Theo AFP, sau nhiều tháng gia tăng căng thẳng, Algeria ngày 24/8 đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước láng giềng Maroc, với lý do "Maroc đã không ngừng thực hiện các hành động thù địch chống lại Algeria."
Vậy tại sao đến bây giờ Algeria mới đưa ra quyết định có thể đoán trước này?
Quan hệ giữa Algeria và nước láng giềng Maroc lâu nay vẫn luôn căng thẳng, chủ yếu vì tranh chấp ở Tây Sahara. Vì thế, đường biên giới dài giữa hai nước này đã chính thức đóng lại trong hơn 25 năm qua.
Ông Pierre Vermeren, giảng viên môn lịch sử tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne và cũng là chuyên gia về khu vực Maghreb, giải thích: "Về cơ bản, hai quốc gia này đã có quan hệ tồi tệ trong một thời gian rất dài, giữa họ đã xảy ra chiến tranh, tiếp theo là xung đột biên giới ở Sahara."
Nhân tố Israel
Sự bình thường hóa quan hệ ngoại giao gần đây giữa Maroc và Israel - để đổi lại việc Mỹ công nhận "chủ quyền" của Maroc đối với vùng lãnh thổ Tây Sahara - đã làm gia tăng căng thẳng với Algeria - quốc gia ủng hộ nhiệt thành chính nghĩa của người Palestine.
Theo ông Vermeren, “đó là phản ứng chậm trễ đối với các thỏa thuận Abraham (thỏa thuận Abraham giữa Israel và một số quốc gia Arab dưới sự bảo trợ của Mỹ) và đối với sự tái hợp tác của Maroc với Israel."
Sự rạn nứt này cho phép người Algeria định hình lại chủ nghĩa dân tộc Arab đối với Pháp, Israel, vấn đề Kabylie, những người Hồi giáo, sự ủng hộ đối với Liên minh Arab, Liên minh Maghreb và đối với người Palestine."
Chuyên gia lưu ý thêm rằng thông điệp này trước hết là nhằm “đối nội," nhất là tại thời điểm mà Algeria đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị, y tế và kinh tế-xã hội.
Ngày 25/8, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Liên đoàn Arab (AL) kêu gọi Algeria và Maroc "đối thoại" và "kiềm chế."
Yaïr Lapid, người đứng đầu ngành ngoại giao Israel, trong chuyến thăm gần đây tới Maroc từng bày tỏ những lo ngại về vai trò của Algeria trong khu vực và về "mối quan hệ hợp tác của nước này với Iran."
Theo quan điểm của Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ramtane Lamamra, về mặt an ninh khu vực, “việc chính quyền Maroc đưa lực lượng quân sự nước ngoài vào chiến trường Maghreb và xúi giục người đại diện của mình đưa ra những nhận xét sai lầm và hành động ác ý chống lại một nước láng giềng đã cấu thành một hành vi nghiêm trọng và vô trách nhiệm."
Về phần mình, Israel đã bác bỏ những cáo buộc "vô căn cứ" này vào hôm 25/8. Một nguồn tin ngoại giao Israel nói với AFP: "Vấn đề quan trọng ở đây là mối quan hệ giữa Israel và Maroc rất tốt. Algeria nên tập trung vào các vấn đề của mình."
Ý nghĩa của vấn đề Kabylie
Hội đồng An ninh Cấp cao Algeria cáo buộc rằng Maroc và Israel ủng hộ Phong trào đòi quyền tự quyết Kabylia (MAK), một tổ chức theo chủ nghĩa độc lập, cũng như tổ chức bảo thủ Islamo Rachad. Hai phong trào này đều có trụ sở ở nước ngoài.
Algiers đặc biệt quy trách nhiệm cho MAK về các vụ hỏa hoạn chết người vừa qua, trong đó khiến hơn 90 người chết và đã tàn phá đất nước Algeria, cũng như vụ một thanh niên bị hành hình “kiểu linsơ” vào ngày 11/8 sau khi bị buộc tội sai về việc đốt rừng ở Kabylia.
Ông Vermeren nhận định: "Điều này có vẻ siêu thực. Trong khối Maghreb, ngay khi nảy sinh vấn đề, thì sẽ có một âm mưu. Người ta có thể bị quy kết toàn bộ trách nhiệm."
Ông Smaïl Maaref, giảng viên môn quan hệ quốc tế tại Đại học Algiers, lập luận: “Đây là phản ứng của người Algeria trước hành động của Maroc."
Ông Smaïl Maaref mô tả sự ủng hộ gần đây của Rabat đối với phong trào đòi độc lập ở Kabylia là phản ứng dành cho sự ủng hộ truyền thống của Algiers đối với những người ly khai ở Sahrawi. Tuy nhiên, đây là lằn ranh đỏ đối với người Algeria, đất nước này luôn phản đối bất kỳ mong muốn độc lập nào ở Kabylia, một vùng nói tiếng Berber ở Đông Bắc Algeria.
Phản ứng của Maroc và Pháp
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Maroc đã lấy làm tiếc về quyết định “hoàn toàn phi lý” của Algiers, đồng thời gọi đây là những lời “ngụy biện, thậm chí vô lý”. Ông Tajeddine El Housseini, giảng viên môn quan hệ quốc tế tại Đại học Mohammed-V ở Rabat, cho rằng lý do được đưa ra là "không nghiêm trọng."
Tuy nhiên, theo ông Housseini, sự rạn nứt của các mối quan hệ sẽ không có tác động ngay lập tức vì chúng đã “tan vỡ trên thực tế."
Về phần mình, Paris kêu gọi các bên "đối thoại." Theo ông Pierre Vermeren, nước Pháp, quốc gia giữ mối liên hệ chặt chẽ nhưng nhạy cảm với các nhân vật chính trong cuộc khủng hoảng này, "không được lựa chọn. Pháp không thể nổi giận với một trong hai quốc gia Maroc hay Algeria"./.