Trong ngày 18/11 vừa qua liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người ở Hòa Bình và Hải Phòng. Các vụ việc vi phạm an toàn lao động đang có xu hướng gia tăng và lặp lại về tính chất nghiêm trọng.
Hải Phòng: Cần cẩu bất ngờ đổ sập đè nát xe máy, một người chết
Trao đổi với phóng viên báo VietnamPlus ngày 19/11, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, qua báo cáo nhanh của địa phương cho biết, cả hai vụ tai nạn sập tháp cần cẩu ở Hải Phòng và sập hầm lò than ở Hòa Bình là tình trạng lặp lại của vụ sập cần cẩu ở Hà Nội cuối năm 2014 và đầu năm 2015, vụ sập lò than ở Quảng Ninh năm 2014.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, qua khảo sát ban đầu tại các vụ tai nạn cho thấy, các chủ sử dụng lao động tại các nơi làm việc có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn, vận hành và các quy chuẩn trong hoạt động và sản xuất.
Vụ sập hầm lò than ở Tân Lạc (Hòa Bình) diễn ra ở một vùng khoáng sản có lịch sử là khai thác than thổ phỉ từ hàng chục năm trước. Việc khai thác này đã để lại rất nhiều mối nguy hiểm, cụ thể là những hố tích nước, bùn đất và rất khó kiểm soát về độ ổn định địa chất. Trong khi đó, đơn vị khai thác không đủ năng lực khảo sát, không có những biện pháp kiểm soát đầy đủ rất dễ xảy ra tai nạn, rất dễ xảy ra sập lò.
Tìm thấy thi thể nạn nhân vụ sập hầm lò than ở Hòa Bình
Khi tiến hành khảo sát với những vùng hầm lò trước kia đã có sẵn và nền đất yếu, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp chống đỡ và công nghệ hiện đại như tại Quảng Ninh thì các tai nạn sẽ khó xảy ra.
Liên quan đến vụ sập tháp cần cẩu tại Hải Phòng, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết thêm, với những thiết bị nâng có tầm hoạt động rộng đáng ra không được cho phép hoạt động trong những khung giờ có nhiều người qua lại. Đồng thời, việc lưu giữ các thiết bị cũng phải đảm bảo trong phạm vi công trường.
Ông Nguyễn Anh Thơ nhận định, hiện nay vấn đề cấp phép cho hoạt động khai thác mỏ, các công trình chủ yếu là các cơ quan chuyên ngành. Các cơ quan ngành Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ được tham gia ở khâu hậu kiểm. Tức là các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra rồi mới tiến hành kiểm tra, chứ không tham gia từ đầu khi phê duyệt dự án đó. Đây là một thực tế cần điều chỉnh.
Từ nay tới khi Luật An toàn vệ sinh lao động sẽ có hiệu lực (1/7/2016), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ ban hành các văn bản quy định yêu cầu báo cáo đánh giá rủi ro để kiểm soát những nguy cơ tai nạn lao động ngay trong quá trình lập các báo cáo hoặc khi phê duyệt các dự án. Như vậy, kèm theo quá trình phê duyệt dự án đó phải có những đánh giá về nguy cơ mất an toàn khi xây dựng án cũng như tiến hành sản xuất./.