Tài khoản mở mới vẫn tăng gấp đôi dù thị trường chứng khoán giảm mạnh

Dù liên tục lập kỷ lục về số tài khoản mở mới, nhưng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 5 đạt 15.200 tỷ đồng, giảm 31% so với tháng 4 và cũng giảm 31% so với tháng 5/2021.
Tài khoản mở mới vẫn tăng gấp đôi dù thị trường chứng khoán giảm mạnh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 5 lập kỷ lục 476.332 đơn vị, gấp đôi so với tháng 4 và cao hơn 76% so với kỷ lục cũ là 270.011 tài khoản lập được vào tháng 3.

Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới gần 1,4 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư tổ chức trong nước mở mới trong tháng 5 là 123 tài khoản, giảm 23% so với tháng trước. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 5 đạt hơn 5,65 triệu, tương đương hơn 5,7% dân số.

Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nước ngoài là 256, giảm 27% so với tháng 4; trong đó, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 298 tài khoản chứng khoán, giảm 9,4%.

Số lượng tài khoản chứng khoán của tổ chức nước ngoài giảm từ 4.220 tài khoản xuống 4.178 tài khoản do lượng đóng tài khoản nhiều hơn mở mới. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm cuối tháng 5 đạt 41.118.

Như vậy cuối tháng 5, tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt gần 5,7 triệu đơn vị.

Dù liên tục lập kỷ lục về số tài khoản mở mới, nhưng thanh khoản thị trường suy giảm mạnh trong những tháng đầu năm, đặc biệt trong tháng 5.

Trên HOSE, giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 5 đạt 15.200 tỷ đồng, giảm 31% so với tháng 4 và cũng giảm 31% so với tháng 5/2021.

Trong tháng 5/2022, giao dịch trên thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX cũng giảm so với tháng trước. Chỉ số HNX-Index phiên cuối tháng đạt 315,76 điểm, giảm 13,68% so với cuối tháng 4/2022.

Có thể thấy, thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX có biến động mạnh trong 5 tháng đầu năm 2022, sau khi chỉ số HNX-Index đạt đỉnh lịch sử vào ngày 7/01/2022 với mức 493,84 điểm, thị trường sụt giảm mạnh và xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm là 300,66 vào ngày 23/5.

Thanh khoản tháng 5 cũng giảm so với tháng trước. Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu toàn thị trường đạt 1,5 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 34.400 tỷ đồng.

Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 79 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 1,7 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 16% về khối lượng giao dịch và 32% về giá trị giao dịch so với tháng trước.

Theo Công ty Trách nhiễm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một đợt giảm sốc trong tháng 5, với VN-Index tạm thời xác lập mức thấp nhất năm nay tại 1156,54 điểm.

[Thị trường chứng khoán thiếu ‘chất xúc tác’ để định rõ xu hướng]

Nguyên nhân của đợt sụt giảm mang tính quy mô toàn cầu này bao gồm, gián đoạn chuỗi cung ứng, bị thúc đẩy thêm bởi chính sách hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc, xung đột Nga-Ukraine kéo dài, cũng như các biện pháp trừng phạt lên Nga; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát; rủi ro kinh tế các nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao.

Thêm vào đó, việc điều tra các sự việc thao túng thị trường chứng khoán trong nước, thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu cũng đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư trong nước.

Các cá nhân trong nước (chiếm khoảng 82% tổng giá trị giao dịch) và tổ chức trong nước (chiếm khoảng 8% tổng giá trị giao dịch) bán ròng trong tháng 5 với giá trị lần lượt là 489 tỷ đồng và 2.700 tỷ đồng.

Lượng bán ròng của tổ chức và cá nhân trong nước được hấp thụ bởi khối ngoại (chiếm khoảng 10% tổng giá trị giao dịch), với giá trị mua ròng là 3.200 tỷ đồng.

Các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) đã vào ròng 213,5 triệu USD trong tháng 5, lũy kế lên 265,3 triệu USD kể từ đầu năm, chủ yếu đến từ DCVFMVN Diamond và Fubon FTSE Vietnam ETF./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục