Tại sao sân bay Tân Sơn Nhất quá tải từ... trên trời xuống dưới đất?

Với diện tích có hạn và bị bao quanh bởi các khu vực dân cư đông đúc, sân bay Tân Sơn Nhất khó có thể triển khai các hạng mục cải tạo, mở rộng và nâng cấp lớn liên quan đến hạ tầng đường cất hạ cánh.
Sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Với sản lượng hành khách vượt quá công suất thiết kế, cấu trúc của hệ thống đường lăn, sân đỗ và đường cất hạ cánh được bố trí sát nhau, sân bay Tân Sơn Nhất đã bị giới hạn năng lực khai thác và quá tải từ trên trời xuống dưới đất.

Theo đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường cất hạ cánh song song, theo mô hình được xây dựng từ năm 1967 và được sử dụng theo chế độ khai thác phụ thuộc vào nhau. Tuy nhiên, do khoảng cách giữa trục tim hai đường cất hạ cánh không đáp ứng tiêu chuẩn khai thác độc lập nên chỉ cho phép duy nhất một máy bay được cất cánh hoặc hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong cùng một thời điểm.

Vào những khung giờ cao điểm có nhiều máy bay đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất, đơn vị không lưu phải áp dụng các biện pháp sắp xếp, điều tiết thứ tự của các chuyến bay cất cánh và hạ cánh một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo phân cách an toàn giữa các máy bay trên không cũng như dưới mặt đất.

“Trải qua nhiều đợt nâng cấp, mở rộng nhưng tính theo diện tích sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay chỉ còn 1/4 đến 1/5 so với thời kỳ năm 1975 do sự phát triển đô thị hóa. Diện tích có hạn và bị bao quanh bởi các khu vực dân cư đông đúc đã khiến cho sân bay Tân Sơn Nhất khó có thể triển khai thực hiện các hạng mục cải tạo, mở rộng và nâng cấp lớn liên quan đến hạ tầng đường cất hạ cánh để đáp ứng được yêu cầu hoạt động bay ngày càng tăng cao,” đại diện VATM đánh giá.

Bên cạnh đó, phía VATM nhìn nhận, cấu trúc hiện tại của hệ thống đường lăn, sân đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất phần nào cũng đang khiến cho việc di chuyển, lăn ra vào của các máy bay từ nhà ga, sân đỗ ra đường cất hạ cánh và ngược lại gặp không ít khó khăn do tính chất bố trí phần lớn các bến đỗ nằm sát nhau theo dạng xương cá về hai bên của đường lăn và các đường lăn chính chủ yếu là “độc đạo.”

Ngoài ra, các đường lăn thoát ly cho máy bay hạ cánh được thiết kế trước năm 1975 hiện nay đã không còn phù hợp với các loại máy bay mới thường có kích thước và tải trọng lớn hơn.

[Có xây mới thêm nhà ga, vẫn chưa thể 'giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất]

“Việc các máy bay thường xuyên gặp trì hoãn, chậm trễ trong quá trình đẩy lùi, di chuyển và xếp hàng để cất cánh trên mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu là do năng lực bị giới hạn bởi mô hình cấu trúc cơ sở hạ tầng đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ không phù hợp với tình hình mới để đáp ứng được nhu cầu hoạt động bay ngày càng cao,” đại diện VATM khẳng định.

Theo số liệu thống kê, sản lượng hành khách thông qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2018 đã đạt 38,5 triệu hành khách, gấp 1,5 lần và vượt xa so với công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Tổng số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt hơn 700 chuyến bay/ngày. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh hiện đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

“Tình hình tăng trưởng hoạt động bay nhanh chóng đã dẫn đến tình trạng quá tải từ trên trời cho đến đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga và sân đỗ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại một số thời điểm, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý điều hành bay của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu,” đại diện VATM thừa nhận.

Để kịp thời giải quyết vấn đề tắc nghẽn hoạt động bay trên không cũng như dưới mặt đất, VATM điều tiết các luồng không lưu không vượt quá khả năng tiếp thu của sân bay và năng lực của vùng trời, sử dụng một cách tối ưu các năng lực hiện có; giảm tiêu chuẩn phân cách, giảm trị số giãn cách giữa các máy bay hạ cánh và giữa máy bay hạ cánh với máy bay cất cánh, từ đó nâng cao được năng lực thông qua của vùng trời tiếp cận cũng như của đường cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong thời gian tới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng sẽ thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cũng như giảm tình trạng chậm trễ, trì hoãn tại sân bay Tân Sơn Nhất như xây dựng bổ sung các đường lăn song song mới với các đường lăn “độc đạo”; quy hoạch và sắp xếp lại vị trí các khu vực bến đỗ máy bay và đường lăn; đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3; đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục