Carnival Rio de Janeiro - lễ hội lớn nhất ở Brazil và được xem là Carnival lớn nhất trên thế giới - trở lại hào nhoáng trong năm 2023 sau 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19.
Không chỉ những màn diễu hành đậm chất Mỹ Latinh, những trang phục rực rỡ sắc màu cũng là nét đặc trưng của lễ hội và được nhiều người quan tâm.
Từ mối quan tâm đó, đã 10 năm nay, giáo viên nghệ thuật Regina Coeli cùng các thành viên tại trường dạy điệu nhảy Samba từ thị trấn Capim Branco lại đến lễ hội để thu lượm và mang về "hàng núi" trang phục lễ hội bị bỏ đi sau Carnival.
[Brazil lần đầu tiên không tổ chức lễ hội Carnival Rio de Janeiro]
Để chuẩn bị cho lễ hội hàng đầu thế giới, mỗi năm, các "biệt đội thợ may" tại các trường đào tạo Samba trên toàn Brazil miệt mài may đo những bộ trang phục bằng vải sequin lấp lánh để tạo điểm nhấn quan trọng cho sự kiện văn hóa đặc trưng này.
Thế nhưng, khi sự kiện kết thúc, nhiều người tham gia diễu hành trút các lớp trang phục và bỏ lại ngay trên đường phố bởi chúng quá cồng kềnh để đưa lên xe buýt, tàu điện, tàu hỏa hay máy bay trở về nhà cùng các chủ nhân.
Do chưa có chương trình tái chế chính thức nên những trang phục đã làm nên biểu tượng của Carnival Rio de Janeiro đã qua sử dụng sẽ bị bỏ vào thùng rác nếu không có người thu gom để tái sử dụng.
Coeli cùng các đồng nghiệp ở trường dạy samba đã vượt hành trình khoảng 500km từ Capim Branco tới Rio de Janeiro để "giải cứu" những trang phục và đồ trang trí bị bỏ lại.
Trường của Coeli cũng là 1 trong những cơ sở đầu tiên phát động phong trào tái sử dụng trang phục Carnival.
Cựu giáo viên Maria Lucia de Souza nhớ lại những ngày đầu triển khai sáng kiến, các thành viên trong trường thậm chí đã lái xe tải tới Rio de Janeiro để thu gom trang phục.
Cả nhóm trải một tấm bạt trên mặt đất với tấm biển "Trường samba Capim Branco cảm ơn vì đã quyên góp."
Một thành viên trong đoàn cho biết những du khách nước ngoài thường quan tâm đặc biệt tới chương trình này bởi họ đã trả tới 500 USD để được tham gia các lễ diễu hành trong Carnival nhưng cuối cùng không biết phải làm sao để đưa những trang phục cồng kềnh về quê nhà.
Có những trang phục sẽ được giữ nguyên, nhưng có những trang phục cả nhóm sẽ lấy lại phần vải, đồ trang trí và tận dụng để tạo nên những trang phục mới.
Cũng giống như Rio de Janeiro, Capim Branco cũng tổ chức carnival địa phương nhưng với đoàn diễu hành chỉ khoảng 150 người, rất nhỏ so với con số 30.000 người tại Rio.
Đến nay, khoảng 80% trang phục carnival ở Capim Branco là sản phẩm tái sinh từ Rio de Janeiro.
Souza chia sẻ rằng với những giáo viên nghệ thuật như cô, những trang phục này là vô giá và họ đã rất sốc khi lần đầu tiên đến Rio đã chứng kiến thứ mà họ nâng niu bị quăng vào thùng rác.
Cô tin tưởng chương trình tái sử dụng trang phục còn có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường.
Theo ước tính của quỹ Retornar chuyên vận động giảm thiểu rác thải nhựa tại lễ hội, mỗi năm Carnival Rio de Janeiro thải ra khoảng 1.000 tấn rác.
Ban tổ chức Carnival Rio đã thực hiện các chương trình hạn chế rác thải, với chương trình tiên phong được triển khai trong năm nay với mục tiêu đưa Carnival trở thành một trong những sự kiện không rác thải lớn nhất hành tinh./.