Tại sao nhiều khu vực ở Algeria vẫn còn tồn tại “bản đồ rủi ro”?

Mặc dù Algeria đã tiến hành cuộc chiến chống khủng bố quy mô lớn và có hệ thống từ những năm 90 của thế kỷ trước, song mối đe dọa khủng bố vẫn luôn thường trực.
Tại sao nhiều khu vực ở Algeria vẫn còn tồn tại “bản đồ rủi ro”? ảnh 1Lực lượng an ninh Algeria. (Nguồn: Reuters)

Trong bản “Khuyến cáo du khách” cập nhật mới nhất, Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định kể từ ngày 20/8, nhiều vùng của Algeria vẫn chưa được đưa ra khỏi danh sách khu vực nguy hiểm, mặc dù đã có nhiều cải thiện về tình trạng an ninh.

Theo “bản đồ rủi ro” do Bộ Ngoại giao Pháp phát hành, các tỉnh thành của Algeria, như thành phố Oran, Tipaza và Tlemcen vẫn bị đánh dấu màu cam và màu đỏ, tương ứng với những mức độ đe dọa khác nhau. Màu cam có nghĩa là “khuyến cáo không nên đến, trừ khi có lý do bắt buộc,” còn màu đỏ là “tuyệt đối không nên đến.”

Theo Bộ Ngoại giao Pháp, mặc dù Algeria đã tiến hành cuộc chiến chống khủng bố quy mô lớn và có hệ thống từ những năm 90 của thế kỷ trước, song mối đe dọa khủng bố vẫn luôn thường trực.

Các lực lượng an ninh của Algeria luôn cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố để phát hiện các phần tử cực đoan và những phần tử hỗ trợ khủng bố đang ẩn náu và hoạt động trên lãnh thổ nước này và cả những cơ sở hậu cần...

Lực lượng chức năng đã được triển khai rộng khắp tại thủ đô Algiers và các thành phố quan trọng của Algeria. Do vậy, Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi các công dân nước này có dự định du lịch đến quốc gia Bắc Phi cần chú ý đến diễn biến thực tế của tình hình an ninh và phải tuân thủ các hướng dẫn mà chính quyền sở tại đưa ra.

Bộ Ngoại giao Pháp cũng đặc biệt khuyến cáo công dân nước này không nên đến các tỉnh biên giới của Algeria mặc dù lực lượng an ninh đã được triển khai tại đây. Nhiều hoạt động buôn lậu, phạm tội của các băng nhóm xuyên biên giới, đặc biệt là các tổ chức khủng bố đang hoành hành mạnh mẽ tại các quốc gia láng giềng.

Các tỉnh thành được khuyến cáo “tuyệt đối không nên đến” như là Jijel, Skikda (mặc dù đây là những thành phố biển tuyệt đẹp) ở Đông Bắc, Kenchela và Tebessa ở phía Đông, gần biên giới với Tunisia vì các tổ chức khủng bố thường xuyên hoạt động. Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều phần tử khủng bố tại các địa phương này.

Bộ Ngoại giao Pháp cũng khuyên công dân nước mình không nên tiếp cận khu vực biên giới Algeria-Maroc (tỉnh Tidouf) vì tại đây có các trại tị nạn của Tây Sahara - được coi là khu vực nhạy cảm về mặt chính trị và nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ về mặt quân sự.

Biên giới chung Algeria-Maroc đã bị đóng cửa kể từ tháng 8/1994 và hiện hai nước vẫn đang trong tình trạng "đóng băng" ngoại giao. Chính vì vậy, bất cứ công dân nước ngoài nào đến khu vực này đều đối mặt với khả năng bị đe dọa về tính mạng.

Tóm lại, mặc dù có rất nhiều tiềm năng và đã cố gắng để phát triển du lịch nhưng “ngành công nghiệp không khói” của Algeria vẫn khó có thể trở thành ngành kinh tế chủ chốt của đất nước này trong thời gian tới như các quốc gia láng giềng Maroc và Tunisia vì những vấn đề liên quan đến an ninh và khủng bố.

Không chỉ du khách nước ngoài lo sợ khi đến quốc gia Bắc Phi này mà chính người dân Algeria cũng lựa chọn các điểm đến nước ngoài trong mùa du lịch. Dịp nghỉ Hè, người Algeria tiêu tốn hàng tỷ USD để nghỉ dưỡng ở nước ngoài. Chính vì vậy, phát triển du lịch hiện đang là mối bận tâm sâu sắc của nhà chức trách nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục