Tai nạn giao thông liên quan đến người cao tuổi gia tăng tại Nhật Bản

Tỷ lệ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người trên 75 tuổi cầm lái là 5,7 trường hợp/100.000 người có bằng lái xe, cao gấp 2,3 lần so với người dưới 75 tuổi cầm lái trong năm 2022.
Ảnh minh họa.(Nguồn: Reuters)

Số liệu thống kê do Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản công bố ngày 2/3 cho biết, mặc dù số ca tử vong do tai nạn giao thông trong năm 2022 giảm ở mức thấp kỷ lục trong 6 năm liên tiếp, nhưng tai nạn giao thông liên quan đến người cao tuổi tại nước này lại có chiều hướng gia tăng.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, năm ngoái, Nhật Bản ghi nhận 2.610 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, con số thấp nhất kể từ năm 1948, giảm 26 trường hợp so với năm 2021, cũng là mức thấp nhất trong 6 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, có tới 379 vụ tai nạn giao thông chết người liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông trên 75 tuổi. Con số này tăng 33 vụ so với năm 2021, chiếm 16,7% tổng số vụ tai nạn giao thông gây chết người, cao nhất kể từ năm 1986.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông này là lỗi chủ quan của người điều khiển xe như nhầm chân ga, chân phanh (chiếm tới 30,1% số vụ tai nạn). 

Theo các chuyên gia xã hội học Nhật Bản, thế hệ bùng nổ dân số trong giai đoạn 1947-1949 bắt đầu bước vào độ tuổi trên 75 trong khi tỷ lệ sinh của Nhật Bản đang giảm mạnh là nguyên nhân dẫn đến số lượng người cao tuổi tại Nhật Bản điều khiển ôtô ngày một tăng.

Tỷ lệ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người trên 75 tuổi cầm lái là 5,7 trường hợp/100.000 người có bằng lái xe, cao gấp 2,3 lần so với người dưới 75 tuổi cầm lái trong năm 2022.

[Khả năng thích ứng của người cao tuổi trong một thế giới đang thay đổi]

Nhằm giảm thiểu số ca tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến người cao tuổi điều khiển ô tô, từ tháng 5/2022, Nhật Bản đã sửa đổi Luật Giao thông đường bộ yêu cầu những người trên 75 tuổi muốn gia hạn giấy phép lái xe bắt buộc phải trải qua các bài kiểm tra về nhận thức và kỹ năng thực hành lái xe.

Bên cạnh đó, luật mới cũng quy định, từ ngày 1/4 tới, tất cả những người điều khiển xe đạp đều phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, riêng đối với trẻ em dưới 13 tuổi, người giám hộ phải có nghĩa vụ nhắc nhở con em mình đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp hoặc ngồi phía sau xe đạp.

Giới chuyên gia nhấn mạnh việc không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp sẽ làm tăng nguy cơ gây tai nạn chết người gấp 2,6 lần so với việc đội mũ bảo hiểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục