Tái hiện nghi lễ tế Đàn Nam Giao và kỷ niệm 602 năm ngày mất Hoàng đế Hồ Quý Ly

Trong không khí trang nghiêm và linh thiêng, con cháu họ Hồ cả nước, người dân, du khách đã dâng hương, lễ vật kính cáo vua Hồ, các bậc tiền nhân.

Nghi thức trình tấu chúc văn. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
Nghi thức trình tấu chúc văn. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Sáng 24/3, tại Đàn tế Nam Giao vương triều Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng họ Hồ Thanh Hóa, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã phối hợp tổ chức lễ giỗ lần thứ 602 của Thánh Nguyên Hoàng đế-Hồ Quý Ly và kỷ niệm 622 năm vương triều Hồ lập Đàn tế Nam Giao (1402-2024).

Trong không khí trang nghiêm và linh thiêng, con cháu họ Hồ cả nước, người dân, du khách đã dâng hương, lễ vật kính cáo vua Hồ, các bậc tiền nhân. Đại diện dòng họ Hồ Thanh Hóa đã trình tấu chúc văn 602 năm ngày mất Hoàng đế Hồ Quý Ly và ôn lại truyền thống lịch sử, đóng góp lớn của Hồ Quý Ly hơn 600 năm về trước.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Thanh Hải, Chủ tịch Hội dòng họ Hồ Thanh Hóa, khẳng định Lễ dâng hương tưởng niệm 602 năm Ngày mất Hoàng đế Hồ Quý Ly và kỷ niệm 622 năm vương triều Hồ lập Đàn tế Nam Giao nằm trong công tác bảo tồn các giá trị di sản, tôn vinh di sản văn hóa Thành nhà Hồ. Hoạt động góp phần khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần đoàn kết, góp phần xây dựng quê hương, đất nước…

ttxvn_thanh nha Ho1.jpg
Kể từ khi vương triều Hồ lập Đàn tế Nam Giao (1402-2024), ngày nay đàn tế Nam giao nhà Hồ vẫn là một trong ba đàn tế còn giữ được mặt bằng tương đối nguyên vẹn, cổ nhất trong lịch sử Đàn tế Nam Giao của Việt Nam. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Tại buổi lễ, các diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đã biểu diễn chương trình nghệ thuật tái hiện thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của Hồ Quý Ly đối với quê hương, đất nước

Vào cuối thế kỷ XIV, nước Đại Việt lún sâu vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Kinh tế đất nước suy thoái, nan đói xảy ra triền miên, xã hội rối loạn, dân chúng lầm than. Thêm vào đó, giặc ngoại xâm nhiều lần lăm le xâm chiếm đoạt, đặt giang sơn Đại Việt trước vòng binh lửa. Trong bối cảnh lịch sử ấy, Hồ Quý Ly quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện như một nhân vật được lịch sử trao cho sứ mệnh “chèo lái giang sơn.”

Hồ Quý Ly đã bước vào quan trường ở tuổi 35, thời vua Trần Nghệ Tông. Sau đó, ông lần lượt trải qua nhiều chức vụ. Năm 1395, ông nhận chức phụ chính Thái sư. Mùa xuân năm Canh Thìn (1400) Hồ Quý Ly đã đăng quang ngôi báu, đổi tên nước Đại Việt thành Đại Ngu (Nghĩa là tốt tươi hưng thịnh) lấy niên hiệu là Thánh Nguyên và xây dựng đế kinh trên đất Tây Đô (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay).

Trong thời gian 2 năm làm hoàng đế và 7 năm làm Thái thượng hoàng, Hồ Quý Ly đã tiến hành hàng loạt cải cách chính trị, kinh tế, quân sự, trong đó có những cải cách vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Tuy nhiên, vào năm 1407, cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh đã khiến cho sự nghiệp cải cách của Hồ Quý Ly bị lỡ dở.

Hai trong nhiều dấu ấn mà Hồ Quý Ly cùng vương triều Hồ để lại cho hậu thế là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo Thành nhà Hồ - nay là Di sản Văn hóa Thế giới và Đàn tế Nam Giao - nơi hàng năm nhà vua tiến hành lễ tế trời cầu cho quốc thái dân an.

Đàn tế Nam Giao được đánh giá là đàn tế có niên đại sớm nhất nước ta. Sau hơn 622 năm kể từ khi vương triều Hồ lập Đàn tế Nam Giao (1402-2024), với những thăng trầm lịch sử, hiện công trình này vẫn là một trong ba đàn tế còn giữ được mặt bằng tương đối nguyên vẹn, cổ nhất trong lịch sử Đàn tế Nam Giao của nước ta./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục