằng giữa những giá trị cũ và hiện đại.
Ba Lan tái thiết công trình lịch sử cung điện Saxon tại Warsaw
Hiện nay, khái niệm “di sản công nghiệp” chưa được đưa vào luật tại Việt Nam, những phương án ứng xử phù hợp với các công trình cũ vẫn đang bị để ngỏ.
Trong tháng 11 năm nay, Sở Văn hóa-Thể thao phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội đã tái sinh một phần Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (vốn không còn hoạt động trước đó) cho Lễ hội Thiết kế Sáng tạo tại Thủ đô.
Với một số nhà máy cũ đã có diện mạo mới và được ủng hộ (Nhà máy in Công đoàn tại quận Đống Đa nay là tổ hợp sáng tạo Complex 01 hay một nhà máy mũ cối cũ ở Long Biên nay là không gian thiết kế 282 Design), cùng nhu cầu có thêm không gian phục vụ sự phát triển bền vững của cộng đồng, mang mục đích giáo dục, văn hóa, giải trí… việc nhận định chính xác các giá trị để bảo tồn hay biến đổi, biến đổi như thế nào, là đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, cần có các nhà quản lý và quy hoạch, các nhà chuyên môn cùng thảo luận./.