Tái tạo, bảo vệ nguồn lợi đưa thủy sản Việt Nam phát triển bền vững

Ngành thủy sản và các địa phương chú trọng phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại và có trách nhiệm.
Mô hình nuôi cá lồng bè ở xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Những năm gần đây, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD/năm. Bên cạnh việc đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác để đảm bảo nguồn cung ứng cho xuất khẩu thì việc phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học được ngành thủy sản và các địa phương quan tâm để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại và có trách nhiệm.

Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959-1/4/2022), phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề trên.

- Xin ông cho biết, bên cạnh sự tăng trưởng ấn tượng của ngành thủy sản trong những năm qua, việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi đang được ngành triển khai như thế nào?

Ông Trần Đình Luân: Trong giai đoạn vừa qua, ngành thủy sản đã có sự phát triển chiều rộng về hoạt động sản xuất thủy sản. Bằng chứng là thủy sản Việt Nam có tăng trưởng về sản lượng, chỉ tiêu xuất khẩu. Thủy sản Việt Nam đã có một vị trí trên bản đồ thủy sản của thế giới. Tuy nhiên, giai đoạn này chúng ta đã thấy rằng là các hoạt động sản xuất, khai thác thủy sản thiếu bền vững.

Những năm qua, việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là sau khi Tổng cục Thủy sản có biên bản ký ghi nhớ với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì hoạt động này đã được lan rộng đến rất nhiều tỉnh, thành phố.

Hàng năm, việc thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản đã đi vào chiều sâu và tập trung theo những hướng dẫn của cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương để công tác thả tái tạo nguồn lợi đúng và thành công.

Việc tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng thu hút các nguồn lực tham gia. Qua các hoạt động này giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, ngư dân ven biển về việc bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ sự đa dạng sinh học.

Người dân và cộng đồng ngư dân ven biển sẽ nhận ra và hiểu rằng việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản là làm cho nguồn lợi thủy sản sinh sôi nảy nở, đảm bảo cho chính họ một sinh kế bền vững và thu nhập ngày một tốt hơn.

[Tạo nền tảng cho phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam]

Tuy nhiên, hoạt động này cũng chỉ là bước đầu. Hàng năm, ngành vẫn cần tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, nhất là những người có liên quan đến sản xuất, khai thác nguồn lợi thủy sản tham gia bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường nguồn lợi thủy sản thực chất hơn.

- Đồng bằng sông Cửu Long là trọng điểm về sản xuất, phát triển thủy sản. Theo ông, khu vực này cần có sự bảo tồn và phát huy các giá trị thủy sản như thế nào?

Ông Trần Đình Luân: Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ - CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, có sự chuyển hướng trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được ưu tiên phát triển.

Anh Trần Quang Phú tại xã An Ngãi (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) kiểm tra cá mú nuôi trong ao. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Bên cạnh những mô hình sản xuất thủy sản nước ngọt và khai thác, sản xuất ven biển thì việc tham gia tái tạo nguồn lợi, bảo vệ môi trường lại càng là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao vị thế vai trò và đặc biệt là khai thác được tiềm năng, lợi thế sản xuất thủy sản.

Như Sóc Trăng là một tỉnh có tỷ trọng phát triển nuôi trồng thủy sản rất lớn, đặc biệt là nuôi tôm. Đây cũng là một trong những sản phẩm quốc gia và đã có kế hoạch hành động để phát triển. Nhân Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam năm nay, ngành đã chọn địa phương này để tổ chức thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Qua hoạt động này để người dân Sóc Trăng cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhận thức tốt hơn về bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản để cho ngành hàng tôm phát triển tốt hơn. Từ ngành hàng tôm có thể lan rộng ra ngành hàng khác, khu vực khác.

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là một trong những việc mà phải đi song hành với bổ sung, tái tạo nguồn lợi. Ngoài việc bảo đảm, bảo vệ đối tượng thả thì việc bảo vệ nguồn lợi tự nhiên rất quan trọng. Việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi giúp cho tổng thể các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản phát triển một cách hài hòa. Môi trường, sinh kế được đảm bảo thì cộng đồng ngư dân sẽ có một đời sống tốt đẹp hơn.

- Bên cạnh các hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản thì tình trạng khai thác, đánh bắt mang tính hủy diệt một số nơi vẫn còn diễn ra. Vậy ngành sẽ có giải pháp gì để ngăn chặn tận gốc việc hủy hoại nguồn lợi tự nhiên này?

Ông Trần Đình Luân: Tổng cục Thủy sản thường xuyên phối hợp cùng với các địa phương triển khai Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; Chỉ thị số 19/CT-TTg tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg. Đánh giá chung là hàng năm các địa phương đã có sự chuyển biến nhưng sự chuyển biến rất chậm.

Ở các địa phương, chúng ta thấy đâu đó vẫn có những người ngang nhiên sử dụng kích điện, dụng cụ cấm để khai thác thủy sản trên các thủy vực, ven biển và kể cả trên biển. Việc ngăn chặn kịp thời các hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng thực thi pháp luật ở các địa hiện nay rất mỏng. Chính vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục tình trạng này, hàng năm ngành vẫn có đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng thông qua tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử phạt. Nhiều địa phương là có Ban chỉ đạo đến tận cấp xã để hướng dẫn người dân không vi phạm các quy định cấm trong lĩnh vực khai thác thủy sản.

Cùng với đó là việc nâng cao năng lực và kiện toàn đội ngũ cán bộ trong ngành thủy sản ở các địa phương trong thời gian tới. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ cho phù hợp là một trong những yêu cầu rất cần thiết kể cả về số lượng và chất lượng. Từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực thi các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy ở các địa phương, từng bước giảm các vi phạm và tiến tới là chấm dứt.

- Xin cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục