Tái hiện khung cảnh tuyết rơi tại Lễ hội mùa Đông Sa Pa 2017

Ngày hội khám phá tuyết Sa Pa, diễn ra từ 7 giờ đến 22 giờ các ngày từ 22-31/12, sẽ tái hiện khung cảnh tuyết rơi có một không hai ở Việt Nam trên diện tích gần 10.000m2.
Tái hiện khung cảnh tuyết rơi tại Lễ hội mùa Đông Sa Pa 2017 ảnh 1Băng tuyết ở Sa Pa. (Nguồn: Vietnam+)

Theo dự kiến, Lễ hội mùa Đông Sa Pa 2017 sẽ diễn ra từ ngày 23-25/12/2017, đúng vào dịp cuối tuần và Lễ Giáng sinh.

Lễ hội là một trong những sự kiện văn hóa-du lịch mùa Đông nổi tiếng nhất cả nước và là sự kiện tiêu biểu trong Năm du lịch quốc gia 2017, góp phần hình thành thương hiệu Lễ hội mùa Đông riêng có của Sa Pa, Lào Cai.

Theo ông Trần Mạnh Hảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa, Lễ hội mùa Đông Sa Pa 2017 sẽ chia thành 2 đợt, trọng tâm vào các ngày từ 22-24/12 và từ 29-31/12.

Với chủ đề “Ngày hội khám phá tuyết Sa Pa," du khách trong nước và quốc tế sẽ có nhiều trải nghiệm mới mẻ qua các hoạt động hấp dẫn đón chào Năm mới 2018 như tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống dân tộc, hát giao duyên, xem các chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc, cùng chơi các trò chơi dân gian và thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương...

Ngày hội khám phá tuyết Sa Pa, diễn ra từ 7 giờ đến 22 giờ các ngày từ 22-31/12, sẽ tái hiện khung cảnh tuyết rơi có một không hai ở Việt Nam trên diện tích gần 10.000m2 với nhiều khung cảnh ấn tượng, không gian vui chơi hấp dẫn với tuyết theo các chủ đề: Giáng sinh, vườn tuyết, biệt thự tuyết, nhà tuyết H’mông, nhà sàn tuyết, hoa tuyết, mưa tuyết, con đường tuyết, nhiều mô hình cảnh tuyết tiêu biểu.

Trong khuôn khổ Ngày hội còn có chương trình biểu diễn ca múa nhạc ấn tượng về đêm tại sân khấu ngoài trời, trình diễn Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Dao và tái hiện văn hóa dân gian các dân tộc (hát giao duyên, mô phỏng cảnh kéo vợ, hát ống tỏ tình, múa khèn, thổi sáo Mông, trai gái người dân tộc thiểu số đi chợ tình...) cùng với trò chơi dân gian các dân tộc Sa Pa.

Ngoài ra, Ngày hội tổ chức trưng bày thổ cẩm và các mặt hàng nông sản địa phương, quà tặng du lịch, giới thiệu quy trình sản xuất thổ cẩm tại tầng 1 của Bảo tàng Sa Pa; trưng bày và cho thuê trang phục dân tộc truyền thống; triển lãm tranh, ảnh…

Đặc biệt, "Hội đèn đêm tuyết" - một trong các hoạt động độc đáo của Lễ hội mùa Đông Sa Pa năm 2017 sẽ tái hiện lễ hội ánh sáng về đêm lần đầu tiên tổ chức tại Sa Pa với rất nhiều không gian trình diễn ánh sáng vô cùng đẹp mắt cùng rừng thông Noel ngược vô cùng độc đáo, đường hầm ánh sáng huyền ảo và toàn bộ không gian kiến trúc được chiếu sáng rực rỡ trong phạm vi 10.000m2.

Điểm nhấn trong Ngày hội là sự kiện khai trương phòng trà Trịnh ca với những ca khúc bất hủ của cố nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn để chiều lòng bất cứ du khách nào có gu thưởng trà trong không gian âm nhạc tuyệt vời.

[Cận cảnh băng tuyết phủ kín 'nóc nhà Đông Dương']

Bên cạnh đó, huyện Sa Pa hiện chuẩn bị cho “Lễ hội đường phố” với hoạt động diễu hành, trình diễn giới thiệu nét đẹp trang phục văn hóa độc đáo các dân tộc, kết hợp múa lân, múa rồng trên các tuyến phố trung tâm vào đêm 31/12.

Đặc biệt, cũng nằm trong khuôn khổ “Lễ hội mùa Đông Sa Pa năm 2017," lễ hội “Thiên đường tuyết rơi" của Khu du lịch Sun World Fansipan Legend sẽ diễn ra và kéo dài trong dịp Giáng sinh và đón chào Tết Dương lịch từ ngày 23/12/2017 đến 2/1/2018.

Lễ hội mùa Đông Sun World Fansipan Legend gây ấn tượng với du khách khi mang tới những cây thông Noel độc nhất vô nhị được làm từ các đặc sản của Tây Bắc.

Đón khách vào khu du lịch là cây thông Noel hình chóp tam giác biểu trưng cho đỉnh cao 3.143m rực rỡ màu sắc và cây thông cao 6 mét được kết bằng hơn 5.000 bắp ngô vàng óng. Ngay cạnh khu vực đỉnh Fansipan, 1 tấn trái su su được sử dụng để kết thành cây thông cao 5 mét...

Đây là năm thứ hai lễ hội mùa Đông được tổ chức trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Lễ hội mùa Đông Sa Pa năm 2016 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc các dân tộc đã thu hút trên 2 vạn lượt khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục