Tái đàm phán Hiệp định NAFTA đã đạt trên 50% tiến độ

Quá trình hiện đại hóa NAFTA đã đạt khoảng 50-60% tiến độ, với việc các bên cố gắng hoàn tất các vấn đề ít xung đột và bắt đầu thảo luận các chương còn tồn đọng bất đồng sâu sắc tại vòng 7.
Tái đàm phán Hiệp định NAFTA đã đạt trên 50% tiến độ ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer tại vòng 3 tái đàm phán NAFTA. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quá trình hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gồm Mexico, Mỹ và Canada, đã đạt khoảng 50-60% tiến độ, với việc các bên cố gắng hoàn tất các vấn đề ít xung đột và bắt đầu thảo luận các chương còn tồn đọng bất đồng sâu sắc tại vòng 7 tái đàm phán hiệp định đang diễn ra tại thủ đô Mexico City của Mexico.

Chủ tịch Hội đồng điều phối doanh nghiệp Mexico (CCE), Juan Pablo Castañón, đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn và rào cản cần phải vượt qua, nhưng các bên đang cùng làm việc tích cực để tiếp cận các vấn đề “gai góc” nhằm hoàn tất việc nâng cấp hiệp định 24 năm tuổi này.

Theo Cơ quan xúc tiến thương mại Mexico (ProMexico), các chương được đánh giá là khó khăn như quy định xuất xứ, đầu tư, dệt may và giải quyết tranh chấp thương mại đã đạt từ 20-30%. Trong khi đó, sở hữu trí tuệ và nông nghiệp đạt 10% tiến độ. Đây là các chương mà các bên sẽ tập trung thảo luận tại vòng đàm phán lần này và vòng tiếp theo diễn ra vào tháng Ba tới tại Mỹ.

Fernando Ruiz, Giám đốc Hội đồng doanh nghiệp Mexico về Ngoại thương (COMCE) cho biết tiến bộ trong đàm phán về các vấn đề khó khăn phụ thuộc vào sự linh hoạt từ phía Mỹ và Canada, trong khi phía Mexico đang phân tích các biện pháp ứng phó có thể đạt được trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, các chương về hải quan và tạo thuận lợi thương mại, tiếp cận thị trường hàng hóa, mua sắm chính phủ, nhập cảnh tạm thời, lao động, năng lượng, doanh nghiệp nhà nước, dịch vụ tài chính và biên mậu đã đạt đồng thuận từ 50-70% các chi tiết. Mặt khác, các chương về viễn thông, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, quy định về thương mại thiết bị y tế, sản phẩm hóa chất và dược phẩm cũng đạt từ 80-90% tiến độ.

[Quy tắc xuất xứ - vấn đề gai góc trong tái đàm phán NAFTA]

Trong ngày 27/2, ngày thứ ba của vòng đàm phán, các bên tiếp tục thảo luận về quy định xuất xứ, các quy định thực tiễn, nhập cảnh tạm thời, lao động, sở hữu trí tuệ, biện pháp thương mại và dịch vụ tài chính. Trước đó, sau hai ngày thảo luận các bên đã kết thúc bàn đàm phán về nông nghiệp và phụ lục về minh bạch dược phẩm.

Trước khi bước vào ngày đàm phán thứ ba, Trưởng đàm phán kỹ thuật Mexico Kenneth Smith Ramos khẳng định việc tạm dừng bàn đàm phán về quy định xuất xứ đối với ngành ôtô không ảnh hưởng tới quá trình đàm phán.

Ngày 26/2, bàn đàm phán về quy tắc xuất xứ đối với ngành ôtô đã phải thay đổi lịch trình sau một ngày thảo luận khi Trưởng đàm phán của Mỹ về vấn đề này là Jason Bernstein đã quay về Mỹ để tham vấn Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và ba nhà sản xuất ôtô lớn của nước này gồm Ford, Chrysler và General Motors. Do vậy, việc đàm phán về quy tắc xuất xứ nhiều khả năng sẽ phải lùi đến cuối tuần.

Nhằm tháo gỡ bất đồng liên quan tới xuất xứ ôtô, ngay trước khi bước vào vòng đàm phán, Chính phủ Mexico thông báo sẽ đưa ra đề xuất về vấn đề này. Tại vòng 6 tái đàm phán NAFTA, phía Mỹ đã bác bỏ các để xuất của Canada trong việc đánh giá lại hàm lượng nội địa ôtô, trong đó tính thêm các chi phí về kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển.

Vòng 7 tái đàm phán NAFTA (dự kiến kéo dài từ ngày 25/2 tới ngày 5/3), thiết lập 30 bàn làm việc. Mỗi một vấn đề sẽ được thảo luận tối đa trong ba ngày. Tại vòng đàm phán này, các bên đặt mục tiêu hoàn tất ít nhất bảy chương mới, trong đó có viễn thông, năng lượng và rào cản kỹ thuật đối với thương mại, nâng tổng số chương đạt được thỏa thuận lên 10/33 chương của hiệp định.

Các nguồn tin địa phương cho biết các bàn đàm phán một lần nữa đang bị “che phủ” bởi căng thẳng mới giữa Mexico và Mỹ sau cuộc điện đàm mới đây giữa hai Tổng thống Enrique Peña Nieto và Donald Trump, trong đó có đề cập tới việc thanh toán bức tường biên giới chung và điều này khiến kế hoạch sắp xếp một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trong vài tuần tới bị hoãn lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố Mexico phải thanh toán chi phí xây bức tường biên giới chung một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong khi đó, Chính phủ Mexico khẳng định không thanh toán dưới bất kỳ hình thức nào cho dự án trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục