Tại sao trên đời có nhiều người tin vào các thuyết âm mưu

Tại sao nhiều người vẫn tin vào thuyết âm mưu ngay cả với những giả thuyết lố bịch nhất: Đức quốc xã sống sót nhưng đã chạy trốn lên Mặt Trăng hay có một âm mưu quốc tế đưa Obama lên ghế tổng thống?
Tại sao trên đời có nhiều người tin vào các thuyết âm mưu ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

William xứ Occam sẽ rất ghét các thuyết âm mưu. Là một triết gia kiêm thầy tu dòng Francis thuộc thế kỷ 14, William được ca tụng vì đã xây dựng "luật chi li," hay được biết đến nhiều hơn với cái tên "Dao cạo của Occam."

Theo nguyên tắc dao cạo này, lời giải thích đơn giản nhất cho một sự kiện luôn là lời giải thích xác đáng nhất: hãy "cạo" đi mọi giả định không liên quan khác xung quanh và những gì còn lại thường sẽ là sự thật.

Nhưng đó không phải là cách những người theo thuyết âm mưu nghĩ.

Họ ưa thích cách nghĩ là Barack Obama thực tế được sinh ở Hawaii, hoặc một có một kế hoạch quốc tế đã được thực hiện suốt nhiều thập kỷ để che giấu nguyên quán Kenya của ông và đưa ông ngồi vào ghế tổng thống.

Hay là  mọi bệnh viện và tổ chức y tế lớn trên thế giới đang che đậy sự thật là vắcxin gây ra bệnh tự kỷ.

Câu hỏi là, tại sao nhiều người vẫn tin chúng đến vậy ngay cả những giả thuyết lố bịch nhất - Đức quốc xã sống sót nhưng đã chạy trốn lên Mặt Trăng? Thế giới đang được bí mật điều hành bởi một tầng lớp tinh hoa mang hình dạng của loài bò sát ...

Những lời giải thích các thuyết âm mưu cũng nhiều ngang như số lượng các thuyết âm mưu vậy, nhưng có một số hình mẫu thường lặp đi lặp lại.

Những giả thuyết phổ biến nhất là những giả thuyết về các chủ đề chính trị. Như một quy tắc chung, một đảng phái hay hội nhóm nào không nắm quyền lực sẽ có xu hướng tin vào các thuyết âm mưu hơn so với một nhóm đang nắm quyền.

"Thuyết âm mưu là dành cho những kẻ thua cuộc," Joseph Uscinski, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami kiêm đồng tác giá cuốn sách năm 2014 "Thuyết âm mưu nước Mỹ" nhận định.

Uscinski nhấn mạnh rằng ông dùng từ “thua cuộc” theo nghĩa đen chứ không phải nghĩa miệt thị. "Những người đã thua một cuộc bầu cử, tốn tiền hay không đạt được sự ảnh hưởng đang tìm kiếm một điều gì đó để giải thích cho sự mất mát đó."

Hiện tượng này rất nhất quán và có thể dự đoán được ít nhất là ở Mỹ, dẫn đến việc các thuyết âm mưu nảy ra gần như cùng lúc bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống. Khi Bill Clinton còn làm tổng thống, những câu chuyện âm mưu chính bao gồm việc đối phó với cocain tại Arkansas theo kiểu Clinton và vụ ám sát người bạn kiêm người giữ bí mật của tổng thống, Vince Foster.

Khi George W. Bush tiếp quản Nhà Trắng, những thuyết âm mưu mới lại nổi lên, lần này liên quan tới phó tổng thống Dick Cheney, tập đoàn năng lượng Halliburton và công ty bảo vệ Blackwater chủ mưu chiến tranh Iraq nhằm chiếm dầu của quốc gia này.

Rõ ràng, không phải mọi thành viên của đảng thua cuộc đều tin hay đổ xô đi đọc những câu chuyện âm mưu. Đa số cũng phụ thuộc vào nhân khẩu học, với niềm tin vào các thuyết này nhìn chung tỷ lệ nghịch với trình độ học vấn và sự giàu có.

Một khảo sát cho thấy khoảng 42% người không học cấp ba tin vào ít nhất một thuyết âm mưu, trong khi con số này ở người có bằng sau đại học là 23%. Một nghiên cứu năm 2017 nhận thấy rằng bình quân thu nhập hộ gia đình của những người có xu hướng tin vào các thuyết âm mưu là 47.193 USD; trong khi con số này ở những người không tin là 63.824 USD.

"Trong trường hợp này, các thuyết âm mưu giống như những loại thuốc đắp cho cảm xúc," Joseph Parent, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame kiêm đồng tác giả với Uscinski chia sẻ. "Bạn không muốn đổ lỗi cho bản thân vì những thứ mình thiếu hụt, nên bạn đổ lỗi cho những lực lượng vô danh."

Một yếu tố nữa đóng vai trò quan trọng trong nuôi dưỡng các thuyết âm mưu là một khao khát được trở nên đặc biệt hay khác biệt - và đó là một nhu cầu hiện rõ trên các đường nhân khẩu học.

Trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 5/2017 trên tờ Nhật báo Tâm lý học Xã hội châu Âu với tiêu đề gây tò mò "Quá đặc biệt để bị lừa bịp," các đối tượng được nghiên cứu đã làm một khảo sát để đo khát khao của họ với sự đặc biệt, hoặc viết một bài luận về tầm quan trọng của tư tưởng độc lập. Với sự chênh lệch đáng kể, những người có nhu cầu cao với việc trở nên đặc biệt hay chủ yếu thể hiện điều đó qua bài luận cũng có xu hướng dễ tin vào nhiều thuyết âm mưu hơn.

"Một phần nhỏ trong thúc đẩy sự ủng hộ những niềm tin phi lý là khao khát được nổi bật trong đám đông," các nhà nghiên cứu viết.

Điều đó phần nào giải thích vì sao những bằng chứng phản bác lại các thuyết này hiếm khi thay đổi được suy nghĩ của bất kỳ người theo thuyết âm mưu nào, vì từ bỏ niềm tin đó cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ sự đặc biệt. Khi tổng thống Obama tìm cách dập tắt những lời đồn đoán về nơi sinh của ông bằng cách công khai giấy khai sinh bản rút gọn của mình, những người theo thuyết âm mưu đòi ông đưa ra bản hoàn chỉnh. Khi ông đưa ra bản hoàn chỉnh, họ lại khăng khăng rằng đó là đồ giả. "Họ cứ di chuyển chốt gôn liên tục," Uscinski nói.


[“Kiệt tác” về tin tức giả trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ]

Trong một số trường hợp, sự vô lý cùng cực của các thuyết âm mưu thực tế có thể là một nỗ lực nhằm khiến thế giới trở nên có ý nghĩa hơn. Sau một cú sốc toàn quốc - vụ ám sát tổng thống Kennedy chẳng hạn - thứ gọi là "sự thiên vị theo tỷ lệ" có thể sẽ lên ngôi, khi tâm trí chúng ta chùn lại trước ý tưởng về những lý do nhỏ bé dẫn đến những hiệu ứng to lớn.

Vậy là sự tưởng tượng về một âm mưu của CIA hay Mafia đã thay thế cho một tay súng đơn độc đã tiếp cận được tổng thống. Càng nhiều người tham gia nhóm những người tin vào thuyết này, càng ít người trong số họ có khả năng dứt bỏ nó.

"Việc gia nhập nhóm trở thành trọng tâm," Parent, giáo sư đại học Notre Dame cho biết. "Những niềm tin gần như trở thành những hình xăm của băng nhóm vậy."

Dấu vết không thể gột sạch được đó là một vấn đề. Ba hoa liến thoắng về một nhân vật cao cấp là bò sát hình người có thể khiến bạn không được mời tới các bữa tiệc tối, nhưng ngoài chuyện đó ra thì nó chẳng hại gì tới ai cả. Nhưng nếu bạn tin vào những câu chuyện hoang đường rằng vắc xin rất nguy hiểm, bạn sẽ ít có khả năng đưa con cái đi tiêm vắc xin, và lựa chọn đó có thể gây chết người.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy cách tồi tệ nhất để thay đổi suy nghĩ của đám đông theo thuyết âm mưu là chỉ trích, hay tồi tệ hơn, chế nhạo niềm tin của họ. Cách đó chỉ khiến họ rơi vào trạng thái phòng thủ, khiến họ không còn muốn thay đổi suy nghĩ của mình nữa.

Một cách có thể có hiệu quả hơn là thảo luận một cách không phán xét về những hậu quả của việc tin vào các thuyết âm mưu. Trong trường hợp vắc xin, điều này có nghĩa là cho các ông bố bà mẹ xem những hình ảnh trẻ em bị sởi, hay mô tả những tác động chết người của các bệnh tật có thể phòng ngừa.

Can thiệp sớm bằng các kiến thức thực tế cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Những trẻ em đã học về cơ chế khoa học của vắc xin hay sự nóng lên toàn cầu ít có khả năng tin vào các thuyết âm mưu khi chạm trán chúng trong tương lai.

Ngược lại, khi bị lây nhiễm vi khuẩn thuyết âm mưu trước, sẽ khó mà chữa được những tác động của nó ngay cả khi sử dụng những liều thuốc mạnh nhất sau này của khoa học. Cuối cùng, suy nghĩ của con người sẽ trở thành một tác nhân tự do và thường là phi lý, và mọi người sẽ tin vào điều mà họ muốn tin.

Tin vào sự thật có thể không dễ chịu và vui vẻ như khi tin vào những chuyện hoang đường, nhưng nó tốt hơn cho đầu óc - và tốt hơn cho cả nền văn hóa nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục