Tại sao cần sửa đổi Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm sau 18 năm?

Theo Bộ Y tế, Chính phủ đã nhất trí đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 với kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật hiện hành.

Gia tăng ca nhập viện do dịch bệnh truyền nhiễm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Gia tăng ca nhập viện do dịch bệnh truyền nhiễm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hiện nay, sự xuất hiện liên tục của các bệnh truyền nhiễm mới như SARS, cúm A/H1N1, MERS-CoV, bệnh do virus Zika, COVID-19, đậu mùa khỉ… đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung Luật để quản lý các bệnh truyền nhiễm được linh hoạt hơn, tăng khả năng ứng phó khi có dịch bệnh mới xảy ra là vô cùng cấp thiết.

Thực tế, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã 18 năm chưa được sửa đổi, những vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất ngoài bệnh truyền nhiễm còn bị bỏ ngỏ. Đây không phải chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là vấn đề cấp bách mang tính xã hội, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà lập pháp.

Bộ Y tế cho biết tháng 6/2024, Chính phủ đã họp và ban hành Nghị Quyết số 97/NQ-CP trong đó Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ đã nhất trí đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025. Luật Phòng bệnh được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật hiện hành liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Mặc dù Việt Nam đã gặt hái được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe như tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi cũng giảm từ 33,9% năm 2007 xuống còn 18,9% năm 2022, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, rộng khắp… Tuy nhiên, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân còn nhiều khoảng trống. Mỗi người dân Việt Nam phải sống trung bình 10 năm với bệnh tật. Điều này không chỉ gây ra gánh nặng kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong khi đó, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng và chất lượng, ngân sách y tế dự phòng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Chính khoảng trống pháp lý nghiêm trọng khi Luật hiện hành thiếu hành thiếu những quy định cần thiết về dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần, quản lý bệnh không lây nhiễm - những yếu tố đang gây ra gánh nặng bệnh tật ngày càng lớn, đã tạo ra những "vùng xám" pháp lý, cản trở công tác phòng, chống bệnh tật hiệu quả.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe trên cơ sở kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã và bổ sung các quy định nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe. Luật đồng thời cũng khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội từ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đến mọi người dân và các tổ chức xã hội dân sự vào công tác dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Luật Phòng bệnh cần được xây dựng để đáp ứng các yếu tố sau: Phản ứng nhanh chóng với các thách thức mới về bệnh truyền nhiễm, linh hoạt và kịp thời thích ứng với tình hình dịch bệnh biến đổi nhanh; Bao phủ mọi khía cạnh của sức khỏe, không chỉ tập trung vào bệnh truyền nhiễm mà còn chú trọng đến dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần và bệnh không lây nhiễm; Chú trọng và nâng cao chất lượng công tác dự phòng; Đảm bảo nguồn lực tài chính, nhân lực và vật lực cho công tác phòng chống bệnh tật.

Việc xây dựng Luật phòng bệnh là một vấn đề cấp bách đòi hỏi sự quan tâm và hành động quyết liệt từ các cơ quan chức năng, để xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc cho một tương lai khỏe mạnh hơn cho người dân Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.