Tai nạn lao động - nỗi đau dai dẳng của xã hội: Nguyên nhân do đâu?

Tai nạn lao động là nỗi ám ảnh không chỉ của những nạn nhân bị tai nạn, mà người thân của họ cũng đau đớn khôn cùng. Nhiều người ra đi vĩnh viễn, có người còn sống cũng mang thương tật suốt đời.
Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động. (Nguồn: Mgc)

Vào tháng 4/2022, trong lúc làm việc, chị L.T.N., nữ 36 tuổi, người dân tộc Lào ở Tam Đường, Lai Châu, bị tai nạn, tóc bị cuốn vào máy làm giấy.

Sau tai nạn, toàn bộ da đầu của chị N. bị giật đứt rời cùng với hai tai và hai mí mắt trên. Chị N. được sơ cứu tại bệnh viện địa phương và chuyển luôn đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Chị N. nhập viện trong tình trạng tỉnh, mạch nhanh, huyết áp thấp, vùng đầu được băng dày nhiều lớp nhưng vẫn chảy máu nhiều do diện lột da quá lớn, mảnh da đầu cùng hai tai và hai mi mắt trên bị lột đứt rời hoàn toàn đã được bảo quản lạnh.

Các bác sỹ cho biết đây là ca phẫu thuật phức tạp, thời gian mổ kéo dài tới gần 10 giờ đồng hồ nên cần phải đủ các yếu tố về nhân lực và vật lực cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và đồng đều giữa các chuyên khoa trong bệnh viện.

[Tai nạn lao động gây thiệt hại hơn 14.100 tỷ đồng và 143.000 ngày công]

Sau phẫu thuật 8 tháng, chị N. đã được các bệnh viện cứu thành công toàn bộ da đầu, 2 tai, 2 mi mắt và đã quay lại với cuộc sống bình thường.

Dù đã quay trở lại với cuộc sống nhưng nỗi ám ảnh về vụ tai nạn đó vẫn chưa lúc nào nguôi ngoai, nó đeo bám chị vào trong từng giấc ngủ, chị N. rưng rưng kể lại.

Tai nạn lao động là nỗi ám ảnh không chỉ của những nạn nhân bị tai nạn, mà người thân của họ cũng đau đớn khôn cùng.

Một phút bất cẩn, lơ là hay chỉ vì sự cố xảy ra ngoài ý muốn đã khiến nhiều nạn nhân bị tai nạn lao động vĩnh viễn ra đi, có người còn sống cũng mang thương tật nặng suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình, người thân và cả xã hội.

Nỗi đau tai nạn lao động

Không may mắn như chị N., anh Nguyễn Văn Hãn đã tử vong sau một vụ tai nạn lao động thương tâm.

Anh vốn là công nhân vận hành máy nghiền đá của Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Hòa Bình, ở thôn Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình.

Trong quá trình tra dầu mỡ vào băng chuyền hệ thống máy nghiền đá, do bất cẩn nên anh Nguyễn Văn Hãn bị trượt chân ngã và bị thương nặng.

Phát hiện vụ việc, những người xung quanh đã chạy đến ứng cứu, đưa anh Hãn đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.

Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, ngay sau đó, anh Hãn đã tử vong.

Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động, tăng 1.214 vụ, tương ứng với 18,66% so với năm 2021), làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so với năm 2021).

Con số này bao gồm cả ở khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Số vụ tai nạn lao động chết người 720 vụ, giảm 29 vụ, tương ứng 3,87% so với năm 2021; số người chết vì tai nạn lao động 754 người, giảm 32 người; số người bị thương nặng 1.647 người, tăng 162 người.

Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2022 là trên 14.000 tỷ đồng (tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2021). Thiệt hại về tài sản và tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động đều tăng…

Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2022 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp dồng lao động như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai.

Theo thống kê, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là khai thác mỏ, khai thác khoáng sản; xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; dịch vụ.

Nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn lao động

Theo nghiên cứu của các bác sỹ, có hai nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động: người lao động không được đào tạo, điều kiện bảo hộ lao động kém và ý thức chấp hành kỷ luật lao động kém.

Nguyên nhân thứ nhất, phần lớn các vụ tai nạn lao động xảy ra khi người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động.

Để bảo vệ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của người lao động, Việt Nam cũng đã đưa ra các quy định, hướng dẫn để đảm bảo tính công bằng trong việc sử dụng lao động và người lao động.

Nếu doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5-50 triệu đồng.

Mức xử phạt cụ thể sẽ tùy thuộc vào số lượng người lao động mà doanh nghiệp đã không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động ban đầu và định kỳ rất quan trọng, nó giúp người lao động có kiến thức, nhận thức về an toàn vệ sinh lao động để tuân thủ và áp dụng tại nơi làm việc.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xem việc huấn luyện định kỳ là hình thức tuy nhiên quan điểm này hoàn toàn sai lầm.

Nhiều đơn vị xây dựng cũng chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo hộ cho người lao động. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Đơn cử, các công ty xây dựng thường không có các khóa huấn luyện an toàn lao động dù đây là ngành cực nhọc và nhiều rủi ro đeo bám.

Đồng thời, đây cũng là ngành thu hút được một lực lượng lớn lao động, chủ yếu lao động thời vụ và lao động tự do.

Khoảng 80% người lao động trong ngành này không được tập huấn an toàn lao động; không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và nhiều trường hợp không được cấp các trang thiết bị bảo hộ lao động, kể cả khi làm việc trên cao.

Nhiều đơn vị xây dựng cũng chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo hộ cho người lao động, không tổ chức cho người lao động tập huấn về kỹ năng an toàn vệ sinh lao động.

Chỉ khi sự cố mất an toàn xảy ra, chủ sử dụng lao động mới ý thức được hậu quả thiệt hại khôn lường. Mất người, mất của, mất uy tín thương hiệu đơn vị.

Nguyên nhân thứ hai, người lao động vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động; người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Anh N.C.Q, công nhân Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên, Thái Nguyên trong lúc làm việc vì không thực hiện đúng quy trình an toàn lao động đã tự gây ra tai nạn lao động cho bản thân dẫn đến tử vong.

Vì không thực hiện đúng quy trình an toàn lao động, nên theo quy định, gia đình anh không được hưởng khoản trợ cấp nào.

Điều 17 Luật An toàn, Vệ sinh lao động 2015 đưa ra 4 khoản trách nhiệm cho người lao động phải thực hiện để đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc.

Chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao.

Phải tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trước khi sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây mất an toàn, vệ sinh lao động, hành vi vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quay trở lại với câu chuyện của chị N., chị cho biết sẽ không bao giờ quên được cảm giác khủng khiếp khi bị tai nạn, dù hiện tại tóc đã mọc đến vai nhưng chị vẫn chưa sẵn sàng để lại mái tóc dài như trước đây và nhắn nhủ các nữ công nhân tuân thủ an toàn lao động để tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục