Theo tạp chí Foreign Affairs, toàn cầu hóa đã mất đi sức hấp dẫn ở các quốc gia giàu có, đặc biệt là trong số những người lao động có tay nghề thấp.
Chẳng hạn, trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2018, sự ủng hộ dành cho thương mại tự do đã giảm đáng kể ở Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước châu Âu, chủ yếu do sự đối địch gia tăng đối với thương mại tự do trong số những người nghèo và tầng lớp lao động.
Trong số những người lao động có tay nghề thấp ở Italy, sự phản đối thương mại tự do cũng trong khoảng thời gian đó đã tăng từ 9% lên 28%, và đã tăng hơn gấp ba lần trong số những lao động có tay nghề thấp ở Pháp.
Sự phản đối trong nhóm cử tri này đã tăng hơn gấp đôi ở Nhật Bản và Mỹ, khiến cho sự ủng hộ tổng thể đối với thương mại tự do giảm hơn 10% ở các quốc gia này.
[Lực đẩy cho các doanh nghiệp từ các Hiệp định thương mại tự do]
Sự phản đối ngày càng tăng đối với thương mại tự do đã thúc đẩy các phong trào dân túy thành công với quan điểm hướng nội, nổi bật nhất là ở Vương quốc Anh và Mỹ.
Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến sự thù địch ngày càng tăng, nhưng lý do hợp lý nhất về mặt chính trị là toàn cầu hóa đã làm tổn thương người lao động ở các nước giàu để giúp đỡ những quốc gia nghèo hơn.
Chẳng hạn ông Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, một phần nhờ vào lập luận rằng người Mỹ đang mất việc làm của họ vào tay những người lao động ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico - cái mà ông gọi là "vụ trộm việc làm lớn nhất trong lịch sử thế giới."
Bà Marine Le Pen, hiện đang đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Pháp, tuyên bố trong chiến dịch năm 2017 của mình rằng thương mại với các nền kinh tế đang phát triển “đã tàn phá các ngành công nghiệp của Pháp và châu Âu” và đã “làm mất đi hàng triệu việc làm ở châu Âu."
Đúng là các hiệp định thương mại đã tạo ra các cơ hội kinh tế ở các nước nghèo và đôi khi đã gây ra các tổn thất kinh tế trong các quốc gia giàu có.
Tuy nhiên, có điều gì đó mỉa mai về những lời phàn nàn của những người theo chủ nghĩa dân túy phương Tây rằng toàn cầu hóa đã làm tổn thương đất nước của họ và giúp đỡ những quốc gia nghèo hơn.
Nếu các nhà lãnh đạo này nghiêm túc xem xét cảm nhận của mọi người ở các quốc gia đang phát triển về toàn cầu hóa, họ sẽ nhận ra rằng người dân ở các quốc gia này cũng có cảm giác như vậy.
Như tác giả đã đề cập trong một nghiên cứu mới, sự khác biệt về mức độ ủng hộ toàn cầu hóa giữa người lao động có tay nghề cao và những người có tay nghề thấp - và khoảng cách về mức độ lạc quan mà hai nhóm cảm nhận về thương mại tự do - đã phát triển ở cả các nước nghèo cũng như các nước giàu. Do đó, sự ủng hộ tổng thể dành cho hội nhập kinh tế đang bị xói mòn.
Điều gì dẫn đến sự suy giảm sự ủng hộ dành cho toàn cầu hóa và thương mại tự do ngay cả ở các quốc gia dường như có lợi nhất từ quá trình này?
Câu trả lời rất đơn giản là ngay cả ở các nước đang phát triển, những nhân viên có tay nghề cao đã được hưởng lợi không cân xứng từ toàn cầu hóa, trong khi phần lớn tầng lớp lao động đã bỏ lỡ cơ hội.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách hứa hẹn rằng thương mại và đầu tư quốc tế sẽ mang lại sự cơ động gia tăng ở các nước đang phát triển, nhưng chỉ một phần nhỏ người lao động có tay nghề thấp thực sự thấy thu nhập của họ tăng lên đáng kể, và sự chênh lệch giữa những gì những người lao động này mong đợi và những gì thực sự xảy ra đã tạo ra sự thất vọng ngày càng tăng. Trong một số trường hợp, điều đó đã nuôi dưỡng sự oán giận công khai.
Cho đến nay, sự tức giận đã được thể hiện rõ nhất ở các quốc gia giàu có, chẳng hạn như ở Mỹ. Nhưng nếu toàn cầu hóa tiếp tục có lợi cho người giàu một cách không cân xứng, phản ứng trái chiều chắc chắn sẽ lan sang các quốc gia nghèo hơn.
Đây là một kết cục mà tất cả các quốc gia nên tránh. Bất kể những gì ông Trump, bà Le Pen và những người theo chủ nghĩa dân túy khác có thể tuyên bố, người lao động ở các nền kinh tế giàu có đã được hưởng lợi rất nhiều từ thị trường toàn cầu hóa.
Bằng cách tăng việc làm và tiền lương sản xuất trong 8 thập kỷ qua, thương mại đã giúp Mỹ vươn lên trở thành bá chủ toàn cầu trong nửa đầu thế kỷ XX và cho phép các quốc gia châu Âu xây dựng lại nền kinh tế của họ sau hai cuộc chiến tranh thế giới.
Và mặc dù thất bại trong việc phân phối của cải, các chính sách thuận lợi cho thương mại và đầu tư quốc tế đang giúp nhiều quốc gia nghèo hơn hình thành các tầng lớp trung lưu và xây dựng nền kinh tế trong nước mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để duy trì hệ thống này, các quốc gia sẽ phải làm cho nó có lợi hơn cho cả những người lao động có kỹ năng thấp ở khắp mọi nơi - và đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.
Những lời hứa chưa thành hiện thực
Hệ thống kinh tế toàn cầu không được thiết kế để hỗ trợ các nước nghèo. Sau khi phi thực dân hóa, hầu hết các quốc gia mới giành được độc lập đã ưu tiên các chính sách bảo hộ hơn là hội nhập kinh tế với phần còn lại của thế giới.
Ví dụ, sau khi giành độc lập vào năm 1947, Ấn Độ đã tăng thuế quan và thiết lập các hạn chế về vốn để thúc đẩy sản xuất ở trong nước.
Một số quốc gia ở Mỹ Latinh đã áp dụng các chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu vào những năm 1960 và 1970, hy vọng rằng thuế quan cao và chủ nghĩa bảo hộ sẽ tạo ra các tập đoàn "con cưng" có thể cạnh tranh trên toàn cầu.
Trong những năm 1970, các quốc gia công nghiệp hóa của Đông Á, chẳng hạn như Hàn Quốc, đã áp dụng các biện pháp tương tự theo mô hình công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu với nhiều thành công hơn, tạo ra các tập đoàn hùng mạnh trong nước dẫn đầu sự tăng trưởng nhanh chóng nhờ xuất khẩu.
Áp lực giảm thuế quan và mở cửa biên giới đối với nguồn vốn, hàng hóa và dịch vụ đối với các nước phương Tây đến từ Washington.
Mắc nợ và khủng hoảng tiền tệ, các nước đang phát triển không có lựa chọn nào khác ngoài việc yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Mỹ thống trị hỗ trợ tài chính. Sự giúp đỡ này có chi phí không hề rẻ một chút nào.
Để có được đầu tư nước ngoài, chính phủ ở các nước đang phát triển đã phải chấp nhận các điều kiện, cam kết thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước; giảm chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là về việc làm và bảo hiểm xã hội; và cho phép cạnh tranh quốc tế nhiều hơn.
Ấn Độ là một trường hợp điển hình: Một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán vào năm 1991 đã buộc nước này phải áp dụng các biện pháp khắc khổ để đổi lấy sự tài trợ của IMF.
Để thúc đẩy những cải cách khó khăn này, các nhà lãnh đạo đã nhận được sự hỗ trợ từ các công dân nghèo và tầng lớp lao động, những người mà phần lớn không có việc làm trong chính quyền và không được hưởng lương hưu.
Các nhà hoạch định chính sách đã hứa hẹn rằng toàn cầu hóa sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, mức lương tốt hơn và sức tiêu dùng lớn hơn cho đa số người dân thầm lặng này.
Năm 2001, để đáp ứng các yêu cầu của IMF, cựu Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee đã đề xuất các cải cách lao động mà ông cho rằng sẽ giúp các công ty sa thải người lao động dễ dàng hơn nhưng lại "bảo vệ các ngành công nghiệp và doanh nghiệp Ấn Độ bằng cách cho phép họ trở nên cạnh tranh hơn, có lợi nhuận cao hơn, phát triển nhanh hơn, và do đó sẽ sử dụng nhiều lao động hơn cả trực tiếp và gián tiếp." (Các đề xuất cải cách đó không được thông qua, nhưng một số trong đó đã được đưa vào áp dụng).
Gần hai thập kỷ sau, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã nhắc lại tuyên bố đó trong khi tìm cách thuyết phục mọi người về thỏa thuận của mình.
Để đảm bảo có được hơn 3 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào đầu năm 2018, ông Mnangagwa đã phải ban hành nhiều biện pháp khắc khổ, bao gồm cắt giảm trợ cấp nhiên liệu và điện.
Nhiều người dân đã phản đối, nhưng vị tổng thống này cam kết rằng sự đánh đổi sẽ xứng đáng. Ông nói: “Chúng tôi muốn đất nước này tiến lên phía trước. Chúng tôi muốn có việc làm cho các thế hệ tương lai.”
Ban đầu, toàn cầu hóa được thực hiện theo những lời hứa này. Các quỹ nước ngoài mới ở các nước đang phát triển đã tạo ra việc làm có mức lương tương đối cao cho thế hệ trẻ.
Các nhà máy, văn phòng công nghệ thông tin và trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại bắt đầu mở trên khắp những nước đang phát triển.
Và mặc dù không phải tất cả mọi người đều có lợi ngay lập tức, những người lao động vẫn bị mắc kẹt trong nghèo đói có thể ước mơ một cách hợp lý rằng họ sẽ sớm tìm được việc làm tốt hơn.
Trong thời gian chờ đợi, họ có thể được sử dụng hàng hóa tiêu dùng thương hiệu nước ngoài, với giá thành ngày càng phải chăng và có sẵn trong các cửa hàng địa phương.
Nhưng khi thời gian trôi qua, sự lạc quan bắt đầu mờ nhạt. Mức độ ủng hộ thương mại tự do của những người lao động có tay nghề thấp của các nước đang phát triển vẫn còn cao, nhưng rõ ràng là đang có xu hướng giảm.
Ví dụ, trong số những người được hỏi ở Nam Phi, mức độ ủng hộ đã giảm từ 88% vào năm 2002 xuống còn 76% trong năm 2018. Ở Brazil, con số này giảm từ 84% xuống còn 68%. Và ở Mexico, tỷ lệ này giảm 20%, từ 89% xuống còn 69%. Mức độ ủng hộ cũng giảm ở Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia đang phát triển khác.
Câu chuyện đằng sau sự thất vọng này sẽ quen thuộc với bất kỳ ai đã đọc về các thị trấn công nghiệp nay bị tụt hậu ở Mỹ.
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này có sự khác biệt, trong đó sự giận dữ của "tầng lớp trung lưu ở Mỹ" là do sự di dời các nhà máy, trong khi ở Brazil và Nigeria điều này là do các nhà máy chưa bao giờ được chuyển đến. Tuy nhiên, quá trình diễn ra lại giống nhau.
Ở cả hai nơi, những người lao động có tay nghề thấp đã tiếp nhận toàn cầu hóa mà không được hưởng đầy đủ những lợi ích của nó.
Chiến thuật "cho ăn bánh vẽ" này càng tồn tại lâu thì các cuộc biểu tình càng có nhiều khả năng bùng phát, lòng tin của xã hội sẽ giảm sút, và những công dân thất vọng sẽ bầu ra những người theo chủ nghĩa dân túy cơ hội, những người có quan điểm cho rằng chủ nghĩa bảo hộ là một liều thuốc chữa bách bệnh.
Trên thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy các nước đang phát triển sẵn sàng hạn chế tiếp cận thị trường của họ.
Các quốc gia nghèo đang hành động tích cực để bảo vệ lợi ích trong không gian mạng; chẳng hạn, Ấn Độ đang xem xét luật bản địa hóa dữ liệu buộc các công ty phải lưu trữ và xử lý tất cả dữ liệu thu được từ người Ấn Độ ở trong quốc gia này.
Nhiều quốc gia đang thông qua luật yêu cầu các công ty đa quốc gia đầu tư vào các dự án thực tế trong nước để đổi lấy việc tiếp cận thị trường tiêu dùng của họ.
Có thể dễ dàng thấy được sự hợp lý về mặt chính trị của những chính sách như vậy, về mặt kinh tế thì những chính sách này lại không hợp lý.
Các rào cản đối với dòng vốn, hàng hóa và dịch vụ qua biên giới các nước này xét cho cùng đã làm giảm tăng trưởng.
Nếu các quốc gia đang phát triển rút lui khỏi trật tự kinh tế toàn cầu, điều đó có thể gây ra những hậu quả thảm khốc.
Một sự rút lui như vậy nếu xảy ra thì cơn ác mộng về đứt gãy chuỗi cung ứng ngày nay sẽ trở nên nhỏ bé bởi nếu không tiếp cận được nguồn lao động và nguyên liệu với chi phí thấp, giá sản phẩm sẽ tăng mạnh, thúc đẩy lạm phát ngày càng trầm trọng.
Sự chia tác các nền kinh tế trên thế giới cũng sẽ làm chậm tăng trưởng việc làm do khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc mở rộng hoạt động. Điều này sẽ làm giảm năng suất, cản trở khả năng sáng tạo và làm giảm tăng trưởng kinh tế chung ở cả các quốc gia giàu và nghèo.
Làm thế nào để bảo vệ quá trình toàn cầu hóa?
Nhiều học giả và nhà hoạch định chính sách Mỹ, đặc biệt là những người theo sát sự trỗi dậy của những người ủng hộ ông Trump, nhận thức rõ rằng một tầng lớp lao động tức giận có thể đe dọa lợi ích của toàn cầu hóa.
Để tránh bị rơi vào chủ nghĩa biệt lập hơn nữa, nhiều người đã lập luận rằng Mỹ phải tìm ra những cách thức mới để chia sẻ những khó khăn do thương mại tự do mang lại đối với những người lao động có tay nghề thấp.
Một số người châu Âu đã đưa ra những lời kêu gọi tương tự cho quốc gia của họ. Nhưng để bảo vệ toàn cầu hóa, các nước giàu không thể chỉ hành động ở trong phạm vi đất nước họ.
Họ cũng phải đảm bảo rằng thương mại và đầu tư nước ngoài giúp những người lao động nghèo trên khắp những nước đang phát triển.
Trong một số trường hợp, điều đó sẽ đòi hỏi các nước phát triển cung cấp tiếp cận thị trường của họ tốt hơn.
Ví dụ, chủ nghĩa bảo hộ trong nông nghiệp ở các nước giàu từ lâu đã gây khó khăn cho những người lao động tay nghề thấp ở các quốc gia nghèo hơn trong việc cải thiện đời sống kinh tế.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với chủ nghĩa bảo hộ trong các dịch vụ kỹ thuật số và các chế độ quyền sở hữu trí tuệ ở các quốc gia giàu có đang bảo vệ lợi ích của các tập đoàn dược phẩm khổng lồ ở Mỹ và châu Âu.
Cả hai đều là những lĩnh vực mà các quốc gia đang phát triển ngày càng trở nên cạnh tranh, và các quốc gia giàu có thể đưa hàng triệu người ở trong và ngoài nước ra khỏi nghèo đói nếu họ không ngăn chặn các lĩnh vực này trải qua sự cạnh tranh lành mạnh từ các nhà sản xuất với chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển cũng cần phải hành động. Ở nhiều quốc gia đang phát triển, hệ thống kinh tế của họ đã làm quá ít để giúp người lao động có tay nghề thấp, và chính phủ của họ phải thực hiện những cải cách nghiêm túc.
Điều đó có nghĩa là cần phải ban hành và thực thi các chính sách tăng cường quyền của nhân viên, trừng phạt các công ty khi họ vi phạm các nghĩa vụ môi trường và xã hội, và đầu tư sáng tạo vào giáo dục và đào tạo để người lao động có thể cạnh tranh có được công việc tốt hơn và do đó, được hưởng phần lớn hơn các lợi ích đến từ đầu tư nước ngoài.
Các quốc gia đang phát triển cũng nên tránh chủ nghĩa bảo hộ, trong đó bao gồm việc không ngăn cách nền kinh tế của họ với các doanh nghiệp công nghệ bên ngoài. Công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong vài thập kỷ tới, và các nước đang phát triển không nên bị bỏ qua.
Tất cả những điều đó đều không dễ dàng. Thụt lùi dân chủ toàn cầu có nghĩa là một số lượng ngày càng lớn các chính trị gia không phải chịu trách nhiệm công khai trước công chúng, và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới chỉ quan tâm tối thiểu đến việc giúp đỡ người nghèo.
Nhiều quốc gia được kiểm soát bởi giới tinh hoa, những người tích cực phân phối lại của cải cho những người quyền lực, bao gồm cả chính họ và những người thân quen.
Và ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách có động cơ thể chế phù hợp, việc yêu cầu các quốc gia mở cửa thị trường hơn nữa là khó khăn trong kỷ nguyên dân tộc chủ nghĩa đang phản ứng dữ dội hiện nay.
Dưới ảnh hưởng của các hoạt động hành lang của các chủ trang trại, các quốc gia giàu có sẽ đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ hệ thống nông nghiệp của họ không bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh quốc tế.
Các nước nghèo thì lo sợ cơn thịnh nộ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị đe dọa bởi sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế ngày nay đã chứng minh rằng họ có khả năng thực hiện những bước đi táo bạo để chống lại sự bất bình đẳng.
Ví dụ, tất cả 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đã ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu - một hành động phối hợp chính sách mà trước đây mọi người không thể nghĩ đến - cho thấy các quốc gia có thể làm việc cùng nhau để tạo ra một xã hội công bằng hơn. Các quốc gia nên thực hiện một nỗ lực tương tự trên một loạt các lĩnh vực chính sách khác, đặc biệt là bảo vệ người lao động.
Các nhà hoạch định chính sách có thể bắt đầu bằng việc yêu cầu các công ty nhận được các hợp đồng của chính phủ tôn trọng các quyền thương lượng tập thể trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ.
Xét cho cùng tương lai của toàn cầu hóa có thể được quyết định qua việc các nhà lãnh đạo có thể nhận ra những hậu quả nghiêm trọng nếu quá trình này thất bại và nhận ra rằng cần phải hành động. Để khắc phục những nhược điểm của toàn cầu hóa cần có sự hợp tác quốc tế.
Điều đó buộc các quốc gia phải tiến hành các cải cách kinh tế và đầu tư công khó khăn, ngay cả khi phải hy sinh các lợi ích trong nước. Nếu không, những thập kỷ tăng trưởng kinh tế có thể tan biến, khi hàng tỷ người dân nghèo nhất thế giới tan vỡ giấc mơ thịnh vượng./.