Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm tổn thất do tai nạn giao thông ở Việt Nam gây ra gần 50.000 tỷ đồng, bằng gần 30% ngân sách giáo dục và 60% giá trị xuất khẩu lúa gạo, tương đương 1,5 triệu người không có thu nhập trong một năm.
Thông tin trên được đưa ra tại lễ ký kết hợp tác và công bố kết quả nghiên cứu năm 2017, đồng thời phát động dự án mới năm 2018 “Cuộc thi làm phim an toàn giao thông-Tôi biết, tôi thay đổi” giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM) vào chiều nay (27/9)
[Phát động chương trình gây quỹ ủng hộ trẻ em bị tai nạn giao thông]
Thừa nhận tai nạn giao thông đã và đang là vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc, mang tính toàn cầu mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đương đầu, ông Hùng cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm toàn thế giới đã có hơn 1,2 triệu người chết và hơn 50 triệu người bị thương vì tai nạn giao thông, đồng thời, gây thiệt hại tổng thể về kinh tế, xã hội tới 3% GDP toàn cầu.
“Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ nâng cao an toàn giao thông, đến năm 2020, tai nạn giao thông có thể làm chết 1,9 triệu người hàng năm,” ông Hùng tiết lộ.
Khẳng định trong những năm qua, Việt Nam đã kiềm chế được tai nạn giao thông khi các tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thường đều được kéo giảm qua từng năm, tuy nhiên, ông Hùng đánh giá, việc kéo giảm tai nạn giao thông chưa thật bền vững, đặc biệt, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.
“Chỉ tính riêng trong chín tháng của năm nay, toàn quốc xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông, trong đó gần 70% số vụ do người điều khiển môtô, xe máy gây ra nhưng gần 90% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là người đi môtô, xe máy,” ông Hùng dẫn chứng.
Hiện nay, xe máy đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với mọi người dân Việt Nam, bởi trong điều kiện cơ sở hạ tầng đường xá còn kém phát triển, mức thu nhập cá nhân còn thấp và các dịch vụ giao thông công cộng ở các tỉnh, thành phố còn hạn chế, chỉ đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu đi lại, ngoại trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, xe máy là lựa chọn tối ưu của người dân, trong khi ý thức của người tham gia giao thông tại Việt Nam còn hạn chế thì đây sẽ là một nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất lớn.
Năm 2018, là năm thứ 4 liên tiếp, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đồng hành và hợp tác cùng VAMM, triển khai hàng loạt các hình thức tuyên truyền, giáo dục, thực hành và nghiên cứu về an toàn giao thông trên toàn quốc, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề an toàn giao thông tại Việt Nam.
Đặc biệt, những kết quả thực tiễn và kiến nghị từ 5 nghiên cứu được tài trợ thực hiện bởi “Quỹ nghiên cứu VAMM” là căn cứ tham khảo giá trị cho Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng, đưa ra những biện pháp, chính sách hiệu quả nhằm nâng cao an toàn giao thông trên toàn quốc.
Thông qua hoạt động này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mong muốn sẽ nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, góp phần hình thành ý thức và thói quen điều khiển xe máy một cách an toàn trên phạm vi toàn quốc, góp phần giảm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến môtô, xe gắn máy, nâng cao kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người điều khiển.
Tại lễ ký kết, Ông Kawano Toshiya, Chủ tịch VAMM cho biết, sứ mệnh của VAMM không chỉ là sản xuất những chiếc xe máy chất lượng, thân thiện với người tiêu dùng, mà còn hướng đến phát triển cộng đồng Việt Nam an toàn.
Để thay đổi nhận thức và hành vi, VAMM tuyên truyền, đào tạo và tổ chức Cuộc thi làm phim an toàn giao thông; triển khai hướng dẫn lái xe thực tế, tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người dân; đóng góp xây dựng chính sách, điều luật liên quan đến xe máy…/.