Tai nạn thảm khốc ở Hải Dương: Cần 550 tỷ đồng làm đường gom, cầu vượt

Tỉnh Hải Dương kiến nghị bố trí nguồn kinh phí để làm các đường gom chạy song song với đường sắt và cầu vượt tại nút giao nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tai nạn thảm khốc ở Hải Dương: Cần 550 tỷ đồng làm đường gom, cầu vượt ảnh 1Lối lên xuống cầu vượt lại dẫn người đi bộ xuống thẳng lòng Quốc lộ 5 một cách rất... bất hợp lý (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Hải Dương làm 8 người chết vào ngày 21/1 vừa qua, tỉnh Hải Dương kiến nghị bố trí nguồn kinh phí để làm các đường gom chạy song song với đường sắt và cầu vượt tại nút giao nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

Qua kiểm tra hiện trường vụ tai nạn giao thông trên, Công an tỉnh Hải Dương thấy có rất nhiều bất cập trong kết cấu hạ tầng giao thông cũng như tổ chức giao thông tại vị trí xảy ra vụ tai nạn giao thông.

[Tai nạn thương tâm ở Hải Dương: Chiếc cầu vượt mà biết nói năng ...]

Cụ thể, tại vị trí xảy ra tai nạn, tuyến Quốc lộ 5 chạy song song và ngay sát với tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, đồng thời tuyến đường sắt lại liền kề với sân vận động, gần khu vực Trường tiểu học, Trung học cơ sở xã Kim Lương và đường giao cắt vào nghĩa trang xã Kim Lương (huyện Kim Thành) hàng ngày có rất nhiều học sinh và người dân đi qua, không có đường gom dành cho người đi bộ để đấu nối với cầu vượt sang đường. Vì vậy, đoàn người đi bộ bị tai nạn phải đi vào phần đường dành cho xe thô sơ, dẫn đến vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, tại địa bàn huyện Kim Thành có 17km Quốc lộ 5 và tuyến đường sắt quốc gia Gia Lâm-Hải Phòng chạy sát song song với Quốc lộ 5 đi qua (gồm các xã Cộng Hòa, Cổ Dũng, Tuấn Hưng, Kim Xuyên, Phúc Thành, thị trấn Phú Thái, Kim Lương).

Bên cạnh đó, trên đoạn tuyến này có 130 lối đi dân sinh và 15 đường ngang đấu nối từ các công trình công cộng của địa phương (trường học, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, nghĩa trang… đường huyện, xã, thôn, xóm và các lối đi của các hộ dân sinh sống cạnh đường sắt đi cắt ngang qua đường sắt trực tiếp ra Quốc lộ 5 (toàn tuyến qua địa bàn tỉnh Hải Dương có 170 lối đi dân sinh và 36 đường ngang).

Trước nguy cơ có thể xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng với tàu hỏa hoặc với phương tiện đường bộ trên Quốc lộ 5, vào các năm 2013 và 2017, tỉnh Hải Dương đã báo cáo và đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ kinh phí xây dựng đường gom để xóa bỏ 99/130 lối đi dân sinh cắt ngang qua tuyến đường sắt Gia Lâm-Hải Phòng đấu nối trực tiếp với Quốc lộ 5, nhưng đến nay Bộ Giao thông Vận tải chưa có kinh phí để thực hiện.

Từ các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tỉnh Hải Dương báo cáo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải bố trí cho địa phương 550 tỷ đồng để xây dựng 4,93km đường gom với kinh phí 150 tỷ đồng và xây dựng cầu vượt tại nút giao Km50+630 Quốc lộ 5 với số tiền 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương.

Được biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI)-đơn vị quản lý đường bộ thực hiện việc sửa chữa cấp bách các công trình an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5.

Trước mắt, VIDIFI sửa chữa ngay công trình an toàn giao thông như sơn vạch kẻ đường (bị mờ, ưu tiên vạch phân chia các làn xe, vạch giảm tốc, vạch người đi bộ và các vạch khu vực nút giao, bổ sung vạch nối các đoạn ngắt dải phân cách giữa); đinh phản quang và biển báo hiệu đường bộ (trong đó có biển phân làn đường để sửa chữa, bổ sung cho phù hợp, rõ ràng). Thời gian hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2019. Sau Tết, đến hết quý 1, VIDIFI hoàn thiện các hạng mục khối lượng còn lại.

[Sửa chữa cấp bách Quốc lộ 5 sau vụ tai nạn thảm khốc Hải Dương]

Do tính chất cấp bách, Tổng cục Đường bộ yêu cầu VIDIFI tổ chức thực hiện, thi công ngay; giao Cục Quản lý đường bộ 1 cử cán bộ phối hợp cùng VIDIFI, tư vấn thiết kế đi kiểm tra hiện trường xác nhận các vị trí thực hiện để quyết định tại hiện trường làm cơ sở thi công.

“Nguồn vốn kinh phí thực hiện việc sửa chữa cấp bách các công trình an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 được bổ sung vào phương án tài chính của VIDIFI,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng giao Vụ An toàn giao thông, Cục Quản lý đường bộ 1, VIDIFI phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và chính quyền các địa phương kiểm tra hiện trường, rà soát công tác tổ chức giao thông các cầu vượt, thống nhất các đoạn đường có mặt bằng và xây dựng đường gom (đặc biệt khu vực cầu vượt) trong tháng Hai để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục