Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội

Sau khi các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn, uống, quán càphê... được phép hoạt động trở lại, nhiều vỉa hè tại Hà Nội lại rơi vào trạng thái nhốn nháo, gây mất mỹ quan đô thị và cản trở người đi bộ.
Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội ảnh 1Tình trạng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè phố Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19, để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19, chính quyền thành phố đã tạm dừng hoạt động các hàng quán vỉa hè, tạo điều kiện cho người dân Thủ đô chứng kiến cảnh “đường thông, hè thoáng,” vỉa hè gọn gàng, sạch sẽ.

Thế nhưng, từ đầu tháng 3/2021, sau khi các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn, uống, quán càphê... được phép hoạt động trở lại, vỉa hè lại rơi vào trạng thái nhốn nháo, mất trật tự.

Theo khảo sát của phóng viên, rất nhiều tuyến đường trên địa bàn có vỉa hè bị lấn chiếm vào mục đích riêng như Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm), Đào Tấn (quận Ba Đình)...

Hầu hết các trường hợp vi phạm là các cửa hàng trà chanh, trà đá, quán lẩu, bia... Chủ quán và nhân viên thản nhiên kê thêm bàn, ghế ra ngoài vỉa hè khi lượng khách bên trong quá tải. Thậm chí một số nơi trong quán rất vắng nhưng phần vỉa hè trước quán vẫn đông đúc do tâm lí khách hàng thích “ngồi ngoài thoáng.”

Bên cạnh đó, một số tuyến đường gọn gàng vào ban ngày nhưng ban đêm các quán nước vỉa hè lại mọc lên như nấm sau mưa. Người đi đường không khó để bắt gặp những quán nước di động không bàn, không đèn điện thắp sáng, chỉ một chiếc xe kéo cùng cả trăm chiếc ghế nhựa rải kín khắp vỉa hè, kéo dài hàng mét.

Dù có khách ngồi hay không thì những chiếc ghế luôn ở trong tình trạng chờ sẵn. Một số người còn để cả xe đẩy xuống lòng đường, bán các loại đồ ăn nhanh như xôi, ngô, xúc xích... phục vụ tại chỗ và mang về.

[Hà Nội chưa hết dịch, tình trạng kinh doanh ở vỉa hè đã tràn lan]

Những quán cóc vỉa hè dẹp trước, tái phạm sau, lúc ẩn lúc hiện gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lí trật tự. Điển hình là ở đoạn đường Tôn Thất Tùng, Trường Chinh hay các tuyến vỉa hè xung quanh Hồ Tây.

Tại tuyến đường Trần Cung (quận Cầu Giấy), Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) người dân còn sử dụng vỉa hè để kinh doanh cửa hàng tạp hóa, đồ gia dụng, hoa quả, thức ăn. Hiện tượng này diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm, tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết.

Không chỉ kinh doanh, việc tranh thủ chiếm vỉa hè còn diễn ra với nhiều hình thức khác: đặt biển hiệu, mái che chiếm không gian, thậm chí là đậu cả ôtô lên vỉa hè...

Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn cản trở giao thông. Người đi bộ không còn cách nào khác đành đi xuống lòng đường, dẫn đến những rủi ro liên quan đến tai nạn.

Bác Nguyễn Kim Tuấn ở quận Hoàn Kiếm bày tỏ, người dân luôn có nhu cầu mua bán, đặc biệt là các hàng trà đá vỉa hè nhưng nếu kinh doanh thì phải theo quy định của chính quyền.

Mục đích chính của vỉa hè là để cho người đi bộ nên nếu kinh doanh thì phải đảm bảo hài hòa, sử dụng một phần nhỏ chứ không được kinh doanh tràn lan, tuỳ tiện ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

Tại quận Hoàn Kiếm mới đây, Ủy ban Nhân dân quận đã đề xuất thí điểm sử dụng vỉa hè 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh gồm Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông) và Lê Phụng Hiểu. Thời gian hoạt động từ 6-2 giờ sáng, riêng phố Phùng Hưng từ 6 giờ đến 22 giờ.

Tuy nhiên, đề xuất trên của quận Hoàn Kiếm đã bị Sở Giao thông Vận tải bác do chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là quy định về việc sử dụng hè phố không vào mục đích giao thông.

Trên thực tế, các tuyến phố được nêu trong đề án là trục chính giao thông của khu vực, có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, nhất là vào khung giờ cao điểm. Nếu tổ chức kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè sẽ tạo điều kiện cho phương tiện dừng đỗ trái quy định, dẫn đến nguy cơ gây ùn tắc giao thông tại khu vực này và ảnh hưởng tới các khu vực lân cận.

Mặt khác, việc cấp phép sử dụng hè phố để kinh doanh, buôn bán gây bất bình đẳng giữa các hộ dân kinh doanh được cấp phép và hộ kinh doanh trong nhà; tranh chấp giữa các hộ trong cùng một số nhà có nhiều hộ sinh sống, gây bất bình giữa các hộ kinh doanh.

Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nếu thực sự có nhu cầu kinh doanh, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cần kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét chủ trương giải quyết đơn lẻ việc sử dụng tạm thời hè phố với những trường hợp đủ điều kiện phần hè nằm trong khuôn viên tòa nhà; có diện tích hạn chế như đã thực hiện tại vỉa hè trước khách sạn Metropol và tại số 94 Lý Thường Kiệt.

Thời gian tới, các lực lượng liên ngành tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra đột xuất tại các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn trong việc triển khai xử lý vi phạm an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự xây dựng; trong đó, tập trung chủ yếu trong việc lập lại trật tự đô thị trên lòng đường, hè phố; xử lý nghiêm hành vi chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép, thu giá trông giữ xe sai quy định; vi phạm về dừng đỗ dưới lòng đường, trên vỉa hè./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục