Tái đàm phán NAFTA: Mỹ có thế mất 50.000 việc làm nếu cứng rắn

Vòng 5 tái đàm phán NAFTA đang diễn ra với nhiều bất đồng chưa được giải quyết liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa khu vực trong ngành ôtô và đề xuất hiệp định này tự động hết hạn sau 5 năm của Mỹ.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vòng 5 tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mexico, Mỹ và Canada) đang diễn ra tại thủ đô Mexico City, Mexico, với nhiều bất đồng chưa được giải quyết liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa khu vực trong ngành ôtô và đề xuất hiệp định này tự động hết hạn sau 5 năm của Mỹ.

Theo TTXVN tại Mexico City, đại diện nước chủ nhà và Canada đã không phản đối đề xuất của Mỹ về nâng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với ngành ôtô từ 62,5% hiện nay lên 85%, trong đó ít nhất 50% tỷ lệ nội địa Mỹ, nhưng đặt ra các lập luận và câu hỏi kỹ thuật về tính cạnh tranh của lĩnh vực này với đòi hỏi phi lý trên.

Hai thành viên này cảnh báo việc Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi quan điểm cứng rắn trên sẽ dẫn tới sự đổ vỡ của NAFTA và khi đó Mỹ sẽ mất từ 24.000 đến 50.000 việc làm trong ngành ôtô.

Các quan chức của Mexico cho rằng yêu sách trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhằm ngăn chặn dòng chảy việc làm trong lĩnh vực ôtô của Mỹ sang Mexico và đảo ngược thâm hụt thương mại trên 60 tỷ USD/năm với quốc gia này.

[Các nhà phân tích: CPTPP có thể tác động đến đàm phán NAFTA]

Mặt khác, trưởng đoàn đàm phán Mexico, Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo, đề xuất đánh giá kỹ lưỡng lại NAFTA 5 năm/lần nhằm thay cho đề xuất tự động hết hạn của Mỹ.

Theo ông Guajardo, đề xuất của Mexico là “một cơ chế đánh giá nghiêm ngặt hơn” so với cơ chế hiện nay. Theo quy định hiện nay, mỗi quốc gia có quyền rời khỏi NAFTA nếu muốn. Đề xuất này của Mexico được phía Canada ủng hộ.

Tại vòng đàm phán lần này, các bên đã hoàn tất các bàn đàm phán kỹ thuật về lĩnh vực dệt may, lao động, dịch vụ và sở hữu trí tuệ.

Ngay trong ngày đàm phán đầu tiên cua vòng 5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các mục tiêu tái đàm phán NAFTA đã điều chỉnh, chủ yếu phản ánh yêu cầu mà phía này từng đưa ra trong các vòng trước và đặc biệt giữ nguyên mục tiêu quan trọng nhất là giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và hai thành viên còn lại.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của cả Canada và Mexico vì vậy hai quốc gia này đều mong muốn tiếp tục duy trì hiệp định thay vì phải giải quyết những hậu quả gián đoạn kinh tế một khi Mỹ rút khỏi NAFTA.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ luôn gọi hiệp định này là "thảm họa," là lý do khiến nước Mỹ mất hàng chục nghìn việc làm mỗi năm đồng thời tuyên bố sẵn sàng từ bỏ nếu các nội dung không được sửa đổi không phù hợp.

Phía Mexico muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 7/2018, song các ứng cử viên tổng thống nước này lại kêu gọi tạm hoãn tiến trình đàm phán đến sau cuộc bầu cử.

Cựu thị trưởng thành phố Mexico, ứng cử viên cánh tả Andres Manuel Lopez Obrador đã kêu gọi tạm dừng tái đàm phán NAFTA với lo ngại chính phủ hiện nay của Tổng thống Enrique Pena Nieto không thể bảo vệ các lợi ích của quốc gia Bắc Trung Mỹ này.

Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2017, Mexico và Canada đạt thặng dư thương mại 53,092 tỷ USD và 12,447 tỷ USD với Mỹ, tăng tương ứng 10,9% và 152,7% so với cùng kỳ năm 2016.

NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa ba quốc gia Bắc Mỹ đạt trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục