Theo trang mạng eurasiareview.com, dư luận đang chờ đợi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mới, văn bản định hình các chiến lược chi tiết hơn nhằm chỉ rõ những thách thức và ưu tiên đối với cơ sở an ninh quốc gia Mỹ.
Các chiến lược này sẽ cung cấp chi tiết hơn về cách quân đội Mỹ triển khai đối phó với những thách thức cũng như hướng dẫn các lực lượng quân sự trong việc phát triển khái niệm, phác thảo năng lực cần thiết. NSS cũng là căn cứ để đưa ra các yêu cầu ngân sách và phân bổ nguồn lực.
NSS được công bố dưới tên của tổng thống và được cho là phản ánh tư duy, quan điểm và thế giới quan của nhà lãnh đạo này. Do đó, điểm khởi đầu cho bất kỳ dự thảo nào của NSS sẽ là cấu trúc nhận thức và tư tưởng của chính tổng thống Mỹ. Nếu muốn văn kiện này giữ được sự trung thực và bám sát chặt chẽ với quan điểm cá nhân, tổng thống sẽ cố gắng hạn chế số lượng người đóng vai trò trong việc hình thành và soạn thảo nó.
Đổi lại, có nguy cơ nảy sinh những cạnh tranh gay gắt trong đội ngũ nhân viên Nhà Trắng để tìm người được trao vai trò chấp bút và điều chỉnh “tiếng nói” về chính sách đối ngoại của tổng thống.
Tuy nhiên, NSS có tiêu đề là “Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ,” vì vậy, không thể loại trừ sự tham gia của các cơ quan và bộ phận khác nhau trong cấu trúc an ninh quốc gia Mỹ.
Sẽ có những nỗ lực mạnh mẽ từ các lực lượng này để can thiệp quá trình soạn thảo hoặc bảo vệ các quan điểm mà người ta xem là quan trọng trong việc bảo toàn các chương trình hiện có hoặc các ưu tiên thể chế (do lo ngại nguy cơ bị ảnh hưởng từ nguồn ngân sách đầu tư nếu các vấn đề hoặc khu vực cụ thể trên thế giới không được đề cập trong NSS).
[Lầu Năm Góc lộ “sai sót nghiêm trọng” trong các cuộc không kích của Mỹ]
Khi các bản thảo NSS được lưu hành thông qua quy trình liên ngành, có thể sẽ có những áp lực đáng kể đòi hỏi sửa đổi, thêm hoặc bớt những nội dung có thể ủng hộ hoặc đe dọa các sáng kiến đang diễn ra liên quan đến các bộ phận khác nhau của bộ máy quản lý an ninh quốc gia.
Đôi khi, thỏa hiệp là nhằm “nói giảm” hoặc loại bỏ các mục cụ thể để duy trì một mức độ mơ hồ nào đó. (Ví dụ: các khái niệm như “quan hệ đối tác chiến lược” được đưa ra là nhằm tránh các nỗ lực tránh phải đưa ra các cam kết liên minh mang tính ràng buộc hoặc thực hiện các nghĩa vụ dựa trên hiệp ước).
Tuy nhiên, bất chấp những mâu thuẫn có thể xảy ra, NSS mới có thể là dự thảo quan trọng đầu tiên về những gì mà chính quyền xem là các ưu tiên chiến lược. Thường được đóng khung bằng những ngôn từ vĩ mô và đầy tham vọng, các quy tắc của NSS đóng vai trò nền tảng cho các văn bản chiến lược và chính sách của các ban ngành khác nhau - và đổi lại, các chiến lược tương ứng của các đơn vị này cần phải đồng bộ và được “lồng ghép” trong tổng thể NSS.
Một tiền đề nhất quán trong các tài liệu an ninh quốc gia của Mỹ là mở rộng thương mại giữa các quốc gia đóng vai trò cơ sở cho sự thịnh vượng toàn cầu ngày càng tăng, nhìn nhận đây là cách để giảm thiểu xung đột. Khuyến khích thương mại có thể được coi là một mục tiêu chiến lược của Mỹ bởi vì một thế giới thịnh vượng hơn sẽ làm cho nước Mỹ an toàn hơn.
Đổi lại, các cơ quan ban ngành khác nhau của chính phủ sẽ có nhiệm vụ xác định những cách mà họ có thể thực hiện để thúc đẩy mục tiêu đó. Chẳng hạn, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) có thể coi đó đồng nghĩa với nhiệm vụ đàm phán thêm các hiệp định thương mại tự do; Bộ Thương mại có thể sử dụng NSS để lý giải cho việc mở rộng nỗ lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh của người Mỹ ở nước ngoài - Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tsai và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đều đã thực hiện các nỗ lực này. Mục tiêu này cũng có thể được đưa vào trong các hướng dẫn của Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi mở rộng trách nhiệm kinh tế của các đại sứ quán và chú trọng hơn đến các vấn đề thương mại trong ngoại giao song phương và khu vực.
Đối với Bộ Quốc phòng, các mục tiêu chung trong NSS sẽ được giải thích và định nghĩa rõ ràng hơn thông qua việc ban hành Chiến lược Quốc phòng (NDS) hoặc Hướng dẫn Chiến lược Quốc phòng (DSG), một tài liệu do Bộ trưởng Quốc phòng công bố. Đổi lại, Chiến lược quân sự Quốc gia (của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân) sẽ cung cấp phác thảo về lộ trình và cách thức triển khai NSS của quân đội Mỹ.
Các khái niệm sẽ được đưa ra để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra hoặc các nhiệm vụ được dự đoán trước. Các khái niệm chỉ ra những gì quân đội dự kiến sẽ làm để đạt được kết quả thành công và những hoạt động nào sẽ cần được tiến hành để hỗ trợ các mục tiêu đó. Các khái niệm đóng vai trò là “cầu nối” từ hướng dẫn chiến lược đến phát triển học thuyết và hướng dẫn để định hình sự phát triển của lực lượng và các kế hoạch hoạt động.
Việc đánh giá và xác nhận các năng lực quân sự, có sự giám sát của Bộ Tham mưu (thông qua Hội đồng Giám sát Yêu cầu Chung (JROC) - đóng vai trò quan trọng trong quá trình mua sắm quốc phòng. Các chỉ huy đơn vị hoặc lãnh đạo cấp cao sẽ cân nhắc và thông báo về năng lực cần thiết để tiến hành các chiến dịch, và sau khi được xác nhận, đây sẽ là căn cứ cho các kế hoạch mua sắm trang thiết bị cần thiết. Mục tiêu quan trọng của quy trình này là tránh sự chồng chéo và lệch lạc.
Đồng thời, với bản chất dài hạn của hoạt động mua sắm quốc phòng của Mỹ - nơi các hệ thống, đặc biệt là các nền tảng hải quân và không quân, có thể sẽ hữu ích trong nhiều thập kỷ - điều quan trọng là khi các chiến lược thay đổi, có khả năng một nền tảng được thiết kế để phục vụ nhiệm vụ cụ thể có thể phải được trang bị lại để thực hiện các chức năng khác nhau.
Điều quan trọng cần lưu ý là việc đánh giá và xác nhận các khả năng vẫn là một quá trình tách biệt với việc xây dựng ngân sách. Nói rõ hơn, việc xác nhận khả năng không có nghĩa là một hệ thống sẽ được trang bị hoặc nguồn quỹ bổ sung sẽ đảm bảo hoàn thành mục tiêu mà khả năng trên hướng đến. Phát triển công nghệ cũng là một quá trình riêng biệt - năng lực mong muốn có thể không khả thi về mặt kỹ thuật hoặc khả năng chi trả trong điều kiện hiện tại.
Về lý thuyết, các quyết định về nguồn lực quốc phòng bắt nguồn từ chiến lược. Các nền tảng được xây dựng và một số lượng cụ thể nhân sự được đào tạo và trang bị cho các nhiệm vụ khác nhau phải dựa trên hướng dẫn cụ thể về hoạt động của quân đội.
Những thay đổi lớn xảy ra trong các tài liệu an ninh quốc gia Mỹ giai đoạn 2017-2018 “đã chuyển trọng tâm từ các cuộc chiến tranh ở Trung Đông sang các đối thủ cạnh tranh ‘ngang hàng’ là Trung Quốc và Nga, tác động tới mọi khía cạnh, từ ngân sách, chương trình đến đào tạo.
Những thay đổi chiến lược - và thay đổi trong trọng tâm được nhấn mạnh - mà chính quyền Biden thực hiện sẽ có tác động tương tự và những gì họ xem là ưu tiên, hoặc không ưu tiên, sẽ có tác động trực tiếp cũng như ảnh hưởng đáng kể đến cách thức và khu vực mà Mỹ mở rộng ảnh hưởng của mình./.