Tại sao người biểu tình Thái Lan giận giữ phản đối nền quân chủ?

Việc tiếp cận Internet ngày càng tăng ở Thái Lan cũng cho phép những cuộc tranh luận thẳng thắn hơn về chế độ quân chủ, nhất là khi chính quyền Thái Lan không có khả năng kiểm soát hoặc lọc nội dung.
Tại sao người biểu tình Thái Lan giận giữ phản đối nền quân chủ? ảnh 1Người biểu tình tại Đại lộ Ratchadamnoen ở thủ đô Bangkok. (Ảnh: Bangkok Post)

Theo trang mạng worldpoliticsreview.com, sinh viên Thái Lan và các nhà hoạt động dân chủ đã tổ chức một chuỗi các cuộc biểu tình trong vài tháng gần đây, thu hút những đám đông lớn chưa từng thấy kể từ cuộc đảo chính năm 2014.

Đợt bầu cử năm ngoái ở Thái Lan được coi là thiên vị đối với chính đảng thân giới quân sự, bởi vậy yêu sách ban đầu của người biểu tình tập trung vào cải cách hiến pháp và tổ chức đợt bầu cử mới.

Những người biểu tình cũng yêu cầu một cuộc điều tra khách quan về những vụ bắt cóc và giết hại các nhà hoạt động chống chính phủ sinh sống ở nước ngoài. Năm ngoái, nhiều người Thái Lan bất đồng chính kiến sống tại Lào đã mất tích, và thi thể của những người khác được tìm thấy trên sông Mekong, bị moi ruột và nhét đầy bêtông.

Tuy nhiên, khi cuộc nổi dậy gần đây tiếp tục lớn dần về quy mô và lan rộng ra cả nước, thu hút cả các tổ chức giáo dục và những thị trấn ở xa Bangkok, người biểu tình bắt đầu nhắm vào “thanh ray” thứ ba của hệ thống chính trị Thái Lan là chế độ quân chủ.

Về mặt kỹ thuật, Nhà Vua Thái Lan chỉ là người đứng đầu tượng trưng theo hiến pháp, tuy nhiên trên thực tế, hoàng gia đóng một vài trò quan trọng trong chính phủ. Bất kỳ ai chỉ trích hoàng gia đều có nguy cơ chịu án tù theo luật chống phạm thượng rất hà khắc của Thái Lan cũng như Luật Tội phạm Máy tính - một luật an ninh mạng được thông qua năm 2016 bởi chính quyền quân sự. Và có rất nhiều người Thái thực sự kính trọng hoàng tộc.

Bất chấp rủi ro bị trừng phạt - nhiều nhà hoạt động đã bị bắt giữ, phần lớn với cáo buộc nổi loạn, và những người bảo hoàng thì tổ chức một đợt chống biểu tình vào cuối tháng Tám - những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ vẫn tiếp tục kêu gọi thay đổi. Quả thực, khả năng có cuộc thảo luận và thậm chí là cải tổ chế độ quân chủ ở Thái Lan dường như đang có triển vọng hơn bao giờ hết trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, khả năng xảy ra một cuộc đàn áp bằng bạo lực cũng trở nên lớn hơn bao giờ hết kể từ sau năm 2010, khi lực lượng an ninh sử dụng vũ khí sát thương để trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ, làm ít nhất 80 người thiệt mạng. Nhiều binh sỹ cũng đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ này.

[Chính trường Thái Lan lại đối mặt với làn sóng bất ổn mới]

Tại sao người biểu tình hiện nay lại nhắm vào chế độ quân chủ? Thứ nhất, có một sự tương phản giữa Nhà vua Maha Vajiralongkorn hiện nay và cố quân vương Bhumibol Adulyadej.

Lối sống xa hoa của Nhà vua Vajiralongkorn đã trở nên tai tiếng khắp Thái Lan mặc dù điều đó chưa bao giờ xuất hiện trên báo chí của Thái. Ông cũng thiếu quyền lực tinh thần và uy tín, những điều mà cha của ông đã tích lũy được trong hơn bảy thập kỷ trên ngai vàng.

Nhà vua Vajiralongkorn không được dân chúng biết đến nhiều, chưa kể đến việc ông được cho là chủ yếu sinh sống tại Đức. Chính điều này khiến các nhà hoạt động có thể dễ dàng đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của ông.

Nhà vua Vajiralongkorn khiến công luận bất bình hơn nữa khi ngày càng công khai sử dụng sức mạnh chính trị. Trước đợt bầu cử năm ngoái, ông đã trực tiếp can thiệp để ngăn việc chị gái của ông ra tranh cử thủ tướng và cố tình sửa đổi quyền lực hoàng gia trong hiến pháp. Động thái này làm mất đi hình ảnh của một vị vua lý tưởng đứng trên chính trị.

Việc bắt cóc giữa ban ngày và sự biến mất của Wanchalearm Satsaksit, một thanh niên Thái Lan bất đồng chính kiến sinh sống tại Campuchia, đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa phẫn nộ của giới sinh viên.

BBC đưa tin rằng Wanchalearm bị bắt cóc ngay khi đang nói chuyện điện thoại với chị gái, và người chị của Wanchalearm đã nghe thấy em mình la lên ở đầu dây bên kia rằng “tôi không thở được, tôi không thở được” khi những kẻ có vũ trang dường như đang tóm lấy thanh niên này.

Tại sao người biểu tình Thái Lan giận giữ phản đối nền quân chủ? ảnh 2Nhà Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn. (Nguồn: Bangkok Post)

Nhiều thanh niên Thái Lan tham gia biểu tình trong mùa Hè vừa qua đến từ những ngôi trường danh tiếng nhất đất nước. James Row viết rằng đây là một biểu hiện cho thấy giới chóp bu của Thái Lan, từng một thời ủng hộ quân đội và rất ủng hộ hoàng gia, hiện nay đã xuất hiện rạn nứt. Đặc biệt, những người Thái trẻ tuổi nổi dậy dường như không chỉ để chống lại hệ thống chính trị hiện hành, mà còn chống lại một xã hội đã lỗi thời, nơi mà quan điểm của họ không được tôn trọng.

Trước đợt bầu cử năm ngoái, đảng Tương lai mới (FFP) đã giành được sự ủng hộ của số đông tầng lớp ưu tú Bangkok. Mặc dù FFP kêu gọi cải tổ giới quân sự, song đảng này lại không hề nhắm tới nền quân chủ bởi làm như vậy có thể khiến đảng bị giải thể và lãnh đạo của đảng này sẽ bị bỏ tù.

Tuy nhiên, FFP vẫn bị giải thể bởi tòa án tối cao Thái Lan hồi tháng Hai vừa qua, có thể là nhằm “bịt miệng” đảng này. Tuy nhiên, thông điệp của những nhà cải cách thuộc FFP đã đặt nền móng cho những người hoạt động dân chủ đưa ra yêu cầu cần có một cuộc tranh luận thẳng thắn hơn về nền quân chủ trong mùa Hè vừa qua.

Đáng tiếc, nhiều người bảo hoàng thuộc tầng lớp ưu tú đã từ chối ủng hộ yêu sách của người biểu tình, bao gồm đề xuất hạn chế quyền lực chính trị của Nhà vua và hạn chế Nhà vua tiếp cận Cục Tài sản Hoàng gia, nơi quản lý khối tài sản trị giá khoảng 30 tỷ USD.

Thay vào đó, những người bảo hoàng cáo buộc các sinh viên muốn tham gia biểu tình muốn lật đổ vương quyền và gọi họ là "lomchao" - đây là một tội danh phạm thượng rất nặng. Việc gọi người biểu tình là "lomchao" nhằm tạo tính hợp pháp cho nhà nước, và có thể khuyến khích những kẻ thân giới quân sự và ủng hộ chế độ quân chủ có quan điểm cứng rắn hơn đối với người biểu tình.

Chính phủ Thái Lan đang tăng cường gây áp lực đối với những người hoạt động dân chủ trong những tuần gần đây, bắt giữ các lãnh đạo sinh viên chủ chốt và quấy rối gia đình họ. Đáp lại lời đe dọa liên quan tới vấn đề pháp lý từ chính quyền Thái Lan, Facebook đã ngăn chặn các tài khoản ở Thái Lan truy cập vào một nhóm Facebook riêng tư nổi tiếng có tên gọi Royalist Marketplace - nhóm Facebook chuyên thảo luận phê phán nền quân chủ Thái Lan và hiện có khoảng hơn 1 triệu thành viên.

Đáp lại, giới sinh viên không hề có dấu hiệu nao núng. Hai nhà hoạt động dân chủ nổi bật, Anon Nampa và Panupong Jadnok, nói rằng họ có ý định trở lại để lãnh đạo các cuộc biểu tình ngay sau khi được thả khỏi nhà tù vào tuần này. Công việc chuẩn bị cho các cuộc biểu tình lớn trên khắp cả nước vào tháng tới đang được tiến hành, bao gồm cả cuộc biểu tình được những người tổ chức dự kiến sẽ trở thành cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay diễn ra vào ngày 19/9.

Những người biểu tình đang thử thách sự kiên nhẫn của một chính quyền lãnh đạo bởi các cựu quân nhân không quen nhượng bộ. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cựu tư lệnh quân đội đã chỉ đạo cuộc đảo chính năm 2014, đe dọa rằng quốc gia sẽ “chìm trong biển lửa” vì sự chia rẽ chính trị này. Hiện nay, kết quả mang tính thực tế nhất hiện nay cho một cuộc đối đầu kéo dài là chính quyền sẽ sử dụng vũ lực để chấm dứt biểu tình.

Tuy nhiên, phong trào biểu tình, cùng với việc Nhà vua Thái Lan không được quần chúng biết đến nhiều, và thực tế là một số người biểu tình xuất thân từ các gia đình thuộc giới ưu tú, đang mở ra cánh cửa dẫn tới các cuộc đối thoại thẳng thắn hơn về nền quân chủ ở Thái Lan.

Số người sẵn lòng tham gia các nhóm chỉ trích hoàng gia trên Facebook là một chứng cớ rõ ràng nhất cho thấy những cuộc đàm luận như vậy đang ngày càng trở nên ít kiêng kỵ. Ngay sau khi nhóm Royalist Marketplace trên Facebook bị chặn ở Thái Lan, một nhóm mới đã được tạo để thay thế nhóm cũ và thu hút hơn 1 triệu thành viên chỉ trong 1 tuần.

Việc tiếp cận Internet ngày càng tăng ở Thái Lan cũng cho phép những cuộc tranh luận thẳng thắn hơn về chế độ quân chủ, nhất là khi chính quyền Thái Lan không có khả năng kiểm soát, chặn truy cập hoặc lọc nội dung giống như Trung Quốc đang làm. Sự cởi mở ngày càng tăng cùng sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong giới tinh hoa có thể khiến chế độ quân chủ bất khả xâm phạm của Thái Lan đến cuối cùng sẽ bị đưa ra xem xét./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục