Tái cơ cấu VNPT: Tập trung hai lĩnh vực then chốt

Trong những năm gần đây, trong quá trình hoạt động VNPT cũng đang bộc lộ một số bất cập, trong đó có những nguyên nhân nội tại như: Cơ chế hạch toán độc lập, số đơn vị phụ thuộc lớn, lực lượng lao động trong lĩnh vực mạng cố định dôi dư lớn… Do vậy cần sớm có sự thay đổi về mô hình sản xuất kinh doanh và cơ chế hoạt động. Theo VNPT, đến năm 2020, tập đoàn sẽ tập trung vào hai lĩnh vực then chốt là viễn thông và công nghiệp công nghệ thông tin.
Ngày 21/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã có buổi báo cáo toàn diện về tổ chức hoạt động và định hướng phát triển trong thời gian tới với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Nghị định 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp trên trực tiếp của hội đồng thành viên VNPT sẽ thực hiện quản lý Nhà nước trực tiếp đối với đơn vị này.

Báo cáo của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT cho biết, thời gian qua mặc dù còn gặp không ít khó khăn song VNPT vẫn luôn đạt mức tăng trưởng khá, cả về doanh thu, thuê bao, lợi nhuận và nộp ngân sách. Không những vậy, VNPT đã đóng góp rất quan trọng vào việc phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông tại Việt Nam, nhất là trong việc triển khai hoạt động vệ tinh trên quỹ đạo.

Riêng năm 2012, doanh thu của đơn vị vẫn đạt hơn 130.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 8.700 tỷ đồng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, trong quá trình hoạt động VNPT cũng đang bộc lộ một số bất cập, trong đó có những nguyên nhân nội tại như: Cơ chế hạch toán độc lập, số đơn vị phụ thuộc lớn, lực lượng lao động trong lĩnh vực mạng cố định dôi dư lớn… Do vậy cần sớm có sự thay đổi về mô hình sản xuất kinh doanh và cơ chế hoạt động.

Theo VNPT, đến năm 2020, tập đoàn sẽ tập trung vào hai lĩnh vực then chốt là viễn thông và công nghiệp công nghệ thông tin. Đồng thời phát triển thêm các dịch vụ băng rộng, giá trị gia tăng và truyền thông phù hợp với xu thế hội tụ giữa viễn thông-công nghệ thông tin-truyền thông. VNPT phấn đấu đến năm 2020, tổng doanh thu đạt 287.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 15.500 tỷ đồng.

Để VNPT tiếp tục trở thành doanh nghiệp chủ lực, mạnh về viễn thông và công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, thời gian tới Tập đoàn VNTP cần bám sát và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là cung cấp các dịch vụ viễn thông và công nghiệp công nghệ thông tin, tránh đầu tư dàn trải ngoài ngành. VNPT cần phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của mình để thực hiện quyết liệt các giải pháp, tiếp tục đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và tỷ suất lợi nhuận cao.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng yêu cầu VNPT khẩn trương điều chỉnh lại phương án tái cơ cấu, sau đó đề xuất lên Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ sẽ kiểm tra, đánh giá để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian tới lãnh đạo Bộ thông tin và truyền thông cùng các cơ quan chức năng của Bộ đã có kế hoạch làm việc cụ thể với các đơn vị thành viên của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT để triển khai Nghị định này./.

T.T (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục