Hội chữ Xuân 2018 sẽ diễn ra từ ngày 9-25/2 (tức từ ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến ngày 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại khu vực Hồ Văn - Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).
“Ông đồ” đi thi
Năm nay, Hội chữ Xuân có chủ đề “Hiền tài,” được chia thành nhiều khu vực: khu vực viết chữ, không gian trưng bày thư pháp, các gian hàng truyền thống…
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết, có 55 “ông đồ” sẽ tham gia viết thư pháp tại Hội chữ Xuân 2018 (trong đó, có 45 “ông đồ” viết chữ Hán Nôm và 10 “ông đồ” viết chữ Quốc ngữ.
“Những ‘ông đồ’ tham gia viết chữ tại Hội chữ Xuân 2018 đã trải qua hai vòng thi sát hạch nghiêm túc, chặt chẽ của ban tổ chức, để tránh tình trạng có những ‘ông đồ’ tham gia viết chữ nhưng lại không rõ mặt chữ, văn phạm như một số năm trước. Tiếc rằng, phần lớn trong số họ là những gương mặt quen hoặc những người đã lớn tuổi. Số người trẻ tham gia còn quá ít,” ông Lê Xuân Kiêu bày tỏ.
[Văn Miếu-Quốc Tử Giám khai trương hệ thống thuyết minh 8 ngôn ngữ]
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng mời thêm tám “ông đồ” (là những người có nhiều kinh nghiệm, chủ nhiệm các câu lạc bộ thư pháp trên địa bàn Hà Nội) tham gia viết chữ tại Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018.
“Chúng tôi đã biên soạn bộ tài liệu gồm 200 chuyên đề với các thành ngữ, tổ từ cố định… để các ‘ông đồ’ tra cứu, tránh tình trạng viết sai hoặc trả lời du khách một cách võ đoán như những năm trước,” đại diện ban tổ chức cho biết.
Đến hội chữ, gửi xe ở đâu?
Điểm nhấn của Hội chữ Xuân 2018 là khu vực triển lãm, trưng bày 35 bức thư pháp truyền tải nội dung “Tôn sư trọng đạo.”
Bên cạnh đó, Hội chữ Xuân 2018 còn có nhiều hoạt động khác như: tái hiện quang cảnh trường thi xưa (với nhà thập đạo, chòi canh, lều chõng…), lễ hội thả hoa đăng, tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống (làm giấy dó, mây tre đan, khắc gỗ…).
Không chỉ có vậy, Hội chữ Xuân 2018 còn có khu vực biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống như ca trù, quan họ, hát xoan, xẩm…
Thời gian gần đây, Văn Miếu-Quốc Tử Giám dừng trông xe tại khu vực vườn Giám, dẫn đến những thắc mắc, lo ngại về địa điểm gửi xe cho du khách khi đến Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Xuân Kiêu cho biết, Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép tạm trông giữ xe ở khu vực vườn Giám trong những ngày diễn ra hội chữ. Giá vé sẽ được niêm yết rõ ràng.
“Trước mắt, ngày 22/1 vừa qua, Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa đã có văn bản cho phép Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tạm trông giữ xe ở khu vực vỉa hè, để phục vụ khách tham quan. Đây là giải pháp tạm thời trong khi chờ quy hoạch tổng thể về địa điểm trông giữ xe,” ông Lê Xuân Kiêu cho hay.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho rằng, diện tích khu vực vỉa hè khá hạn chế.
“Thời điểm hiện tại, khi lượng khách đến Văn Miếu chưa đông thì mọi việc vẫn khá ổn thỏa. Tuy nhiên, vào những ngày Tết Nguyên đán nói riêng và trong thời gian diễn ra Hội chữ Xuân nói chung, nếu lượng khách tăng mạnh thì rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải ở khu vực gửi xe, khó đảm bảo an toàn tài sản cho du khách,” ông Kiêu nói./.
Hội chữ Xuân Mậu Tuất mở cửa từ 8 giờ-20 giờ các ngày từ 9-25/2 (tức từ ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến ngày 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất).Riêng đêm 30 Tết, hội chữ sẽ mở cửa đến 2 giờ ngày mùng Một Tết. Trong ba ngày Tết (mùng Một, mùng Hai, mùng Ba), hội chữ sẽ hoạt động kéo dài đến 22 giờ.