Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn giao thông cướp đi mỗi năm 2,5% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam.
Thông tin trên được đưa ra tại lễ ký kết chương trình phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với Công ty 3M Việt Nam vào sáng 17/5, tại Hà Nội.
[Tai nạn kinh hoàng ở Gia Lai: Lái xe có biểu hiện bất thường?]
Theo ông Hùng, tai nạn giao thông không chỉ là vấn nạn tại Việt Nam mà có tính bức xúc toàn cầu. Mỗi năm thế giới có 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ. Đây là thách thức chung không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới.
“Trong những năm vừa qua, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, báo cáo chính thức của Bộ Công an có khoảng gần 9.000 người tử vong vì tai nạn giao thông/năm. Đặc biệt, mỗi ngày có 24 người ra khỏi nhà và không bao giờ trở về do tai nạn giao thông,” Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh.
Khẳng định tai nạn giao thông trong những năm gần đây đã liên tục giảm xuống nhưng chưa bền vững, ông Hùng bày tỏ ngoài sự cố cố gắng quyết tâm không chỉ của cơ quan quản lý Nhà nước mà cần huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn, công tác huấn luyện và đào tạo, nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Đề cập về con số người tử vong, ông Hùng thừa nhận, số liệu người tử vong được lấy từ báo cáo chính thức từ Bộ Công an là tai nạn giao thông xảy ra tại hiện trường, nếu tính theo báo cáo số liệu chuẩn của quốc tế bao gồm ở các bệnh viện trong thời gian sau 30 ngày thì số người tử vong vì tai nạn giao thông còn lớn hơn rất nhiều.
Tại lễ ký kết, phối hợp giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Công ty 3M Việt Nam, hai đơn vị sẽ hợp tác nâng cao khả năng nhận diện phương tiện giao thông có rủi ro gây tai nạn giao thông cao như xe tải, xe đầu kéo; nâng cao tính năng an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn liên quan tới sơn kẻ vạch đường và tổ chức giao thông; triển khai các giải pháp thí điểm nâng cao tình năng an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại một số điểm đen và khu vực có điều kiện giao thông phức tạp, làm cơ sở cho việc nhân rộng trong tương lai./.