Dịch bệnh COVID-19 không chỉ đã khiến hơn 33.000 người tử vong mà còn khiến nhiều hệ thống y tế hàng đầu thế giới quá tải. Thậm chí, ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều y bác sỹ ở tuyến đầu cũng đã ngã xuống vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, tại Singapore, con số y bác sỹ mắc virus chết người này ở mức rất thấp. Tờ South China Morning Post xuất bản ở Hong Kong đã đi tìm câu trả lời.
Singapore được coi là một điển hình để nhân rộng mô hình trên toàn thế giới. Mặc dù phải vật lộn với lượng bệnh nhân COVID-19 tăng vọt những tuần gần đây, trong đó hầu hết là các ca trở về từ nước ngoài, song hệ thống chăm sóc sức khỏe của đảo quốc sư tử vẫn tiếp tục hoạt động trơn tru.
Kinh nghiệm và sự chuẩn bị đã được đúc rút từ đợt bùng phát dịch SARS tại nước này năm 2003 là một trong những chìa khóa. Lúc đó, tỷ lệ nhân viên y tế nhiễm bệnh chiếm tới 41% trong số 238 ca.
Do đó, khi dịch COVID-19 bùng phát, các kế hoạch dự phòng được lập kế hoạch từ sớm. Cụ thể, bệnh viện yêu cầu các nhân viên tạm dừng nghỉ phép và du lịch sau khi các trường hợp đầu tiên xuất hiện.
Song song với đó, lực lượng lao động của ngành y được phân chia thành các đội nhỏ hoạt động luân phiên để đảm bảo không ai bị quá tải, dù tình hình chuyển biến xấu vẫn được nghỉ ngơi đầy đủ.
Singapore có 13.766 bác sỹ, nghĩa là bình quân 2,4 bác sỹ cho mỗi 1.000 người. Con số này ở Mỹ là 2,59, ở Trung Quốc là 1,78 và Đức là 4,2. Những nơi như Myanmar và Thái Lan có ít hơn một bác sỹ cho mỗi 1.000 người
“Mục tiêu là các dịch vụ thiết yếu được đáp ứng đầy đủ, đảm bảo có thiết bị dự phòng được tích hợp sẵn và tách biệt với nhau trong tình huống một nhóm bị nhiễm, cần tính toán được thời gian nghỉ ngơi và luân chuyển sức người...,” Chia Shi-Lu, một bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình cho biết.
Điều quan trọng là tỷ lệ bác sỹ trên đầu bệnh nhân được đảm bảo ở mức cao, đặc biệt là cho các ca nặng, chẳng hạn như bác sỹ và y tá cho khoa chăm sóc đặc biệt, có đủ người biết cách vận hành máy thở hoặc máy móc để bơm xoy và lọc máu bên ngoài cho bệnh nhân.
Bác sỹ cấp cứu nhi khoa Jade Kua cho biết khi khoa của cô nhận thêm các trường hợp COVID-19 thì các bác sỹ được chia thành bốn đội, mỗi đội 21 người, thay ca 12 giờ/lần và không tương tác với các đội khác.
“Chúng tôi làm việc theo nhóm nên cả đội sẽ di chuyển cùng nhau. Bạn và tôi sẽ làm ca sáng, nghỉ, làm ca đêm, nghỉ rồi lại làm ca sáng. Cùng nhau. Và các đội khác cũng làm như vậy, không chồng lấn,” Kua cho hay,.
Bác sỹ Chia từ Bệnh viện Đa khoa Singapore cho biết các bác sỹ đã được tách ra theo chức năng của họ.
“Các đội hạn chế tối đa việc tiếp xúc. Chúng tôi chỉ chào nhau từ hai đầu hành lang. Chúng tôi cũng có ‘giãn cách xã hội’ như mọi người dân,” ông cho biết. Ông Chia là cũng là nghị sỹ và chủ trì ủy ban sức khỏe của quốc hội.
Ông Chia cho biết, các bác sỹ tư cũng phải tham gia vào hệ thống chăm sóc sức khỏe chung của cả quốc gia, không được đứng ngoài cuộc.
Không phải quốc gia nào cũng có kế hoạch chu đáo như thế. Theo Chỉ số An ninh Sức khỏe Toàn cầu, trong năm 2019, có tới 70% trong số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ bị coi là không đạt năng lực quốc gia về xử lý dịch bệnh hoặc đại dịch.
Ấn Độ, với dân số 1,3 tỷ người, chỉ có khoảng 20.000 bác sỹ được đào tạo trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc đặc biệt, thuốc cấp cứu và phổi.
[Singapore ngừng mọi hoạt động giải trí, cấm tụ tập trên 10 người]
Ngược lại, Singapore đã công bố Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với đại dịch cúm đầu tiên vào tháng 6/2005, đồng thời tiếp tục mài giũa, bổ sung nó. Các bệnh viện thường xuyên có các kịch bản đối phó đại dịch hay tấn công khủng bố, cùng các mô phỏng được giám sát bởi Bộ Y tế, đánh giá hiệu suất và đề xuất các lĩnh vực cần cải thiện.
Kế hoạch cũng đề cập đến nhu cầu dự trữ thiết bị để tránh tình trạng thiếu hụt mà nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt, một bài học khác từ đại dịch SARS khi khẩu trang, găng tay và áo choàng bị thiếu.
Trong một bài viết chuẩn bị về đại dịch xuất bản năm 2008, chuyên gia y tế công cộng Singapore Jeffery Cutter đã viết rằng kho dự trữ của Singapore đủ để cung cấp tối thiểu là 5-6 tháng cho tất cả các nhân viên y tế tuyến đầu.
Trong đợt bùng phát COVID-19, công dân cũng được nhắc nhở tiết kiệm đeo khẩu trang để có thể đảm bảo nguồn cung cho nhân viên y tế.
Nỗi lo bị kỳ thị
Nhưng mặc dù có nhiều mặt tích cực, song các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Singapore đang phải vật lộn với một vấn đề khác: phân biệt đối xử.
Trong khi ở Pháp, Italy và Anh có phong trào “ban công hy vọng” (người dân mở cửa sổ vỗ tay cổ vũ các y bác sỹ), thì ở Singapore, các nhân viên chăm sóc sức khỏe lại bị coi là người mang mầm bệnh.
“Tôi cố gắng không mặc đồng phục ở nhà vì bạn không bao giờ biết những sự cố nào bạn có thể gặp phải,” một y tá Singapore nói. “Công chúng sợ hãi, bộ đồng phục của chúng tôi thực sự gây ra khá nhiều bất tiện. Một trong những nhân viên của tôi đã cố gắng thuê taxi đến bệnh viện vì có ca cấp cứu, cô ấy đã bị năm tài xế từ chối.”
Có một sự kỳ thị tương tự ở Ấn Độ, các Viện Khoa học Y tế Ấn Độ đã kêu gọi chính phủ giúp đỡ khi các nhân viên y tế của họ bị chủ nhà ép chuyển đi.
Khắp cả nước, nhiều bác sỹ bị đẩy ra đường cùng toàn bộ hành lý, không nơi nào để đi, Viện nghiên cứu nói trong một lá thư.
Tiến sỹ Lim, Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, cho biết thái độ “chỉ biết đến bản thân” của họ có thể xuất hiện trong các cuộc khủng hoảng, đây cũng là lý do tại sao các chính phủ phải can thiệp.
Phân biệt đối xử có thể ảnh hưởng đến cả hiệu suất và động lực của nhân viên y tế, Lim cảnh báo.
Trong khi đó, khi các nhân viên chăm sóc sức khỏe bị nhiễm bệnh, nó sẽ tạo ra một mối đe dọa gấp ba lần.
"Điều này có nghĩa là giảm đi một chuyên gia trong hệ thống vốn đã căng thẳng, một bệnh nhân khác phải chăm sóc và, có khả năng, một nhóm các đồng nghiệp cần được cách ly," Lim nói.
"Chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để giữ cho lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe của chúng tôi an toàn và không mắc COVID-19"- tiến sỹ Lim nhấn mạnh./.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 6 giờ ngày 30/3, tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 194 ca. Trong số này, đã có 2 trường hợp mắc COVID-19 đã được chữa khỏi, ra viện, chuyển cơ sở y tế khác theo dõi. |