Phó Chủ tịch Bamboo Airways: Chi phí đào tạo phi công sẽ giảm

'Tại sao lại không nghĩ đến việc Bamboo Airways xuất khẩu phi công?'

Dự kiến, cuối năm 2020, Bamboo Airways sẽ có các mô hình buồng lái SIM kết hợp với mua máy bay huấn luyện để đào tạo khép kín phi công ngay tại Việt Nam.
Ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways, với việc ra mắt Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways, dự kiến từ năm 2021, hãng có thể đào tạo phi công 100% ở Việt Nam và chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc gửi phi công đi đào tạo ở nước ngoài.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Tất Thắng bên lề sự kiện khởi công Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways vào chiều ngày 28/7 tại tỉnh Bình Định.

Sẽ đào tạo phi công 100% ở nội địa

- Với việc mở Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways, ông có kỳ vọng liệu sẽ trở thành trung tâm đào tạo về nhân sự ngành hàng không ở Việt Nam hay không?

Ông Đặng Tất Thắng: Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways nằm trong chiến lược phát triển của hãng khi chọn đại bản doanh tại sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định), kết hợp với việc sắp khai thác hangar [nhà để máy bay-PV] kỹ thuật đầu tiên tại Phù Cát tạo thành hệ sinh thái kết hợp và vòng tròn để đáp ứng được nhu cầu phát triển của hãng trong tương lai.

Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways chỉ là một chi nhánh Đại học FLC ở tỉnh Quảng Ninh. Bamboo Airways kỳ vọng đào tạo các tiếp viên vào cuối năm 2019.

Với quy mô 10ha được đầu tư 700 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2021, Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways sẽ đào tạo gần 3.500 học viên mỗi năm, tập trung trong các chuyên môn nghiệp vụ ngành như Phi công, Tiếp viên hàng không, Kỹ thuật, Khai thác mặt đất, Điều hành khai thác bay và các chức năng đào tạo cơ bản… cho hãng hàng không trong nước và khu vực.

[Bamboo Airways sẽ tự đào tạo tiếp viên, phi công hàng không]

Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm đào tạo về nhân sự ngành hàng không ở Việt Nam, áp dụng mô hình quản trị giáo dục hiện đại, tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng trong đào tạo như Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA), Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA)

- Nguồn nhân lực hàng không của nước ta hiện nay rất thiếu, đặc biệt là phi công. Vậy, Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways có đủ năng lực để đào tạo hoàn toàn phi công trong nước?

Ông Đặng Tất Thắng: Nguồn nhân lực hàng không hiện nay của nước ta đang rất thiếu, đặc biệt là các cơ sở đào tạo trong nước và hầu hết nguồn nhân lực phi công chủ yếu được đào tạo ở nước ngoài. Với việc ra mắt Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways hy vọng từ năm 2021 có thể đào tạo phi công chuẩn 100% ở Việt Nam.

Trước mắt, Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways sẽ cố gắng đào tạo liên tục thường xuyên cho các tiếp viên và phi công của Bamboo Airways, sau đó đến năm 2021 khi có đầy đủ cơ sở vật chất, hãng bắt đầu đào tạo hoàn toàn mới phi công từ đầu tiên đến khi hoàn thành.

- Mô hình buồng lái đào tạo các dòng máy bay được Bamboo Airways đưa về ra sao, thưa ông?

Ông Đặng Tất Thắng: Bamboo Airways đã đặt hàng Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay (SIM) mà các dòng máy bay hãng sẽ khai thác trong tương lai như A320, A321 neo, Boeing 787-9 Dreamler. Dự kiến, cuối năm 2020, Bamboo Airways sẽ có các mô hình buồng lái SIM này để triển khai ở học viện hàng không.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways sẽ làm việc với cảng hàng không Phù Cát để đặt một số máy bay huấn luyện dành cho đào tạo thực tế song song với đào tạo SIM. Nếu được, hy vọng từ đầu năm 2021 sẽ đào tạo chính thức các khóa phi công cho Việt Nam.

Nghĩ đến chuyện xuất khẩu phi công

- Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airway có kế hoạch xuất khẩu phi công trong lương lai cho các hãng hàng không khác của Việt Nam hoặc thế giới hay không?

Ông Đặng Tất Thắng: Bamboo Airways hiện nay đã có 10 tàu bay, dự kiến cuối năm nay sẽ tăng lên 22 tàu bay và trong các năm tới sẽ tăng từ 10-20 tàu bay mỗi năm. Vì vậy, nhu cầu thực hiện của Bamboo Airways là rất lớn và trước mắt sẽ đào tạo phi công nội bộ cho hãng. Có thể trong tương lai, hãng sẽ đào tạo để xuất khẩu phi công cho các hãng hàng không trong nước và  quốc tế. Tại sạo lại không nghĩ đến chuyện đó?

Hệ thống Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay (SIM) đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam Airlines cung cấp)

Đến năm 2021, chu trình đạo tạo một phi công hoàn chỉnh từ lúc ban đầu đến khi “ra lò” sẽ chiếm thời gian khoảng 1-1,5 năm. Hiện, ngành hàng không Việt Nam đang phát triển nóng, Việt Nam chưa có ngôi trường nào đủ điều kiện để đào tạo phi công vì có cơ sở vật chất đầy đủ và đồng bộ như các SIM của các dòng tàu bay đang khai thác và các máy bay huấn luyện.

- Dự kiến, một tiếp viên hay phi công đào tạo sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền? Và mức chi phí đào tạo có giảm so với việc đưa phi công ra nước ngoài đào tạo như hiện nay?

Ông Đặng Tất Thắng: Với cơ sở vật chất hiện nay, cuối năm 2019 Bamboo Airways sẽ có thể đào tạo tiếp viên từ khâu đầu đến cuối. Riêng đối với phi công, chi phí đào tạo các nước phát triển hiện nay sẽ rơi vào khoảng 50.000-100.000 USD (khoảng 1,1-2,3 tỷ đồng) cho một khóa học.

Từ đầu năm 2021,  Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways sẽ đào tạo và dự kiện chi phí đào tạo phi công trong nước sẽ giảm được khoảng 50% về chi phí ăn ở, chi phí đào tạo.

- FLC hay Bamboo Airways sẽ có chương trình hỗ trợ cho các phi công không?

Ông Đặng Tất Thắng: Hiện nay, các phi công về làm việc cho Bamboo Airway đã được hãng hỗ trợ rất nhiều về tài chính. Đương nhiên, các phi công thuộc Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways và cam kết làm việc với hãng sẽ có gói hỗ trợ tương thích từng nhu cầu của phi công.

[Sắp có trung tâm đào tạo huấn luyện phi công cơ bản tại Việt Nam]

- Ngoài Newzealand, Bamboo Airways có hợp tác với các trường đào tạo ở các nước khác hay không, thưa ông?

Ông Đặng Tất Thắng: Bamboo Airways nhận được rất nhiều lời mời về đào tạo phi công. Nhưng, hãng nhận thấy New Zealand là thị trường được đánh giá là chuẩn chỉ nhất về phi công trên thế giới hiện nay, thậm chí là còn cao hơn cả Mỹ. Với Tập đoàn FLC, Bamboo Airways chọn đối tác luôn luôn là tốt nhất để phối hợp trong chương trình đào tạo nên sẽ ưu tiên New Zealand.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục