Tại sao Trung Quốc xây dựng các hầm chứa tên lửa?

Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng các hầm chứa này là các trang trại gió và cáo buộc các học giả và nhà báo Mỹ đã truyền bá “thuyết về mối đe dọa Trung Quốc.”
Tại sao Trung Quốc xây dựng các hầm chứa tên lửa? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: aa.com.tr)

Theo indianexpress.com, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng ít nhất 3 hầm chứa tên lửa ở Ngọc Môn thuộc tỉnh Cam Túc, gần Hà Mật (Hami) ở Tân Cương, và tại Hanggin Banner thuộc thành phố Ngạc Nhĩ Đa Tư (Ordos) ở Nội Mông.

Có vẻ như Trung Quốc đang xây dựng khoảng 120 hầm chứa tên lửa ở Ngọc Môn, khoảng 110 hầm ở Hà Mật và 29 hầm ở Hanggin Banner. Đầu năm nay, 16 hầm chứa tên lửa đã được phát hiện trong khu vực huấn luyện Jilantai của Lực lượng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLARF), cũng ở Nội Mông.

Bãi hầm chứa tên lửa ở Ngọc Môn được phát hiện bởi các hình ảnh vệ tinh thương mại do các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí James Martin (California, Mỹ) thu được; còn bãi hầm chứa tên lửa ở Hà Mật được xác định bởi các chuyên gia hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) bằng cách sử dụng ảnh vệ tinh của Planet Labs; và bãi hầm chứa tên lửa ở Hanggin Banner được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (ở Washington DC).

Bãi hầm chứa tên lửa ở Ngọc Môn và Hà Mật giống hệt nhau, và các hầm được bố trí theo một mô hình lưới hoàn hảo, cách nhau khoảng 3 km. Một số hầm chứa còn có mái vòm. Các bãi hầm chứa tên lửa này được đặt gần các cơ sở của PLARF.

Trong vài thập kỷ trước khi phát hiện ra các bãi hầm chứa tên lửa nói trên vào năm 2021, Trung Quốc chỉ vận hành 20 hầm chứa cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu lỏng DF-5. Sau khi hoàn thành các công việc đang được triển khai, Trung Quốc có thể có 250-270 hầm chứa mới, nhiều hơn gấp hơn 10 lần con số mà nước này đã duy trì trong vài thập kỷ.

Tại sao Trung Quốc xây dựng các hầm chứa tên lửa?

Có ba cách có thể giải thích. Đầu tiên, một số nhà khoa học chính trị người Trung Quốc tin rằng đây có thể là nỗ lực của Trung Quốc để đạt được tư thế sẵn sàng phóng tên lửa ngay khi có cảnh báo (LOW). LOW chỉ việc phóng tên lửa vào kẻ thù khi phát hiện ra một tên lửa đang bay tới trước khi tên lửa của kẻ địch bắn trúng mục tiêu.

[Nguyện ước về một thế giới không còn vũ khí hạt nhân]

Chiến lược hạt nhân của Trung Quốc hầu như không thay đổi kể từ năm 1964, khi nước này lần đầu tiên phát nổ một thiết bị hạt nhân. Điều đó là do Trung Quốc đã đạt được khả năng răn đe hạt nhân thông qua việc đảm bảo sẽ có hành động trả đũa.

Yêu cầu quan trọng đối với điều này là có thể duy trì kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sau đòn tấn công đầu tiên của kẻ thù bằng vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân.

Để chuyển sang tư thế LOW, Trung Quốc sẽ phải gắn một vài đầu đạn hạt nhân vào các tên lửa, và đặt các tên lửa này trong trạng thái sẵn sàng để có thể phản ứng nhanh. Hiện tại, Trung Quốc đặt các đầu đạn và tên lửa ở trạng thái chưa sẵn sàng nhưng tách riêng theo các lệnh khác nhau.

Tài liệu Khoa học Chiến lược Quân sự năm 2013 của Học viện Khoa học Quân sự PLA lưu ý rằng Trung Quốc “có thể” đạt được tư thế LOW, và Sách Trắng Quốc phòng do Trung Quốc xuất bản năm 2015 đã đề cập đến “phản ứng nhanh.”

Trong phiên điều trần trước Thượng viện vào tháng 4/2021, Đô đốc Charles A Richard - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (Stratcom) - nói rằng “một phần lực lượng của Trung Quốc đã chuyển sang tư thế LOW."

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu xây dựng như hiện nay, các hầm chứa tên lửa không phải là bằng chứng thuyết phục về việc Trung Quốc chuyển sang LOW.

Thứ hai, các hầm chứa tên lửa giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc hiện có khoảng 350 đầu đạn hạt nhân. Hans M Kristensen và Matt Korda thuộc Dự án Thông tin Hạt nhân của tổ chức phi lợi nhuận FAS đã ước tính rằng 272 trong số 350 đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đã được phân bổ cho các lực lượng tác chiến; 78 đầu đạn còn lại được sản xuất cho ICBM di động đường bộ sử dụng nhiên liệu rắn DF-41 mới của Trung Quốc.

Trung Quốc có khoảng 150 tên lửa triển khai trên mặt đất có khả năng phóng 180-190 đầu đạn hạt nhân tới một số khu vực của Mỹ. Nếu tất cả các hầm chứa tên lửa mới đều được bố trí một tên lửa một đầu đạn, con số này sẽ tăng lên 410-440. Nếu các hầm chứa sau khi hoàn thành được bố trí tên lửa DF-41, vốn có thể mang theo 2-3 đầu đạn mỗi tên lửa - thì con số này sẽ tăng lên 930-940 đầu đạn.

Để làm được như vậy, Trung Quốc sẽ phải tăng số lượng DF-41 trong kho và tăng gần ba lần số đầu đạn hạt nhân - một điều khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Tuy nhiên, việc xây dựng các hầm chứa cho thấy các đầu đạn hạt nhân và tên lửa DF-41 của Trung Quốc có xu hướng sẽ tăng lên trong tương lai.

Phỏng đoán thứ ba là Trung Quốc có thể sử dụng những hầm chứa tên lửa này làm mồi nhử. Học giả người Trung Quốc Tong Zhao, làm việc cho Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ vì Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc lo lắng về những cải tiến trong các hệ thống phòng thủ tên lửa và các vũ khí tấn công chính xác thông thường của Mỹ, vì chúng có thể làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc.

Ông khẳng định rằng tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ đạo quân đội "đẩy nhanh việc tạo ra các khả năng răn đe chiến lược tiên tiến."

Các hầm chứa tên lửa được phát hiện gần đây có thể là một sáng kiến để tăng cường khả năng răn đe bằng cách khiến cho đối thủ phải dò đoán. Đây có thể là trò chơi đảo cốc của Trung Quốc (trò chơi 3 chiếc cốc úp ngược được liên tục đảo vị trí cho nhau và người chơi phải đoán xem cốc nào bên trong có chứa đồ), trong đó một, một số hoặc tất cả các hầm chứa có thể có tên lửa, điều này buộc kẻ xâm lược phải nhắm mục tiêu vào tất cả các hầm chứa khi chúng leo thang chiến tranh. Kẻ xâm lược sẽ phải lãng phí nhiều đầu đạn hoặc vũ khí dẫn đường chính xác chỉ để phá hủy một vài tên lửa, hoặc có thể chỉ là các hầm chứa rỗng.

Đây sẽ là một chiến lược hiệu quả về chi phí đối với Trung Quốc và cũng có thể giúp củng cố hình ảnh của nước này như một cường quốc hạt nhân thực sự và ngang hàng với Mỹ.

Mỹ phản ứng như thế nào?

Ngày 28/7, Stratcom đã đăng lại trên trang Twitter một bài báo về các hầm chứa tên lửa của Trung Quốc đăng trên tờ The New York Times và bình luận: “Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng công chúng khám phá ra những gì chúng tôi đã nói về mối đe dọa ngày càng tăng mà thế giới phải đối mặt và bức màn bí mật bao quanh nó."

Trong phiên điều trần trước Thượng viện hồi tháng 4, Đô đốc Richard cho biết Trung Quốc đang triển khai các hầm chứa ICBM trên quy mô lớn. Có khả năng Stratcom đã biết về việc Trung Quốc xây dựng các hầm chứa tên lửa trước khi chúng được các học giả phát hiện vào tháng trước bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh.

Sau khi phát hiện ra bãi hầm chứa tên lửa ở Ngọc Môn vào tuần đầu tiên của tháng 7, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói: “Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ phát triển nhanh hơn và lên mức cao hơn so với dự đoán trước đó. Động thái củng cố lực lượng này gây ra lo ngại. Nó làm dấy lên nhiều câu hỏi về mục đích của Trung Quốc.”

Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói với tờ Washington Post vào cuối tháng 6 rằng "các nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã xác thực và nói công khai về khả năng hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc, mà chúng tôi dự đoán sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn thế trong thập kỷ tới."

Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ đã dự đoán kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc - hiện được ước tính khoảng hơn 200 đầu đạn - ít nhất sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.

Trung Quốc nói gì?

Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều không có phản ứng. Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng các hầm chứa này là các trang trại gió và cáo buộc các học giả và nhà báo Mỹ đã truyền bá “thuyết về mối đe dọa Trung Quốc.”

Ấn Độ có nên lo ngại?

Nếu xem xét tách biệt riêng vấn đề này, những hầm chứa tên lửa của Trung Quốc dường như được xây dựng để tăng cường khả năng răn đe chống lại Mỹ.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, Ấn Độ nên thận trọng về sự mơ hồ hạt nhân của Trung Quốc và các tên lửa lưỡng dụng di động đường bộ tầm trung DF-26 mới nhất của nước này. 16 bệ phóng của loại tên lửa này đã được triển khai ở Korla thuộc Tân Cương trong thời gian Trung-Ấn đối đầu quân sự ở khu vực biên giới. Ấn Độ có thể là một mục tiêu tiềm năng dựa trên phạm vi tấn công của các tên lửa này và thời điểm triển khai.

Mặc dù cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cam kết tuân thủ học thuyết "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước," song khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo khiêm tốn của Ấn Độ và sự mơ hồ về hạt nhân của Trung Quốc là những vấn đề Ấn Độ quan ngại.

Thế giới nên làm gì?

Không có một lựa chọn rõ ràng nào cho Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới. Fu Cong, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, gần đây đã nói rằng Mỹ và Nga có số đầu đạn hạt nhân nhiều hơn Trung Quốc gần 20 lần, và rằng “việc mong đợi Trung Quốc cùng hai nước này tham gia vào một cuộc đàm phán nhằm mục đích cắt giảm vũ khí hạt nhân là điều không thực tế”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục