Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam

Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao.
Khai trường mỏ than Cọc Sáu - Vinacomin. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2017-2020.

Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) thành tập đoàn kinh tế mạnh có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao; cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; hoạt động hiệu quả, bền vững.

Cùng với đó, Tập đoàn giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu than sản xuất trong nước cho các ngành kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích của Chủ sở hữu, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động và cộng đồng nhằm phát triển bền vững.

Theo Đề án, ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam là công nghiệp than; công nghiệp khoáng sản-luyện kim; công nghiệp điện; vật liệu nổ công nghiệp.

Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam là công nghiệp cơ khí; công nghiệp hóa chất; công nghiệp vật liệu xây dựng; quản lý, khai thác cảng; vận tải, hoa tiêu, kho bãi; xây dựng công trình mỏ, dân dụng, công nghiệp, giao thông; thăm dò, khảo sát địa chất; tư vấn kỹ thuật, khoa học công nghệ và đầu tư; giám định hàng hóa; đào tạo, y tế; phòng ngừa, ứng cứu, xử lý, khắc phục sự cố mỏ; hoạt động bảo vệ và hoàn nguyên môi trường.

Theo Kế hoạch sắp xếp của Đề án này, các doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam: Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ (cổ phần hóa vào năm 2019); Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa tiêu hàng hải: Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam nắm giữ 75% vốn điều lệ; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Lâm Đồng: Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên; Viện cơ khí năng lượng và mỏ: Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam nắm giữ 51% vốn điều lệ; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Đắk Nông (hình thành từ việc chuyển đổi Công ty Nhôm Đắk Nông): Cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 484a/VPCP-CN ngày 28/2/2017.

16 đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam sẽ giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam; 8 đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể, sắp xếp, tổ chức lại.

Năm doanh nghiệp do Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ; Viện Khoa học công nghệ mỏ; Trường cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam; Bệnh viện Than-Khoáng sản; Tạp chí Than-Khoáng sản.

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại ba Công ty cổ phần: Than Vàng Danh, Than Hà Tu, Than Mông Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục