Những ngày này tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, du khách có thể tham quan gian trưng bày về nghệ thuật Tuồng có tên "Tuồng cổ trên chất liệu mới."
Sự kiện do Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức nhằm giúp cho thế hệ trẻ và những người yêu thích Tuồng có cơ hội hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống này, qua đó tìm giải pháp đẩy mạnh, phát huy những giá trị tốt đẹp của Tuồng trong đời sống đương đại.
Theo lịch sử còn lưu lại, nơi đây từng là rạp Tuồng cổ có tên là Sán Nhân Đài, sau đổi tên là Lạc Việt. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, nghệ thuật Tuồng đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hoá truyền thống Việt Nam.
Trưng bày được sắp đặt kỳ công nhằm tái hiện lại không gian Tuồng truyền thống, từng hình ảnh các nhân vật Tuồng kinh điển như đào kép, tướng chính… được thể hiện trên chất liệu nhựa, cùng với đó là những bộ trang phục biểu diễn Tuồng tinh xảo, bắt mắt. Phục trang của các nhân vật Tuồng dựa theo kiểu phục trang của vua quan trong triều hoặc theo kiểu phục trang dân dã nhưng được cách điệu cho phù hợp với sân khấu. Các loại phục trang được trưng bày như: Mãng (là loại áo rộng, dài gần đến chân, tay áo rộng, có thêu rồng, phượng), áo giáp (là áo của các tướng ra trận), Cung trang (là áo của các cung tần trong triều)...
Thiếu thế hệ kế cận, Tuồng Thạch Lỗi đứng trước nguy cơ mai một
Hơn 20 chiếc mặt nạ hoá trang ấn tượng với đủ các màu sắc sặc sỡ, được thể hiện sống động thông qua các hình khối, đường nét và màu sắc dân gian. Bên cạnh đó, các loại nhạc cụ thường thấy trong sân khấu Tuồng được giới thiệu như là bộ gõ, bộ hơi, bộ dây...
Hoạt động trưng bày đã giúp truyền tải, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa tới cộng đồng, qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Trưng bày sắp đặt nghệ thuật "Tuồng cổ trên chất liệu mới” sẽ kéo dài đến hết ngày 17/12/2023./.