‘Tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh, bi kịch nạn nhân và gia đình’

Những vụ tai nạn giao thông không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho nạn nhân mà còn là nỗi ám ảnh, bi kịch cho gia đình và là gánh nặng cho xã hội.
‘Tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh, bi kịch nạn nhân và gia đình’ ảnh 1Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Những vụ tai nạn giao thông không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho nạn nhân mà còn là nỗi ám ảnh, bi kịch cho gia đình khi trụ cột gia đình phải sống phần đời còn lại trên chiếc xe lăn hoặc dự định dang dở chưa được thực hiện...

Trong trang phục chiếc áo choàng màu vàng của bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) phân phát cho người nhà chăm sóc bệnh nhân được khoác bên ngoài, anh Vàng A Đàm, người dân tộc H’Mông, sinh sống tại thôn Ngã 3, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, Yên Bái tỏ ra mệt mỏi và luôn dõi theo chai nước truyền được treo nơi đầu giường bệnh.

[Việt Nam có khoảng 60% các vụ tai nạn giao thông là do xe máy]

Mí mắt thâm quầng và mắt đỏ quạch sau mấy ngày thiếu ngủ, anh Đàm tỏ vẻ mệt mỏi nhưng gắng gượng trông nom người con là Vàng A Của, sinh năm 1996 bị tai nạn giao thông đang nằm bệt trên chiếc giường với phần lá lách, thận bị dập và hỏng một bên.

Anh Đàm kể lại buổi sáng định mệnh mà A Của bị thần chết suýt cướp đi tính mạng. Ấy là vào lúc 5 giờ sáng ngày 10/11 vừa qua, A Của vội vã dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà để đi làm. Cách nhà chừng 5km, một người điều khiển xe máy cùng chiều đâm vào đuôi xe khiến em ngã sõng soài ra đường. Đúng lúc đó, chiếc xe tải 15 tấn chạy ngược chiều do bị bất ngờ nên tài xế không hãm phanh kịp. Của bị xe tải kéo lê trên đường tới 3m.

Đang nấu cơm sáng, anh Đàm nhận được cuộc điện thoại của con, giật mình thoảng thốt khi biết tin Của đang được đưa vào bệnh viện Thị xã Nghĩa Lộ. Khi tới nơi, các bác sĩ bảo gia đình anh chuyển Của xuống bệnh viện tỉnh Yên Bái do tại cơ sở không đủ trang thiết bị để cứu chữa cũng như thăm khám bệnh tình của nạn nhân.

Tức tốc cùng người nhà chuyển A Của xuống viện tỉnh, qua các cuộc hội chẩn của bác sĩ chuyên khoa, bệnh viện tỉnh Yên Bái cũng chỉ sơ cấp cứu ban đầu và tiếp tục chuyển tuyến lên bệnh viện Việt Đức để điều trị.

“A Của nằm tại giường bệnh viện Việt Đức được gần một tuần, lúc tỉnh lúc mê. Nhìn con mà đau từng khúc ruột. Nhà thuộc diện hộ nghèo, để có tiền điều trị, gia đình đã đi bán lúa và con trâu nhưng vẫn chưa đủ tiền để chi trả,” anh A Đàm vừa nói vừa mếu máo khóc.

Theo anh Đàm, A Của là đứa con duy nhất đồng thời cũng là lao động chính của gia đình. A Của mới lấy vợ năm ngoái và sinh được con nhỏ mới 2 tháng tuổi. Trước khi tai nạn, A Của còn dự tính cố gắng làm lụng hết năm để có tiền sửa lại mái nhà với lớp ngói bị thủng lỗ chỗ, nắng mưa đều rọi vào giường.

“Giờ nó nằm đây, tiền viện điều trị cũng đã là gánh nặng đối với gia đình, nếu tiếp tục kéo dài thì không biết xoay sở đâu bởi anh em họ hàng cũng không dư giả. Chưa kể, khi xuất viện, liệu A Của có đi làm phụ hồ hay băng băng đi rừng như trước được không,” anh Đàm lo lắng.

Vào thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức vào sáng nay (16/11) trong chuỗi hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” tại Việt Nam năm 2018, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đáng giá cao công tác cấp cứu của bệnh viện Việt Đức đặc biệt công tác sơ cứu, cấp cứu tốt đã cứu sống nạn nhân tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận, khả năng phục hồi, tiếp tục lao động là cực kỳ khó khăn. Có nạn nhân 30 tuổi nếu cứu sống sẽ phải 2-3 người phục vụ chăm sóc, để lại gánh nặng và hậu quả nặng nề..

Ông Hùng cho biết, tai nạn giao thông để lại hậu quả lớn. Những thương tật tai nạn giao thông để lại dấu ấn suốt cuộc đời, nỗi ám ảnh cho nạn nhân và gia đình. Ủy ban An toàn giao thông mong tất cả mọi người tham gia giao thông tuyệt đối an toàn, tuân thủ luật lệ giao thông.

Theo lãnh đạo bệnh viện Việt Đức, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể về chương trình phòng chống tai nạn giao thông quốc gia, tuy nhiên, trong những năm gần đây, tai nạn giao thông được xếp vào nhóm nguyên nhân lớn gây tử vong tại các bệnh viện ở Việt Nam.

"Việt Nam vẫn đứng trong nhóm các nước đang phát triển có tỷ lệ tai nạn giao thông gây tàn tật và tử vong cao để lại gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội," lãnh đạo bệnh viện Việt Đức nhìn nhận.

[Gần 6.700 người chết vì tai nạn giao thông trong 10 tháng năm nay]

Là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, hàng năm bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tiếp nhận nhiều trường hợp bênh nhân ngoại khoa, chủ yếu do tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, trung bình mỗi năm từ 29.000-30.000 trường hợp.

Tính đến tháng 11 này, tổng số tai nạn thương tích tại bệnh viên khoảng trên 28.000 trường hợp, trong đó gần 14.000 trường hợp tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ 50%.

Tai nạn liên hoàn trên Quốc lộ 1A. (Nguồn: VNEWS)

Để giảm bớt tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn giao thông, lãnh đạo bệnh viện này nhận thấy việc tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức cộng đồng về việc phòng chống tai nạn thương tích đặc biệt là tai nạn giao thông là việc làm vô cùng cấp thiết.

“Những mục tiêu trước mắt cần tăng cường để giảm tai nạn giao thông vẫn là các chương trình giáo dục, tuyên truyền về an toàn giao thông như đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi tham gia giao thông...,” lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục