Tái cơ cấu nông nghiệp: Công nghệ là chìa khóa then chốt

Theo các chuyên gia, công nghệ giúp nông nghiệp “tạo năng suất ghê gớm” nên việc tạo thành một nền nông nghiệp chính xác, thông minh là rất quan trọng để tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam.
Tái cơ cấu nông nghiệp: Công nghệ là chìa khóa then chốt ảnh 1Kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cây giống trong phòng nuôi cấy mô. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Các chuyên gia cho rằng, cùng với thể chế, để tái cấu trúc ngành nông nghiệp thành công rất cần đến “đòn bẩy” công nghệ thông tin-viễn thông.

Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đưa lên bàn nghị sự tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin Việt Nam-ASOCIO 2014 được tổ chức tại Việt Nam vào cuối tháng Mười.

Năng suất thấp vì thiếu công nghệ

Tại buổi trao đổi với phóng viên trước thềm Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) thẳng thắn cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay có năng suất lao động còn thấp hơn cả Lào và Campuchia. 

Theo ông Bình, một quốc gia năng suất lao động thua Lào, Campuchia là vấn đề lớn. Và để giải quyết vấn đề năng suất này chính là nhờ vào công nghệ.

Trên thực tế, có một số điểm sáng trong nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam như TH TrueMilk (bò sữa), Hoàng Anh Gia Lai (trồng mía) với những thành công đáng nể. Nhưng, theo ông Bình thì nhìn chung, nền nông nghiệp Việt Nam chưa có hình bóng của công nghệ thông tin. 

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn) cho biết, nông nghiệp rất cần công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện chỉ có một số lĩnh vực ứng dụng tốt như chăn nuôi. Còn lại những ngành khác thì việc ứng dụng là rất ít.

Ông Sơn nói, rừng biển mênh mông và khó để biết được diện tích, chất lượng rừng. Lại càng khó mà tách được đâu là rừng tự nhiên, rừng trồng, caosu, càphê. Những cái này biến động rất ghê gớm, nếu có công nghệ thông tin để giám sát sẽ giúp chúng ta phát triển bền vững.

Trong khi đó, trên biển có hàng vạn tàu nhỏ, và chỉ có công nghệ mới có thể theo dõi các tàu, hỗ trợ thông báo khi có biến động thời tiết, luồng cá, trữ lượng cá…

Ông Trương Gia Bình thì đưa ra ví dụ mô hình nông nghiệp của một số quốc gia phát triển. Theo đó, có một hệ thống giám sát nông nghiệp quy mô quốc gia từ vệ tinh. Từ thông tin vệ tinh thu được, các phân tích sẽ chỉ ra rằng vùng đất này nên trồng gì, dự báo năng suất, vấn đề về sâu bệnh, chăm sóc…

Từ các thông số kỹ thuật trên, các công ty công nghệ cao sẽ đặt cảm biến trong vùng đất đó, tính toán để đưa ra các hướng dẫn canh tác như lượng nước, phân bón… để bảo đảm chi phí tối thiểu, giảm ô nhiễm môi trường và đem lại hiệu quả cao nhất có thể.

Đồng tình, Viện trưởng Đặng Kim Sơn nhận định, công nghệ giúp nông nghiệp “tạo năng suất ghê gớm” nên việc tạo thành một nền nông nghiệp chính xác, thông minh là rất quan trọng. 

Nông nghiệp thông minh, bao giờ?

Người đứng đầu VINASA cho rằng, cơ hội để phát triển công nghệ thông tin trong nông nghiệp là rất to lớn. Bên cạnh đó, không thể bắt người dân phải đổi mới ngay được mà rất cần bàn tay của doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp thuộc VINASA này “chưa chạm vào nông nghiệp.”

Để giải quyết vấn đề này, ông Bình cho biết sẽ tổ chức đại hội của giới công nghệ thông tin với doanh nhân trẻ, từ đó cùng bàn bạc, đem kiến thức về quản trị, năng lực chuyển giao công nghệ, tiếp cận nguồn vốn… thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin trong nông nghiệp.

Đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp, ông Bình-với cương vị Chủ tịch của FPT chia sẻ, hồi FPT mới lập nghiệp tuy xác định lĩnh vực theo đuổi là tin học nhưng… không biết làm gì.

Đầu tiên, FPT hợp tác với một hãng, rồi nhận chuyển giao sản phẩm của họ tới các tổ chức tại Việt Nam rồi từ đó phát triển.

Bởi thế, theo ông Bình, với nông nghiệp cũng nên bắt đầu như vậy. Chúng ta đang rất cần những doanh nghiệp tiếp xúc với các tổ chức có công nghệ trong nông nghiệp đang tìm cách xâm nhập thị trường Việt Nam và làm cầu nối chuyển giao cho các địa phương.

Ông Bình cũng tiết lộ một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang đề xuất cùng FPT phối hợp chuyển giao công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp.

Đặc biệt, tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin Việt Nam-ASOCIO 2014, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nông nghiệp của các nước phát triển như Nhật Bản và Israel tìm kiếm đối tác để chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp tại Việt Nam.

Khẳng định vai trò của công nghệ sẽ quyết định đến việc tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam, tiến sĩ Đặng Kim Sơn thì hy vọng các doanh nghiệp trong nước sẽ đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực này, để đưa nông nghiệp thực sự phát triển và trở thành trụ cột phát triển kinh tế của đất nước.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để có nền nông nghiệp thông minh còn phải trải qua một khoảng thời gian nữa. Song, với lợi thế của người đi sau, chúng ta có thể triển khai công nghệ cập nhật nhất dựa trên nền tảng công nghệ mới để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, hiệu quả./.

ASOCIO là tên viết tắt của Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (Asian - Oceanian Computing Industry Organization) được thành lập năm 1984, là tổ chức quốc tế lớn nhất liên kết các hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông của các nền kinh tế thuộc hai châu lục.

ASOCIO hiện có 22 hiệp hội thành viên chính thức, đại diện cho 22 nền kinh tế trong khu vực, bao gồm: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam… và 5 hiệp hội thành viên quan sát là các đại diện của Mỹ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Canada.

Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin châu Á - châu Đại dương (ASOCIO ICT Summit) được ASOCIO tổ chức luân phiên tại các nước trong khu vực nhằm chia sẻ tầm nhìn, các xu thế phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên thế giới, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nền kinh tế, các doanh nghiệp trong khu vực.

Theo kế hoạch, Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin Việt Nam - ASOCIO 2014 sẽ diễn ra trong các ngày từ 28- 31/10 tại Hà Nội và Đà Nẵng với hơn 700 đại biểu tham dự.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục