Tờ Straits Times của Singapore mới đây đăng bài viết về “tài sản trí tuệ” của Yasmine Yahya, Trợ lý Biên tập viên kinh tế.
VietnamPlus xin giới thiệu nội dung bài viết:
Tài sản trí tuệ (IP) không phải chỉ đề dành cho các nhà lập trình hay luật sư. Các công ty có khả năng sở hữu các tài sản trí tuệ có thể kiếm rất nhiều tiền. Giống như một công ty có nhiều dữ liệu đã được bán với giá gấp 32 lần lợi nhuận hoạt động của chính công ty đó.
Đối với nhiều người, cụm từ “tài sản trí tuệ” (IP) có lẽ sẽ chỉ gợi lên trong đầu họ một vài đoạn quảng cáo hay khuyến cáo mỗi khi đến rạp chiếu phim thời gian qua rằng việc sao chép bất hợp pháp các bộ phim là điều rất “ghê sợ.” Hay thậm chí có lẽ ai đó sẽ nhớ đến một vài vụ việc nghiêm trọng liên quan đến công ty, tập đoàn lớn hoặc một nghệ sỹ nổi tiếng đòi hỏi quyền sở hữu đối với sản phẩm trí tuệ hoặc ý tưởng của họ.
Giống như khi Apple Inc đăng ký thành công bản quyền một bằng sáng chế hay khi danh ca Taylor Swift đăng ký bản quyền thương hiệu đối với các cụm từ như là “Rất vui được gặp bạn, bạn đã ở đâu vậy?” trong các bài hát của cô.
Điều đó là đúng. Cô Swift có thể kiện bạn nếu bạn sử dụng cụm từ “This sick beat (Nhịp điệu bệnh hoạn này)” trong một bài hát, biển quảng cáo, ápphích, hay thậm chí trong cả một miếng dán hình xăm có thể xóa được, khi chưa được cô ấy cho phép.
Tóm lại, IP dường như là một thứ rất dữ dằn, ghê gớm không thể đùa đối với các doanh nghiệp đa quốc gia, các rạp hát lớn và những người có kiến thức luật pháp sâu sắc.
Tuy nhiên, Chính phủ Singapore hiện đang muốn mọi người hiểu một điều: IP có mặt thực sự tích cực của nó. Trên thực tế, ta sẽ thực sự thích thú với điều này nếu tìm hiểu về IP sâu hơn nữa.
Hai tuần trước, ông Daren Tang, Chủ tịch điều hành Văn phòng Tài sản Trí tuệ Singapore (Ipos), nói: “Cần phải dừng việc cho rằng IP chỉ liên quan đến khía cạnh kỹ thuật và luật pháp mà vốn là nỗi lo ngại đối với những ai không phải là luật sư hoặc không thuộc về lĩnh vực IP kỹ thuật... Chúng ta cần phải đảm bảo rằng mọi người hiểu rõ IP có vị trí, vai trò quan trọng có tính chiến lược đối với hoạt động kinh doanh. Chúng tôi muốn các chủ doanh nghiệp không phải băn khoan, lo lắng về IP.”
Phát biểu trên của ông Tang được đưa ra trong sự kiện công bố giai đoạn phát triển mới của IP Singapore, trong đó có việc thành lập Quỹ Sáng tạo Makara trị giá 1 tỷ USD, nhằm đầu tư cho các công ty, doanh nghiệp có tính sáng tạo với khả năng cạnh tranh về IP trên toàn cầu.
Theo quan điểm của ông Tang, vai trò của IP trong nền kinh tế toàn cầu đang trở nên ngày càng quan trọng khi mà các công ty có khả năng đổi mới và phát kiến hiện không chỉ tiến hành kinh doanh thương mại hàng hóa mà còn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, ý tưởng, công nghệ và dữ liệu.
Khi Kodak lỗi thời, ứng dụng Instagram lại đang được ưa chuộng. Uber, công ty taxi lớn nhất thế giới, hiện chẳng sở hữu bất kỳ chiếc xe ôtô nào. Công ty Razer của Singapore, với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD và buôn bán các phần cứng máy vi tính phục vụ chơi game, hiện cũng không sở hữu đất, nhà xưởng hoặc phát minh sáng chế nào. Những gì mà công ty này có, theo quan điểm của ông Tang, đó chính là danh mục hơn 1.000 tài sản IP - gồm thương hiệu, mẫu mã thiết kế và bản quyền. “Razer hiện sử dụng IP không chỉ để bảo hộ, bảo đảm và bảo vệ mà còn nhằm để phát triển, sở hữu để lớn mạnh hơn.”
Và trong bối cảnh Singapore hướng tới tương lai, nhiều công ty cũng sẽ hoạt động như vậy.
Bản báo cáo tháng Hai vừa qua của Ủy ban Kinh tế Tương lai (CFE) cũng nhấn mạnh vấn đề này, khẳng định nền kinh tế nào tạo ra, bảo vệ và phổ biến IP tốt sẽ trở nên sáng tạo và có khả năng cạnh tranh cao.
Ông Tang mô tả một chu trình IP lành mạnh trong một công ty hay một quốc gia như sau: Những ý tưởng được nghiên cứu kỹ lưỡng trở thành các tài sản trí tuệ, các IP này được hiện thực hóa thành các sản phẩm và dịch vụ và được đưa ra thị trường, tạo ra nguồn thu, những nguồn lợi này sau đó được đầu tư ngược trở lại quá trình R&D (nghiên cứu và phát triển) và tiếp tục tạo ra IP mới.
“Singapore đã làm rất tốt một nửa giai đoạn đầu của chu trình đó, chúng tôi đã xây dựng được một môi trường sinh thái R&D to lớn trong 20 năm qua và trở thành quốc gia hàng đầu về IP ở châu Á. Tuy vậy, chúng tôi cần phải tập trung vào giai đoạn còn lại của chu trình này, là việc thương mại hóa IP,” ông Tang khẳng định.
Vấn đề cần quan tâm là "làm thế nào để có thể chuyển đổi những tài sản IP thành các sản phẩm có thể đưa ra thị trường và thành lập các công ty, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế?”
Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Tang, phải đảm bảo thực hiện đồng bộ ba điểm:
- Xây dựng một đội ngũ các chuyên gia về IP với kiến thức sâu rộng về luật pháp, công nghệ và kinh doanh, những người có thể giúp các công ty nhận ra và khai thác các tài sản vô hình của họ cũng như đưa ra định hướng chiến lược phù hợp về IP,
- Thay đổi nhận thức chung đối với IP. Đây không phải chỉ là quyền lợi hợp pháp cần được bảo vệ và tôn trọng, mà còn là chiến lược kinh doanh, và
- Đưa các chuyên gia tài chính, các chuyên gia về IP, luật sư và các chuyên gia khác ngồi lại với nhau để giúp chu trình sáng tạo được thông suốt.
Sự kiện diễn ra cách đây hai tuần của Ipos cũng đã cho thấy cơ quan này đang tiến hành những bước đầu tiên hướng tới mục tiêu đó. Ipos và Bộ Tư pháp Singapore đã có điều chỉnh và nâng cấp Quy hoạch tổng thể trung tâm về IP. Quy hoạch này nhằm mục tiêu tăng gấp đôi các chuyên gia giỏi về IP tại Singapore lên con số 1.000 người, đồng thời đào tạo nhiều hơn nhân công chuyên làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến IP.
Bộ phận liên kết với các doanh nghiệp của Ipos, IP ValueLab, đã bắt đầu phối hợp với viện nghiên cứu EverEdge, đặt mục tiêu tiếp cận hơn 150 công ty địa phương trong vòng ba năm tới để đem đến sự hỗ trợ mạnh mẽ và cần thiết đối với các vấn đề này - chiến lược, quản lý và thương mại hóa IP - giúp các công ty này thực hiện các kế hoạch mở rộng dài hạn.
Trong khi đó, quỹ Sáng chế Makara sẽ đầu tư từ 30-150 triệu USD cho 10-15 công ty mới có tiềm năng tăng trưởng cao và sở hữu các công nghệ có tính cạnh tranh toàn cầu, giúp họ sử dụng Singapore làm bệ phóng vươn ra tầm khu vực.
Nhiều sáng kiến sẽ tiếp tục được đưa ra
Bản báo cáo tháng Hai của CFE khuyến nghị việc hoàn thiện tiêu chuẩn hóa chu trình IP cho các cơ quan công quyền và các nhà nghiên cứu được đầu tư công khai sẽ làm đơn giản hơn tiến trình thương mại hóa vấn đề này.
Hiện đã đến thời điểm để người Singapore vượt qua được nhận thức đơn giản về IP như là việc băn khoăn khi xem một bộ phim sao chép trái phép hay vi phạm bản quyền.
Nếu những động thái trên là chỉ dấu đáng chú ý nào đó, thì có lẽ không còn lâu nữa IP sẽ trở thành xu hướng tiếp theo để tập trung đầu tư./.