Tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc đối diện với rủi ro địa chính trị?

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2021, tài sản tài chính ở nước của Trung Quốc là 9.324,3 tỷ USD, nợ nước ngoài 7.341 tỷ USD, tài sản ròng ở nước ngoài là 1.983,3 tỷ USD.
Đồng Nhân dân tệ và đồng USD. (Nguồn: Bloomberg)

Theo báo HK01 của Hong Kong (Trung Quốc), cùng với sự bùng nổ của xung đột Nga-Ukraine, các nước phương Tây do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu triển khai trừng phạt tài chính đối với Nga, rủi ro địa chính trị mà hệ thống tài chính quốc tế đối diện gia tăng đáng kể.

Nga bị tổn thương nghiêm trọng, lượng dự trữ ngoại hối trị giá gần 300 tỷ USD bị đóng băng, phần lớn các tổ chức tài chính bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

Biện pháp trừng phạt “phi quốc gia hóa” loại bỏ Nga ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế này đã ảnh hưởng sâu rộng vào hệ thống kinh tế và tài chính của Nga.

[Mỹ: Giảm thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc là giải pháp đáng cân nhắc]

Liệu Trung Quốc có đối diện với mối đe dọa liên quan đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga hay không? Tất cả các sức ép cần được Trung Quốc đánh giá và ứng phó ở cấp độ chiến lược và chiến thuật.

Về phương diện Mỹ, bao gồm Tổng thống Joe Biden, các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính đều nhiều lần đe dọa nhấn mạnh, nếu Trung Quốc giúp đỡ Nga tránh các biện pháp trừng phạt thì sẽ đối diện với hậu quả nghiêm trọng.

Động thái “vũ khí hóa” hệ thống tài chính quốc tế này trên thực tế đồng nghĩa với ảnh hưởng của rủi ro địa chính trị trong hệ thống tài chính quốc tế hiện nay đang liên tục gia tăng, đồng thời thúc đẩy hơn nữa xu hướng địa chính trị hóa tiền tệ quốc tế.

Gần đây Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương, mọi người đã nhìn thấy tình cảnh mà Nga đối diện hiện nay, nhìn thấy sức mạnh của đồng minh và quan hệ đối tác của Mỹ, nhìn thấy tầm quan trọng của USD, euro đối với các hoạt động giao dịch, với tư cách là công cụ áp đặt các biện pháp trừng phạt khiến Nga phải trả giá đắt.

Đồng thời bà Yellen cho rằng việc thay thế USD để trở thành đồng tiền dự trữ chính của nền kinh tế toàn cầu sẽ cần thời gian rất dài.

Bà Janet Yellen đặc biệt nhấn mạnh cuộc xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã làm nổi bật vai trò then chốt của Trung Quốc.

Bà Yellen nói rằng: “Từ nay trở đi, các vấn đề kinh tế sẽ ngày càng khó tách khỏi những cân nhắc lợi ích quốc gia rộng lớn hơn, bao gồm an ninh quốc gia. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc áp dụng hành động quyết đoán đối với Nga, phản ứng của Trung Quốc về lời kêu gọi áp dụng hành động quyết đoán đối với Nga của chúng tôi rất có thể sẽ ảnh hưởng đến thái độ của thế giới với Trung Quốc, cũng như sự sẵn sàng tăng cường hội nhập kinh tế của Trung Quốc.”

Sau quá trình phát triển nhiều thập kỷ, Trung Quốc không những tăng trưởng kinh tế nhanh mà còn tích lũy được khối lượng tài sản ở nước ngoài với quy mô lớn.

Theo số liệu của Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc, tính đến cuối năm 2021, tài sản tài chính ở nước của Trung Quốc là 9.324,3 tỷ USD, nợ nước ngoài 7.341 tỷ USD, tài sản ròng ở nước ngoài là 1.983,3 tỷ USD.

Nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt, tài sản tài chính ở nước ngoài của Trung Quốc sẽ đối diện với khả năng bị đóng băng và tịch thu. Đương nhiên, Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp mang tính mục tiêu. Tuy nhiên, do tài sản và nợ không tương xứng, nên thiệt hại mà Trung Quốc đối diện có thể vượt quá con số 1.980 tỷ USD tài sản ròng.

Trong cơ cấu tài sản tài chính ở nước ngoài của Trung Quốc, tài sản đầu tư trực tiếp 2.581,9 tỷ USD, tài sản đầu tư chứng khoán 979,7 tỷ USD, tài sản công cụ phái sinh tài chính 15,4 tỷ USD, các tài sản đầu tư khác 2.320,5 tỷ USD, tài sản dự trữ 3.426,9 tỷ USD, lần lượt chiếm tỷ lệ 28%, 11%, 0,2%, 25% và 37% tài sản tài chính ở nước ngoài.

Trong cơ cấu nợ nước ngoài, nợ đầu tư trực tiếp 3.623,8 tỷ USD, nợ đầu tư chứng khoán 2.155,4 tỷ USD, nợ công cụ phái sinh tài chính 10,3 tỷ USD, các loại nợ đầu tư khác 1.551,6 tỷ USD, tương ứng với các tỷ lệ lần lượt là 49%, 29%, 0,1% và 21% nợ nước ngoài.

Trong cơ cấu tài sản đầu tư trực tiếp, do khó trực tiếp quy đổi thành tiền mặt, một phần đáng kể được đầu tư vào các nước kém phát triển trong khuôn khổ các dự án thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), mặc dù tổn thất sổ sách trực tiếp khi bị trừng phạt có thể không lớn, nhưng tổn thất thực tế có thể lớn hơn nhiều.

Bộ Thương mại từng công bố “tài sản” lũy kế đầu tư trực tiếp ở nước ngoài của Trung Quốc, với số liệu cho thấy, tính đến cuối năm 2020, 28.000 nhà đầu tư trong nước của Trung Quốc đã thành lập 45.000 doanh nghiệp đầu trực tiếp nước ngoài ở bên ngoài, phân bổ ở 189 quốc gia/khu vực trên toàn cầu.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp ở nước ngoài là 7.900 tỷ USD vào cuối năm 2020, lũy kế đầu tư trực tiếp ở nước ngoài là 2.580,66 tỷ USD.

Tính đến cuối năm 2020, tổng lao động các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc là 3,613 triệu người, trong đó có 2,188 triệu lao động nước ngoài, chiếm 60,6%.

Năm 2020, các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc nộp 44,5 tỷ USD tiền thuế cho các quốc gia/khu vực đầu tư.

Nếu tính toán tổn thất thực tế, theo ước tính của trung tâm nghiên cứu ANBOUND, tổn thất tài sản đầu tư trực tiếp ở bên ngoài của Trung Quốc sẽ vào khoảng 3.000 tỷ USD, chỉ đứng sau tổn thất tài sản dự trữ.

Tương tự, tài sản đầu tư chứng khoán ở nước ngoài của Trung Quốc gần 1.000 tỷ USD cũng sẽ nằm trong vòng nguy hiểm bị trừng phạt.

Đương nhiên, Trung Quốc cũng có thể áp dụng các biện pháp có đi có lại để hạn chế và đóng băng tài sản thực và tài sản chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, nhưng nếu làm như vậy thì Trung Quốc và phương Tây sẽ hoàn toàn “chia tay.”

Trong bối cảnh Mỹ và EU áp đặt các lệnh trừng phạt, tài sản dự trữ chính thức khổng lồ của Trung Quốc đối diện với rủi ro cao nhất.

Trong số 3.400 tỷ USD tài sản dự trữ, ngoại trừ vàng, vị thế dự trữ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và quyền rút vốn đặc biệt (SDR), dự trữ ngoại hối gần 3.200 tỷ USD, bao gồm 1.100 tỷ trái phiếu kho bạc Mỹ có thể đối diện với tình huống bị trực tiếp đóng băng trong các lệnh trừng phạt tài chính.

Do đó, Trung Quốc sẽ đối diện với thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với việc đảm bảo an toàn cho dự trữ ngoại hối.

Reuters dẫn nguồn tin cho biết, gần đây các cơ quan giám sát tài chính bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã tổ chức hội nghị nội bộ các nhà lãnh đạo cấp cao ngành tài chính trong và ngoài nước để thảo luận vấn đề Trung Quốc ứng phó với biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ và các nước phương Tây.

Các cơ quan giám sát tài chính của Trung Quốc lo ngại nếu xảy ra xung đột quân sự trong khu vực hoặc các khủng hoảng khác, thì Mỹ có thể sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt tương tự với Trung Quốc.

Đối với việc làm thế nào để bảo vệ tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là 3.200 tỷ USD dự trữ ngoại hối, báo cáo nhấn mạnh không có đại biểu nào đưa phương án giải quyết tốt tại hội nghị của ngân hàng Trung ương.

Một số người cho rằng, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc chưa chuẩn bị tốt cho kịch bản tài sản bị đóng băng hoặc loại khỏi hệ thống SWIFT.

Đại diện một số ngân hàng kiến nghị PBoC có thể yêu cầu các nhà xuất khẩu chuyển đổi tất cả thu nhập ngoại hối thành nhân dân tệ để tăng cường lượng nắm giữ USD ở trong nước.

Trước mắt cho phép các nhà xuất khẩu giữ lại một phần thu nhập ngoại hối để sử dụng trong tương lai.

Một số người đề xuất, có thể giảm mạnh hạn ngạch hoán đổi 50.000 USD/năm mà công dân Trung Quốc có thể sử dụng để chi tiêu cho các chuyến du lịch nước ngoài, giáo dục và các khoản mua sắm bên ngoài khác.

Đối với khả năng liệu có thể đa dạng hóa đầu tư thành tài sản bằng đồng yen hoặc euro nhiều hơn hay không, một số đại diện ngân hàng tham dự hội nghị cho biết điều đó không thực tế.

Kinh tế Trung Quốc có sức ảnh hưởng phổ biến và sâu rộng hơn trên toàn cầu so với trước đây, và đối với phương Tây, nếu trừng phạt tài chính Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi gây nên những tổn thương sâu sắc cho chính mình.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. (Nguồn: fxweek.com)

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên địa chính trị dẫn dắt thế giới và giữa bối cảnh Mỹ và EU chi phối hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế, sẵn sàng chịu những tổn thương này trong kịch bản cực đoan, thì chính phủ và các cá nhân Trung Quốc khó tránh khỏi những tổn thất nặng nề.

Trung Quốc cần ứng phó với mối đe dọa tương tự này như thế nào?

Đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi một loạt nghiên cứu và quyết sách trải dài từ chiến lược đến sách lược và chính sách.

Nói một cách đơn giản, khả năng tốt nhất đương nhiên là không để bị động về mặt chiến lược, tránh rơi vào kịch bản cực đoan bị trừng phạt, bị thù địch và thậm chí dẫn đến chiến tranh.

Nếu không thể thay đổi môi trường đối đầu, thì cần phải ứng phó từ nhiều phương diện, một mặt Trung Quốc cần tăng cường các sức mạnh cứng như kinh tế, quân sự, chính trị…, đồng thời duy trì sự cởi mở với thế giới, tăng cường sức ảnh hưởng địa chính trị của mình.

Mặt khác, Trung Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng, thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, gia tăng khối lượng cung ứng nhân dân tệ ở bên ngoài để làm thuyên giảm áp lực có thể xảy ra trong tương lai.

Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần đánh giá những rủi ro bên ngoài có thể đối diện và áp dụng biện pháp hạ thấp rủi ro để giảm thiểu tổn hại trực tiếp có thể gây ra.

Xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đối với Nga đã làm gia tăng rủi ro địa chính trị của hệ thống tài chính quốc tế.

Việc “vũ khí hóa” hệ thống này mang lại những mối đe dọa trước mắt và lâu dài với Trung Quốc, khiến cho khối tài ở nước ngoài được tích lũy trong thời gian dài của Trung Quốc đối diện với rủi ro địa chính trị rất lớn.

Đứng trước môi trường địa chính trị bất lợi kéo dài trong thời gian tới, Trung Quốc cần phải tiến hành nghiên cứu chiến lược hệ thống để tìm ra phương án ứng phó thích hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục